Nhớ ơi chợ Tết

Chợ Tết là một trong những nét văn hóa độc đáo trong Tết cổ truyền của dân tộc. Chợ Tết qua cảm nhận của Vũ Bằng ở 'Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết' trong bút ký 'Thương nhớ mười hai' của ông hiện lên thật sinh động.

Đến với chợ Tết là đến với không gian văn hóa Tết. Bởi, không khí tháng Chạp, nhất là thời gian cận kề ngày Tết bao giờ cũng gợi lên trong lòng người những cảm xúc khó tả, như chia sẻ của Vũ Bằng: “Yêu tháng Chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đĩ thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”. Không những thế, chợ Tết còn mang một ý nghĩa văn hóa tâm linh rất đặc biệt: “Có những người đến phiên chợ cuối năm thường cố mang một thứ hàng, bất kỳ nhiều ít, bất kỳ tốt xấu đi bán, chỉ mong bán chạy chứ không mong lấy tiền, bán như thế là bán cái xúi quẩy của năm cũ đi”. Đây cũng là biểu hiện của tín niệm tâm linh, của tinh thần “tống cựu nghênh tân” trong ngày Tết của dân tộc. “Tất cả những tục lệ ấy, truy tầm ý nghĩa sâu xa của nó, chỉ là biểu hiện nguyện vọng của dân tộc muốn cho mọi sự trong năm mới phải hơn năm cũ”. Với ý nghĩa ấy, chợ Tết là một phần không thể thiếu trong đời sống và cũng là một biểu tượng văn hóa truyền thống thấm sâu trong tâm thức mọi người.

Chợ quê. Ảnh Internet

Chợ quê. Ảnh Internet

Chợ Tết bao giờ cũng có một sức hấp dẫn riêng. Sức hấp dẫn này được tạo nên từ những nét văn hóa độc đáo của chợ Tết, làm cho không khí đón xuân thêm sinh động và ý vị. Không những thế, sự nhộn nhịp của chợ Tết còn phản ánh sự phồn thịnh và khát vọng về một cuộc sống ấm no của con người. Cái tinh thần nhân văn này đã cho thấy tầm quan trọng, ý nghĩa nhân sinh của ngày Tết trong tâm thức văn hóa dân tộc, mà chợ Tết là một phần của ý nghĩa nhân sinh ấy. Bởi, “chợ Tết có một sức hấp dẫn hết sức kỳ lạ, muốn về nhưng lại muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, đi để xem... chợ Tết”. Đi để xem chợ Tết, hay đi để sống trong không khí văn hóa Tết, để cảm nhận ý vị của ngày Tết mà nếu không có chợ Tết thì ý vị ấy sẽ nhạt đi rất nhiều. Bởi lẽ, những ngày đi chợ Tết: “Nhìn vào cái gì cũng thấy đẹp, trông người nào mình cũng thấy tươi, thấy cái gì mình cũng muốn mua...”.

Tìm về chợ Tết là tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống trong Tết cổ truyền của dân tộc. Và cùng với các giá trị văn hóa truyền thống trong Tết cổ truyền như phong tục thờ cúng tổ tiên, đưa ông Táo chầu trời, phong tục kiêng kị và những lễ hội ngày Tết như hội chọi trâu, hội lim... thì chợ Tết cũng là một ký ức văn hóa cần phải bảo tồn và phát huy để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc nhằm cảm nhận sự thiêng liêng cái tình tự dân tộc mà ngày thường có thể bị chìm lấp trong cuộc sống áo cơm lận đận của phận người.

Và, về quê ăn Tết là để sống với những giá trị văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền, trong đó chợ Tết là một giá trị không thể thiếu. Tìm về với chợ Tết là tìm về với nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người như một phần không thể mất trong tinh hoa văn hóa dân tộc.

THIỆN MỸ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/6101/202301/nho-oi-cho-tet-3152966/