Nhớ những ngày đầu đứng trên bục giảng

Tháng 4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Trong dòng hồi ức của tôi, một giáo viên đã về hưu lòng vẫn luôn bồi hồi nhớ về những ngày này 50 năm trước, lúc chập chững vào nghề dạy học, những ngày đầu đứng trên bục giảng.

Tôi thuộc thế hệ học sinh của Phan Thiết vào học lớp đệ thất (lớp 6 ngày nay) Trường Trung học Phan Bội Châu năm 1968, đến lớp 12 ra trường năm 1975. Khi chúng tôi đang ở học kỳ 2 năm học 1974 -1975 thì miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Giữa bộn bề công việc của những ngày giải phóng, thống nhất đất nước, chính quyền cách mạng đã dồn nhiều công sức, tập trung cho công tác giáo dục. Thầy cô đảm nhiệm việc giảng dạy ngày ấy bao gồm cả những thầy cô tại chỗ và thầy cô được tăng cường từ miền Bắc vào, từ chiến khu ra. Lớp học sinh phổ thông chúng tôi được học môn Văn theo chương trình giải phóng; phần các môn cơ bản vẫn tiếp tục học theo sách giáo khoa chúng tôi đã học từ trước đây. Thời gian 2 tháng để chúng tôi, lứa học sinh lớp 12 năm học 1974 – 1975 học, ôn kiến thức để chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông vào tháng 9/1975 mà không bị gián đoạn.

Sau 50 năm, giờ nghĩ lại, việc chính quyền cách mạng ổn định, triển khai dạy học và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông khóa ngày 20/9/1975 nghiêm túc, đúng quy định cho thế hệ học sinh lớp 12 năm học 1974 – 1975 như thế quả là một sự nỗ lực rất lớn của chính quyền ngày ấy. Bởi, môn văn chúng tôi được học chương trình, nội dung mới hoàn toàn. Thêm nữa, ngoại ngữ cũng là môn thi tốt nghiệp bắt buộc của năm 1975. Thế hệ chúng tôi trân trọng điều ấy, bởi chúng tôi không hề bị gián đoạn việc học, việc thi tốt nghiệp, ngay những ngày đất nước mới vừa giải phóng, giữa vô vàn công việc chính quyền cách mạng đã làm.

Năm 1975, trước tình hình thiếu giáo viên tại chỗ rất lớn, cả giáo viên dạy mẫu giáo, tiểu học, cấp 2, Phòng Giáo dục Phan Thiết thời bấy giờ đã tuyển giáo viên dạy tiểu học, chọn từ những học sinh mới học xong, tốt nghiệp lớp 12, bồi dưỡng cấp tốc nghiệp vụ sư phạm, để anh chị em có thể lên lớp, giảng dạy các em học sinh tiểu học. Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ấy được tổ chức trong 2 tuần, có khoảng 200 anh chị em được tuyển, trong đó có tôi.

Sau khi học xong lớp bồi dưỡng ngắn hạn ấy hợp cùng các giáo viên đã dạy trước ngày giải phóng nay tiếp tục được bố trí giảng dạy, đã đảm nhiệm việc đứng lớp cho các trường cấp 1 của Phan Thiết. Thời điểm ấy, giáo viên ngày lên lớp, tối sinh hoạt liên tục, hôm thì thời sự, hôm thì chính trị, có hôm thì văn nghệ cây nhà lá vườn. Anh chị em giáo viên còn được Phòng Giáo dục bố trí đi lao động, có lúc là việc đi trồng hoa, lúc thì đi lao động sản xuất. Vất vả nhiều, nhưng thời điểm ấy, trong khí thế lên cao của những ngày mới giải phóng, hầu hết anh chị em giáo viên đều hăng hái tham gia.

Năm 1975, 1976, phong trào văn nghệ các trường học rất được Phòng Giáo dục Phan Thiết quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện tổ chức... Phải thành thật mà nói rằng: Giữa những yêu cầu công việc soạn bài, đứng lớp, chấm bài, làm công tác chủ nhiệm lớp, làm đồ dùng dạy học, cùng bao công việc khác, thì việc tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ cây nhà lá vườn, việc tập những bài ca cho nhau đã giúp anh chị em giáo viên chúng tôi bớt đi căng thẳng, quên đi những vất vả.

Từ khoảng 200 anh chị em được bồi dưỡng cấp tốc nghiệp vụ sư phạm tiểu học để kịp có đủ người đứng lớp giảng dạy khắp thị xã, Phòng Giáo dục Phan Thiết chọn khoảng 20 người, đưa lên Đà Lạt để thi, vào học Trường Trung học Sư phạm Lâm Đồng. Do thời điểm 1975, 1976, tỉnh Thuận Hải chưa mở trường sư phạm. Những anh chị em giáo viên Phan Thiết được cử đi học Trung học Sư phạm Lâm Đồng ngày ấy đã rất cố gắng trong học tập, rèn luyện.

Học xong lớp Trung học Sư phạm năm ấy, các anh chị em được Ty Giáo dục Thuận Hải phân công về các huyện trong tỉnh, mà phần đông là về huyện Đức Linh (Thời điểm 1976, huyện Đức Linh bao gồm cả Đức Linh và Tánh Linh ngày nay). Lại tiếp tục những thử thách mới đối với anh chị em, khi Đức Linh những năm 1976, 1977 phương tiện đi lại rất thiếu thốn, khó khăn, trường học ở những xã xa xôi cơ sở vật chất còn hạn chế, còn thiếu nhiều thiết bị dạy học. Vậy mà rồi anh chị em vẫn yên tâm gắn bó với trường, với lớp, với những em học sinh ở vùng khó khăn này, trong khá nhiều năm. Nhiều người đã được đề bạt làm hiệu trưởng, hiệu phó, rồi quản lý cấp cao hơn.

Mới đó mà đã 50 năm. Thế hệ chúng tôi, mười tám, đôi mươi năm 1975 ấy, nay đã về hưu trên 5 năm rồi. Ký ức về những tháng năm đứng trên bục giảng những ngày mới giải phóng đến những năm về sau này vẫn khó nhòa trong tâm trí.

PHÚC NHÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nho-nhung-ngay-dau-dung-tren-buc-giang-129496.html