Nhờ ông khơi dậy niềm tin, tôi thành bác sĩ
Không chỉ khích lệ, động viên tôi học lên bác sĩ, bác sĩ Nguyễn Phượng Nghi còn đồng hành cùng tôi trong suốt những năm nuôi dưỡng ước mơ
Tôi từng làm điều dưỡng tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) từ tháng 12-2006 đến tháng 12 -2011. Trải qua tháng năm làm điều dưỡng, nhiều lúc tôi mơ ước một ngày nào đó mình có thể tự khám và điều trị cho những bệnh nhi nằm viện. Nhưng khi đó nghĩ lại, tôi lại thấy ước mơ của mình thật quá xa vời...
Buổi tối "định mệnh"
Cho đến một ngày, vào một buổi tối cuối năm 2010, trên đường đi làm về, xe tôi bị xì lốp. Dẫn bộ được 1 đoạn đường khá dài, tôi mừng rơn khi tiệm sửa xe ngay trước mặt. Kế tiệm sửa xe là phòng khám của bác sĩ Nguyễn Phượng Nghi. Ông cũng biết sơ về tôi vì làm cùng bệnh viện.
Lúc này, phòng khám cũng đã vắng bệnh nhân. Ông đang quét dọn lại phòng khám chuẩn bị đóng cửa thì tình cờ thấy tôi nên gọi vào hỏi: "Em nay học lên cử nhân điều dưỡng chưa?". "Dạ, em đang học cử nhân năm nhất". "Có ý chí! Hồi học phổ thông em học khá không?". "Dạ, rm học khá".
"Vậy em dám thi lại bác sĩ không?" - ông hỏi. Lúc đó, tôi ấp úng, chỉ nói được mỗi một lời "Dạ..." rồi im lặng.
Bác sĩ lại tiếp lời: "Mình thi thí sinh tự do, đâu có giới hạn tuổi". Tôi ngồi thẩn thờ, im lặng. Ông nhìn tôi cười: "Anh có ý như vậy, em suy nghĩ thêm, quan trọng là quyết định của em".
Tạm biệt người bác sĩ, tôi về nhà. Trên đường đi, đầu óc tôi cứ suy nghĩ miên man mãi những lời ông nói.
Làm tiếp công việc điều dưỡng hiện tại hay thi lại bác sĩ? Suy nghĩ đó cứ luẩn quẩn mãi trong tâm trí tôi. Rồi ý nghĩ thi lại bác sĩ trong tôi cũng đã thắng cuộc. Không dám nghỉ việc, tôi chọn cách vừa làm điều dưỡng vừa ôn thi lại buổi tối.
Vừa làm vừa học, tôi rất mệt nhưng vẫn quyết cố gắng và cố gắng. Thi lại đại học năm 2011, tôi không đậu ngành y.
Ước mơ thành sự thật
Với sự quyết tâm, niềm tin vào tương lai thôi thúc, tôi quyết định nghỉ việc, luyện thi đại học tiếp. Năm 2012, tôi đậu vào ngành y. Tôi đã thực hiện được ước mơ từng là quá xa xôi của mình. Nghe tin tôi đậu, người bác sĩ kể trên vui mừng khôn tả.
Ngày tôi chuẩn bị lên TP HCM nhập học, ông gọi tôi đến nhà, gửi cho tôi chi phí mua tài liệu học tập. "Thời gian 6 năm dài, em cố gắng học tập, gặp khó khăn thì nói anh. Đừng quá lo lắng làm ảnh hưởng việc học" - ông dặn dò.
Trong 6 năm tôi đi học, ông vẫn thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm, động viên tôi cố gắng .
Ngày tôi tốt nghiệp bác sĩ, hai vợ chồng ông rất vui mừng. Từ Bến Tre lên TP HCM rất sớm, ông tặng tôi bó hoa tươi thắm, chúc mừng thành công của tôi...
Giờ đây, khi đã là bác sĩ, tôi luôn mãi nhớ ơn ông, người anh và giờ cũng đã là người đồng nghiệp. 13 năm trước, ông đã khơi dậy, làm bùng cháy mãnh liệt ước mơ trong tôi.
Tôi luôn luôn dặn lòng sẽ cố gắng thật nhiều để trở thành bác sĩ giỏi, để không phụ lòng "người thầy thuốc trong tôi" - bác sĩ Nguyễn Phượng Nghi đáng kính.
Tấm gương để tôi noi theo
Năm học thứ 5, tôi nhớ như in một buổi sáng được nghỉ học về quê, tôi đến thăm ông. Ông không có ở nhà mà đang khám bệnh tại phòng khám. Ông đã xây phòng khám mới ở nơi khác, rộng và khang trang hơn. Từ xa, tôi đã thấy khá đông phụ huynh đưa trẻ đến khám.Thấy tôi bước vào, ông cười hớn hở: “Em về hồi nào, vào đây, vào đây ngồi...".
Ông lấy ghế cho tôi ngồi bên cạnh chờ. Tôi ngồi xem ông khám bệnh. Giọng ông rất hiền, hỏi thăm bệnh sử của trẻ rất cặn kẽ; hướng dẫn tỉ mỉ cách theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà… Tôi nhìn thấy niềm vui trên gương mặt của các phụ huynh sau khi con mình khám bệnh và nhận xong thuốc.
Tôi càng ngạc nhiên khi chi phí khám bệnh chỉ 30.000-40.000 đồng/2 ngày thuốc. Tôi thầm nghĩ mình phải học nhiều hơn về kiến thức chuyên môn, rèn luyện thêm về đạo đức, giao tiếp, để mong có ngày trở thành người thầy thuốc giỏi như ông.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nho-ong-khoi-day-niem-tin-toi-thanh-bac-si-196240116081212788.htm