Nho Quan quan tâm giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, pháp luật cho học sinh
Thời gian gần đây, các vụ bạo lực học đường tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã để lại hậu quả nặng nề, xót xa cho gia đình, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục và dư luận xã hội. Trong khi các nghị định, thông tư của Chính phủ, các bộ, ngành đều đã có quy định, hướng dẫn nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, quy định về xử lý khi xảy ra bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục... Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Trước thực tế trên, nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giáo dục kỹ năng sống (KNS) đối với sự phát triển toàn diện của học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Nho Quan đã quan tâm, tăng cường hoạt động giáo dục KNS cho học sinh dưới nhiều hình thức phù hợp. Như đổi mới cách dạy học, tích hợp trong các môn học Giáo dục công dân hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động về nguồn.... Qua đó xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh, hạn chế các vụ bạo lực học đường, giảm tình trạng vi phạm pháp luật trong học sinh.
Tham gia các phần dự thi trong chuyên đề "Giáo dục kỹ năng sống đạo đức, pháp luật" do Trường THCS Văn Phú (Nho Quan) tổ chức làm điểm cấp huyện, em Phạm Huyền Trang, học sinh lớp 8A cho biết: Để cùng các bạn tham gia các phần thi trong chuyên đề, chúng em đã tự tìm hiểu các nội dung được nêu ra, cùng với sự gợi ý, hướng dẫn của các thầy, cô giáo để có thêm các kiến thức, hiểu biết về vấn đề phòng, chống bạo lực học đường; văn hóa tham gia giao thông; việc không sử dụng các loại pháo, chất cấm, không để xảy ra các vi phạm về tệ nạn xã hội trong trường học và ngoài xã hội...
"Qua chuyên đề, với việc sân khấu hóa các hoạt động ngoại khóa, được thực hiện bằng các câu hỏi, vở kịch, các câu chuyện, phần thi hiểu biết..., trọng tâm là giáo dục về đạo đức, lối sống cho học sinh, giúp chúng em có thêm những hiểu biết, dễ nghe, dễ hiểu để không phạm phải những vi phạm rất dễ xảy ra trong cuộc sống, trong học tập. Cách giáo dục bằng những tình huống cụ thể rất gần gũi trong lớp, trong trường, giúp mỗi bạn khi gặp tình huống tương tự sẽ có cách xử lý phù hợp, hoặc biết tìm ai để được người trợ giúp, tư vấn hiệu quả..." - em Phạm Huyền Trang nói.
Cô giáo Trần Thị Lan Phương, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Trường THCS Văn Phú chia sẻ: Để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhà trường thường xuyên lồng ghép giáo dục KNS vào các nội dung bài giảng chính khóa ở nhiều môn học như Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý địa phương... Đồng thời, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như nói chuyện về truyền thống quê hương; các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Bác Hồ, về quê hương, đất nước; các cuộc thi tìm hiểu về ma túy, tệ nạn xã hội, thực hiện ký cam kết giữa nhà trường, gia đình và học sinh về việc không sử dụng chất cấm, không gây mâu thuẫn, đánh nhau trong trường học...
Mới đây, nhà trường tổ chức thành công hoạt động giáo dục KNS với chủ đề "Giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, pháp luật", qua đó giúp học sinh có thêm những kiến thức, hiểu biết; đồng thời tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp và nêu cao ý thức phấn đấu, rèn luyện. Chuyên đề được tổ chức nhằm đổi mới hoạt động dạy và học theo hình thức mới, là bước hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo đổi mới của Bộ Giáo dục- Đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc lĩnh hội tri thức, trải nghiệm; đồng thời rèn luyện kỹ năng, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh...
Giáo dục kỹ năng sống về tình yêu thương gia đình, bạn bè từ bậc học mầm non.
Những năm qua, cùng với giáo dục về văn hóa, Trường THCS Văn Phú luôn quan tâm đến công tác giáo dục KNS cho học sinh. Thầy giáo Nguyễn Hồng Sỹ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú cho biết: Xác định việc hình thành cho học sinh các kỹ năng về giao tiếp cơ bản, về xây dựng tình bạn đẹp, không vi phạm pháp luật, chủ động phòng chống bạo lực học đường..., tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực cho học sinh, nhà trường quan tâm đến hoạt động giáo dục KNS, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình dạy và học ở tất cả các khối lớp từ lớp 6 đến lớp 9. Kết quả hoạt động giáo dục KNS đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh nhà trường, trong đó xếp loại hạnh kiểm luôn có gần 100% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS luôn đạt 100%.
Nhà giáo Phạm Văn Khương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan cho biết: Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giáo dục KNS đối với học sinh, hàng năm, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các nhà trường thực hiện theo kế hoạch và được các nhà trường triển khai hiệu quả, linh hoạt. Theo đó, các nhà trường đã tùy vào điều kiện thực tế để tổ chức các chuyên đề, hội thi, các mô hình, buổi ngoại khóa..., tập trung vào các nội dung về văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình; giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại tình dục, phòng ngừa ảnh ưởng tiêu cực của mạng xã hội; kỹ năng đối phó với bạo lực học đường; việc lắng nghe, đoàn kết và tôn trọng ý kiến người khác...
Thông qua giáo dục KNS, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường dần hình thành cho học sinh kỹ năng sống tích cực, góp phần phát triển toàn diện nhân cách cho các em. Đồng thời, thông qua đó, giúp học sinh có những nhận thức đúng đắn về lối sống, đạo đức trong cuộc sống, học tập. Tuy nhiên, để các hoạt động KNS đạt được kết quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, ngoài nỗ lực của các nhà trường, đội ngũ giáo viên, cần sự phối hợp chặt chẽ của mỗi gia đình, các bậc phụ huynh, giúp con em mình từng bước hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho học tập và cuộc sống.
Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh quan điểm: "Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học". Như vậy, việc chú trọng đến phẩm chất người học đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Việc thực thi nằm ở các cơ sở giáo dục, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình với các biện pháp thích hợp để đẩy lùi những tiêu cực trong nhà trường.
Với sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ, tích cực từ nhiều phía đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, bởi thực tế vẫn còn nhiều vụ bạo lực học đường tuy chưa nghiêm trọng, vẫn còn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, sử dụng chất cấm...
Do vậy, bên cạnh vai trò của ngành Giáo dục, rất cần sự chung tay, gắn kết của gia đình, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội. Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của các em theo chuẩn mực chung. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng sự hình thành giá trị đạo đức tốt đẹp và xây dựng nếp sống văn hóa, lành mạnh trong học sinh. Và quan trọng hơn cả là để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui, ngôi trường, lớp học như chính ngôi nhà thân yêu để các em luôn muốn đến và cảm thấy an toàn, hạnh phúc.