Nho Quan: Hiệu quả từ thực hiện Nghị quyết 15 về phát triển du lịch

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Nho Quan đã có nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện miền núi, quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng du lịch, bảo tồn bản sắc văn hóa Mường… Qua đó đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan.

Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan.

Nhằm góp phần xây dựng các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương theo tiêu chuẩn OCOP, phục vụ phát triển du lịch, Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, thôn 4, xã Gia Lâm (huyện Nho Quan) đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm trà hoa vàng, trà hoa vàng mạn hảo và sản phẩm cao đinh lăng được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao từ tháng 1/2021.

Anh Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia cho biết: Để bảo tồn giống trà hoa vàng Cúc Phương-là giống hoa trà quý của Vườn Quốc gia Cúc Phương, Công ty đã và đang thực hiện đề tài khoa học "Bảo tồn và nhân giống trà hoa vàng Cúc Phương" bằng việc trồng thử nghiệm 3.000 cây trên 3 ha, được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Cùng với bảo tồn, phát triển thương hiệu cho giống trà hoa vàng Cúc Phương, Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia có hướng phát triển, gắn mô hình du lịch trải nghiệm với Công viên trà hoa vàng Ninh Bình, tạo điểm đến hấp dẫn với du khách, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Tại Công viên trà hoa vàng Ninh Bình, ngoài giống trà hoa vàng Cúc Phương chủ đạo, Công ty đã trồng rất nhiều loài trà hoa vàng khác của Việt Nam và cây trà của nước ngoài, với khoảng 26 giống trà hoa vàng trên diện tích 200ha, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch địa phương. Du khách đến với Công viên trà hoa vàng được tìm hiểu về các công đoạn như trồng cây hữu cơ, hái hoa, thưởng trà, trải nghiệm các điều kiện sinh thái trong vùng đất Ninh Bình...

Nho Quan là huyện miền núi của tỉnh, với lợi thế địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như du lịch tham quan, thắng cảnh Vườn Quốc gia Cúc Phương, động Vân Trình, hang Bụt - động Thiên Hà; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh như khu tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương, khu du lịch nghỉ dưỡng Cúc Phương Resort, Vedana Resort Cúc Phương; du lịch tâm linh, lễ hội như: Phủ Đồi Ngang, khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, đình Mống - Lá... Đặc biệt, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mường), chiếm hơn 17% dân số toàn huyện... là những nét văn hóa đặc trưng của huyện miền núi và là nguồn tài nguyên văn hóa giá trị dồi dào để phục vụ phát triển du lịch.

Đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tác động tích cực đối với huyện Nho Quan. Công tác xây dựng quy hoạch phục vụ phát triển du lịch được huyện quan tâm. Năm 2018, huyện đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rõ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng "công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch". Việc phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch từng bước được quan tâm đầu tư, nâng cấp, rút ngắn thời gian di chuyển của khách du lịch từ trung tâm đô thị về huyện Nho Quan.

Cùng với đó, quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn để đón khách nghỉ dưỡng, lưu trú ở địa phương. Quan tâm tới công trình đầu tư về hạ tầng giao thông. Đã có nhiều dự án, công trình về du lịch trên địa bàn huyện được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, như: Dự án đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương, với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng; dự án tuyến đường tránh lũ kết hợp du lịch núi Đính-hồ Đồng Chương-Cúc Phương, tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng; dự án tuyến đường bản Săm, bản Sạng, bản Vóng (xã Kỳ Phú), với mức đầu tư 30 tỷ đồng… Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn được chú trọng đầu tư, phát triển. Toàn huyện hiện có 48 cơ sở lưu trú, với 620 phòng nghỉ, trong đó có 5 khách sạn đạt từ 1-2 sao.

Công tác bảo tồn, phát triển các sản phẩm truyền thống, các di sản văn hóa của địa phương, nhất là bản sắc văn hóa dân tộc Mường phục vụ phát triển du lịch được đặc biệt quan tâm, như bảo tồn văn hóa cồng chiêng, hát đúm, hát giao duyên... Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo 27/27 xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương theo tiêu chuẩn OCOP. Đã có một số sản phẩm xây dựng và phát triển được thương hiệu, góp phần phục vụ phát triển du lịch như: Đũa kim giao, mật ong, nhung hươu Cúc Phương; nếp cau Thường Sung; quả trám Kỳ Lão; gốm sứ Gia Thủy; đồ gỗ Quỳnh Phong; cơm cháy Xích Thổ; trà hoa vàng, cao đinh lăng; khoai lang Hoàng Long; khoai sọ Yên Quang... Huyện tăng cường công tác quản lý du lịch, đẩy mạnh cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến, quảng bá du lịch; tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch trên địa bàn huyện...

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nho-quan-hieu-qua-tu-thuc-hien-nghi-quyet-15-ve-phat-trien/d20210615210729525.htm