Nhớ những ngày vượt lũ

Đất trời Thái Nguyên giữa độ xuân. Trong dịu dàng xuân mới, nhìn quê hương tươi đẹp tôi lại nghĩ đến những ngày Thái Nguyên căng mình vượt lũ chưa xa. Rất lâu rồi, vùng đất nửa đồng nửa núi mới bị ngập nặng nề như thế. Trong cơn 'ghét bỏ' của đất trời, chúng tôi đã cùng người dân đồng lòng đi qua gian khó.

Lực lượng Công an hỗ trợ người dân vượt lũ.

Lực lượng Công an hỗ trợ người dân vượt lũ.

Tôi còn nhớ như in sáng 9/9/2024, nước sông Cầu dâng cao chưa có tín hiệu dừng, khu vực phường Quang Vinh và phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) nhiều điểm ngập sâu, nhấn chìm nhà cửa, công trình. Do địa hình không thuận lợi cho việc cứu hộ; nhiều ngõ nhỏ, chướng ngại vật, mực nước chỗ nông, chỗ sâu khác nhau nên xuồng máy rất khó tiếp cận.

Lực lượng công an chúng tôi đã dùng thuyền nhỏ để di chuyển vào ứng cứu bà con, nhưng nhiều nơi, nước chảy siết di chuyển được một đoạn là thuyền quay tròn, chỉ trực chờ bị nhấn chìm. Phương án sử dụng thuyền cao su cũng được “thử” nhưng giữa “biển” nước mênh mông không thấy đáy, chúng tôi chẳng thể nhìn thấy ở bên dưới, chỗ nào là dây thép gai, chỗ nào là hàng rào cọc sắt nhọn, chỉ khi mắc vào, thuyền bị thủng xì hơi thì mới phát hiện ra được.

Dầm mưa trong suốt nhiều giờ đồng hồ, các chiến sĩ công an đã nghĩ ra cách chằng dây neo vào 2 đầu và bám theo dây để di chuyển đến khu vực có người dân mắc kẹt. Tại những hộ dân đã di chuyển được lên tầng cao tránh lũ, chúng tôi dùng xuồng, thuyền phù hợp tiếp cận, dùng thang dây, thang cứng và các vật dụng, thiết bị sẵn có để đưa người dân xuống.

Thuyền nhỏ, xuồng nhỏ thì vào được sâu nhưng lại chở được ít người. Thuyền to, xuồng lớn chở được nhiều người lại không vào sâu được. Thế mới thấy việc cứu hộ, cứu nạn khó khăn, nguy hiểm như thế nào, cần phải tính toán, đánh giá tình hình kỹ lưỡng nếu không có thể gây ảnh hưởng tới người dân và cả lực lượng cứu hộ.

Vật lộn với mưa bão mấy ngày trời, đồng đội của tôi vẫn kiên cường như thế. Họ không sợ khó, sợ khổ, họ chỉ lo chưa đưa được người dân từ vùng lũ ra nơi an toàn. Trong những ngày cùng người dân “vượt” lũ, mỗi khi có đồng đội báo thông tin về như vừa đưa được một cụ già từ điểm ngập sâu nhất ra ngoài khu vực an toàn; hoặc vừa tiếp tế đồ ăn thành công cho hộ dân ở “rốn” lũ Quang Vinh… chúng tôi không giấu nổi niềm vui.

Ấn tượng nhất trong tôi là hình ảnh đồng đội mình di chuyển trên thuyền phao cứu sinh, vượt qua dòng nước siết và cứu hộ thành công gia đình có 2 cháu bé và 1 cụ già tại phường ở vùng “rốn” lũ. Khi thuyền tiếp cận khu vực gần nhà dân thì bị vướng vào dây thép gai, xịt mất 3 khoang, những người trên thuyền phải ngồi lệch về một bên để giữ thăng bằng cho thuyền.

Sau khi được đưa lên chiếc thuyền đặc biệt, người dân vẫn còn lo lắng lắm. Vậy nhưng, những đồng đội của tôi vẫn lạc quan, vui vẻ để trấn an nhân dân. Có lẽ, trong cuộc đời công tác của mình, đây là chiếc thuyền đặc biệt nhất.

Với phương châm không để người dân bị đói rét và nguy hiểm, trong những ngày mưa lũ ấy, lực lượng Công an toàn tỉnh đã duy trì trực 100% quân số, không ngừng nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ nhân dân vượt qua bão lũ. Nhiều gia đình cán bộ chiến sĩ công an cũng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, có người 5 ngày chưa về đến nhà, không liên lạc được với gia đình do mất điện, mất sóng, hết pin điện thoại nhưng họ chưa hề rời bỏ vị trí, liên tục tham gia cứu hộ.

Quê tôi, vùng trung du nửa đồng, nửa núi đã có những ngày kiên cường vượt lũ như thế. Được trực tiếp cùng đồng đội tham gia cứu hộ người dân bị ảnh hưởng bởi mưa bão, dù có vất vả nhưng trong tôi vẫn trào dâng niềm tự hào khi được khoác lên mình bộ quân phục. Chỉ mong quê hương mãi bình yên và người dân có cuộc sống đủ đầy, no ấm.

Đinh Xuân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202502/nho-nhung-ngay-vuot-lu-7f4071d/