... Nhớ quê nhà bếp lửa chiều xuân...

Tết là dịp để đoàn tụ sum vầy với gia đình, nhưng đối với những người con xa xứ đang làm việc, học tập ở nước ngoài thì tết vẫn còn xa… Tuy nhiên không vì thế mà Tết cổ truyền dân tộc trở nên nhạt nhòa đối với họ.'Chiều ở nơi đây, chiều không thấy khói/ Xuân sang không mai thắm pháo hồng/ Sao con vẫn thấy lòng ray rứt/ Nhớ quê nhà bếp lửa chiều xuân…' - những lời ca của bài hát 'Chiều xuân xa nhà' (thơ Huy Phương, nhạc Nhật Ngân) da diết như 'cứa' vào lòng những người con xa xứ.NHỚ NHÀ, NHỚ QUÊ

Anh Lê Quốc Qui (ấp Hòa, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đang làm việc tại một công ty cơ khí ở tỉnh Mie, Nhật Bản. Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp đến là cái tết thứ 3 anh Qui phải xa nhà. Nhật Bản từ lâu không còn đón Tết âm lịch như các quốc gia châu Á khác, nên ngày tết đối với những người con xa xứ vì mưu sinh ở quốc gia này như anh Qui càng thêm nhạt nhòa.

“Tết thường rơi vào mùa lạnh ở Nhật Bản nhưng cái lạnh bên ngoài không bằng cái lạnh của sự nhớ nhà khi tết đến. Ở đây, tết là những ngày buồn nhất, đường phố hoàn toàn không có chút không khí gì của tết, mọi người vẫn đi làm bình thường” - anh Qui chia sẻ.

Anh Qui (thứ 4 từ phải sang) cùng các bạn đồng hương bên mâm cơm tất niên nơi xứ người.

Anh Qui (thứ 4 từ phải sang) cùng các bạn đồng hương bên mâm cơm tất niên nơi xứ người.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Khánh (ấp Tây B, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành) chuẩn bị lần thứ 2 đón tết xa nhà tại Nhật Bản. Tết xa quê đối với anh Khánh chỉ là những cuộc gọi ngắn ngủi trong đêm giao thừa cho gia đình đang cách xa hàng ngàn cây số với những lời chúc năm mới tốt đẹp nhất.

“Những cuộc gọi chúc tết vội đêm giao thừa có lẽ là khoảnh khắc vui và hạnh phúc nhất. Những lúc ấy, tôi cố kiềm nỗi xúc động của mình để cha mẹ ở quê an tâm, nhưng khi tắt máy rồi thì nỗi nhớ nhà, nhớ quê dâng trào khó có thể kiềm được cảm xúc” - anh Khánh xúc động.

Do khác biệt về văn hóa nên tết đối với các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài là những ngày nhớ quê da diết. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và các nước vẫn thực hiện việc phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh khiến tết của những đứa con xa xứ thêm phần lẻ loi.

Em Huỳnh Ngọc Sương (xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành) hiện là sinh viên Trường Bethel University, bang Minnesota, Mỹ, đã có 4 lần đón tết nơi xứ lạ. Theo dự tính của Sương, tết năm nay, em định về Việt Nam ăn tết cùng gia đình, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 nên em không thể về quê nhà đón tết. “Hiện tại, ở Mỹ, người dân vẫn không được xuống đường tụ tập, nên sắp tới đây em chỉ có thể cảm nhận không khí Tết cổ truyền dân tộc từ các chương trình vui xuân, đón tết qua Internet” - Sương cho biết.

QUÊ NHÀ VẪN Ở TRONG TIM

Dù xa quê nhưng những người con Việt Nam nơi xứ người vẫn không quên truyền thống đón Tết cổ truyền dân tộc. Tết đến, sau giờ làm việc, các lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản vẫn tranh thủ chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc.

Anh Qui chia sẻ: “Năm rồi, tết đến, tôi cùng với các anh em đồng hương Việt Nam ở cùng phòng trọ chia việc với nhau để chuẩn bị đón tết, người thì mua xoài, bưởi, cam… chưng mâm ngũ quả; người thì mua hoa đào, hoa mai giả, bánh mứt chưng nghi trên bàn thờ Tổ quốc. Bàn thờ Tổ quốc được chúng tôi đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà với lá cờ Tổ quốc được treo cao. Qua đó, chúng tôi cảm nhận được quê hương đang ở rất gần, làm cho nỗi nhớ “mùi vị” tết quê hương cũng vơi đi phần nào. Tết năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục chưng nghi bàn thờ Tổ quốc để tết nơi quê người thêm ấm cúng”.

Do khác biệt về ẩm thực nên việc chuẩn bị các món ăn dịp tết đối với những người con Việt xa xứ cũng có đôi chút khó khăn. Anh Khánh cho biết: “Thức ăn ngày Tết cổ truyền Việt Nam của chúng tôi thường là đồ ăn của Nhật, vì khẩu vị ở đây và ở quê khác nhau nên khó tìm được các món ăn truyền thống trong ngày tết Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng để mâm cơm tối 30 tết có được gà luộc, thịt heo kho trứng, khổ qua dồn thịt hầm… hoặc mua thêm ít chả, nem do người Việt ở đây làm. Mâm cơm ngày tết ở đây tuy có nhiều món nhưng hương vị vẫn không thể sánh bằng nơi quê nhà”.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ vẫn còn diễn biến phức tạp, Sương chỉ mong dịch bệnh sớm được khống chế để có thể cùng với cô bác, anh chị cộng đồng người Việt tổ chức các hoạt động đón Tết cổ truyền dân tộc.

Theo chia sẻ của Sương, dù xa quê và bận nhiều việc nhưng hằng năm cộng đồng người Việt đang học tập, làm việc ở Mỹ vẫn duy trì các hoạt động đón Tết cổ truyền như đi chùa lễ Phật xin lộc đầu năm; nấu bữa cơm tất niên, cùng nhau đón giao thừa… Nhưng năm nay do dịch bệnh nên các hoạt động này của cộng đồng người Việt sẽ có phần hạn chế làm cho tết cũng thiếu đi sự đầm ấm.

Nhân dịp tết đến xuân về, những người con Việt Nam xa xứ nói chung và anh Qui, anh Khánh, Ngọc Sương luôn muốn nhắn gửi về gia đình, quê hương lời chúc năm mới an khang thịnh vượng, vui khỏe, thành công. Dù ở nơi xứ người nhưng đối với họ quê hương luôn ở trong tim và Tết cổ truyền dân tộc không thể phai nhòa.

NGỌC TƯỜNG - NGỌC AN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202102/-nho-que-nha-bep-lua-chieu-xuan-919802/