Nhớ ơn Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Tính đến nay, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã mất 324 năm (1700-2024). Với người dân Biên Hòa - Đồng Nai, đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh (phường Hiệp Hòa) chính là chứng tích đậm nét nhất, ghi dấu tình cảm, sự tôn kính đối với Đức ông qua hơn 3 thế kỷ.

Các em học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa dâng hương trong Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024. Ảnh: L.Na

Các em học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa dâng hương trong Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024. Ảnh: L.Na

Việc tổ chức lễ giỗ Đức ông tại đền thờ không chỉ tri ân công đức của Nguyễn Hữu Cảnh, mà qua đó còn góp phần giáo dục truyền thống, lan tỏa tinh thần đoàn kết trong nhân dân.

Ngưỡng vọng người hiền

Nếu như những năm trước, lễ giỗ Đức ông do Ban Quý tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức thì năm nay hoạt động này được thành phố Biên Hòa thực hiện quy mô, thu hút đông đảo người dân, nhất là học sinh, sinh viên, tham gia.

Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) đã có công mở mang bờ cõi về phía Nam, thiết lập hệ thống chính quyền ở vùng đất Nam Bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng.

“Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh là hoạt động văn hóa có ý nghĩa đặc biệt. Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Biên Hòa tri ân công đức người có công mở cõi. Các hoạt động văn hóa được tổ chức với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Qua đó, giới thiệu và quảng bá điểm đến di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh” - ông Thanh nói.

Trưởng ban Quý tế di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh Nguyễn Trung Cang cho hay, trong đền thờ hiện lưu giữ nhiều sắc phong quý giá và bộ áo mão mà Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mặc lúc sinh thời. Qua hơn 325 năm hình thành và phát triển Biên Hòa - Đồng Nai, đến nay bộ áo mão vẫn được lưu giữ, bảo quản nguyên vẹn.

Với lòng tôn kính Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, biết ơn các bậc tiền nhân, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố Biên Hòa tích cực tham gia nhiều hoạt động. Từ việc vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên di tích đến tổ chức các sân chơi như: vẽ tranh, triển lãm, trò chơi dân gian, trang trí và giao lưu ẩm thực xưa, biểu diễn nghệ thuật… Đặc biệt, Thành đoàn tổ chức các đợt tìm về địa chỉ đỏ cho đoàn viên, thanh niên, thực hiện mã QR tại di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh để giới thiệu các thông tin liên quan.

Theo Bí thư Thành đoàn Biên Hòa Nguyễn Ngọc Thảo An, việc người trẻ tham gia các hoạt động tại di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã và đang góp phần bồi đắp niềm tự hào về truyền thống văn hóa, khích lệ các thế hệ tích cực noi gương sáng của tiền nhân. Từ đó, say mê học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành công dân tốt cho xã hội, tiếp tục phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH cho biết: “Thời gian tới, thành phố Biên Hòa đẩy mạnh phát triển du lịch kết nối đến các di tích lịch sử dọc sông Đồng Nai. Trong đó, thành phố triển khai thực hiện bến thủy trước di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, phát triển thế mạnh du lịch văn hóa địa phương”.

Nhân lên những giá trị văn hóa

Khu đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh hiện tọa lạc tại phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. Những năm qua, chính quyền địa phương đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trong năm 2024, Bảo tàng Đồng Nai sẽ thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo di tích quốc gia đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; đồng thời, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội kỳ yên đình Nguyễn Hữu Cảnh.

Phó chủ tịch UBND phường Hiệp Hòa Hoàng Ngọc Phương cho biết, để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tại di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, địa phương thường xuyên huy động các lực lượng ra quân dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài đền thờ cũng như khu lăng mộ Đức ông. Hiện ở khu mộ của Đức ông, địa phương đang vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để sơn sửa cũng như thay nền gạch, đảm bảo cho khu mộ sạch sẽ, khang trang.

Trân trọng tài đức của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đồng Nai đã đưa tên ông vào dự thảo danh mục ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; đặt tên ông cho các trường học. Đặc biệt, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật viết về Nguyễn Hữu Cảnh được giới thiệu rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Nổi bật là bộ tranh truyện Danh nhân đất Đồng Nai (gồm 5 cuốn, trong đó có cuốn Nguyễn Hữu Cảnh - người mở cõi phương Nam) của nhà văn Nguyễn Thái Hải và họa sĩ Phạm Quang Huy, do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 2020.

Với hơn 325 năm kể từ ngày Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược phương Nam, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đang ngày càng phát triển, trở thành điểm đến của người dân, du khách trong và ngoài nước. Các thế hệ người Biên Hòa - Đồng Nai hôm nay luôn biết ơn công đức, thành quả mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế. Bởi vậy, trong những ngày giỗ Đức ông, người dân khắp nơi tìm về đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh để được dâng hương tưởng nhớ công lao ông. Hương khói không bao giờ nguội tắt nơi chốn linh thiêng như tấm lòng người mở cõi vẫn luôn vì nước, vì dân.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202406/nho-on-le-thanh-hau-nguyen-huu-canh-d0c538e/