Nhớ tết

Khi những ngày mới nắng vàng như rót mật nhưng hoàn toàn không mang lại cảm giác nóng bức…

Khi những đám bông gòn màu trắng sữa rụng đầy dưới gốc cây gòn phía sau chái nhà.

Khi những ngọn gió dài thổi chấp chới qua những đám cỏ lau trắng xám, xô đẩy chúng ngả nghiêng theo hướng gió.

Khi ngoài đường, những cô gái yểu điệu tranh thủ tận hưởng không khí se lạnh chỉ có một lần trong năm vào những ngày gần Giáng sinh với những chiếc áo khoác đủ màu sắc, làm duyên cùng những chiếc khăn hờ hững trên cổ.

Khi những khúc nhạc xuân vang lên rộn ràng ở trong các hàng quán cà phê.

Là mùa xuân đang về. Là tết đang đến…

Và tôi lại nhớ tết xưa.

Tết xưa, của những năm sau đổi mới. Lúc ấy, những chỉ báo mùa xuân không thật rõ ràng với những đứa trẻ đang học cấp 2 như chúng tôi. Tôi chỉ nhớ đó là những ngày đầy gió. Vào một ngày nào đó, đi học về bắt gặp những đám dưa hấu to tròn đổ đầy bên vệ đường, nghĩa là tết sắp đến. Không như ngày nay bán quanh năm, dưa hấu ngày xưa chỉ bán vào mỗi dịp tết. Cũng như mai vàng chỉ xuất hiện duy nhất 1 lần trong năm, khi thấy dưa hấu bày bán ở bên đường là chúng tôi biết tết đã cận kề.

Hóng tết đến nỗi, lốc lịch treo tường trong nhà luôn được chị em chúng tôi len lén xé sớm vài ngày, lòng hân hoan vui sướng khi tết mỗi ngày thêm gần lại. Khoảng thời gian đếm ngược của những ngày thơ bé ấy vẫn luôn như một trò chơi đầy thi vị.

Rộn ràng nhất là những ngày 29, 30 được cùng mẹ đi chợ tết.

Chợ không quá xa nhà, nhưng từ chợ về nhà phải leo con dốc thoai thoải. Chen chúc trong dòng người đi chợ, giỏ xách nặng trĩu bởi thực phẩm đủ loại, rồi nắng óng ả trên đầu, vừa leo dốc vừa thở, mồ hôi nhễ nhại… cũng không ngăn được cái thú đi chợ ngày tết.

Rồi lăng xăng phụ quét dọn nhà cửa, trang trí cành mai đang he hé nụ, phụ xào nhân đậu, nhân dừa, lau lá để gói bánh tét, bánh ít, giành nhau vét chút nhân còn sót lại trong chảo và háo hức đợi những cái bánh tét nhỏ xinh mẹ gói riêng cho mình “ra lò”. Ngày 30 tết thơm lừng mùi thịt kho tàu với trứng vịt, canh khổ qua hầm với một lớp mỡ trong veo, óng ánh nổi lên trên mặt… Ngày 30 tết rực rỡ bởi sắc hoa mai, hoa cúc và vạn thọ; rộn ràng với những khúc nhạc chào xuân tỏa ra từ những chiếc máy cassette cũ.

Chao ôi! Tết…

Ngày đó, lũ trẻ chúng tôi không thể nào hiểu được, vì sao tết là dịp được ăn ngon, được mặc quần áo mới, tết vui đến thế mà ba mẹ lại không thích. Trái với sự háo hức, mong đợi từng ngày của chúng tôi là những tiếng thở dài thật khẽ khi tết đến rất gần, trong bao nỗi lo toan của cha mẹ mình.

Đây là dịp mà những người phụ nữ trong gia đình phải đau đầu tính toán. Khoản tiền nào dành mua quần áo mới cho con, chút tiền nào để sắm sửa trong 3 ngày tết thật tươm tất, rồi khoản tiền nào phải trả dịp cuối năm để không mắc nợ 2 năm, mà theo quan niệm dân gian là “sẽ không hên” trong năm mới…

Lũ trẻ chúng tôi nào có hiểu, chỉ biết tết là những ngày vui sướng nhất năm. Để rồi lòng chợt buồn hiu khi bước qua ngày mồng 3 - nghĩa là tết sắp hết.

Đến bây giờ khi đã trưởng thành, đã trải qua những năm tháng tuổi thơ ngóng tết, đã trải qua hàng chục cái tết. Ờ, tết ngày nay thật khác tết xưa.

Khi dưa hấu không còn là loại trái cây chỉ xuất hiện một lần trong dịp tết, khi bánh mứt ê hề trong siêu thị, cửa hàng tạp hóa, không phải chỉ đến tết lũ trẻ mới được ăn ngon, chỉ cần thèm là có, thì 3 ngày tết chẳng còn là đặc ân nữa rồi. Có lẽ, sẽ chẳng còn mấy đứa trẻ hóng tết với bao niềm vui sướng, nỗi chờ mong như chúng tôi đã từng.

Mà ngược lại, chính những người già sẽ ngóng đợi tết…

Và có những người lớn rưng rức nỗi niềm nhớ tết.

Tết là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm, là dịp để những đứa con đi làm ăn xa muôn phương trở về nơi “chôn rau cắt rốn”. Nỗi nhớ quay quắt gia đình với làng trên xóm dưới tích tụ sau 365 ngày bôn ba, sẽ chẳng kiềm giữ được khi mùa xuân đang gõ cửa. Ký ức tết ấm áp nơi quê nhà yêu dấu, với những người thân thuộc, những mệt nhoài sắm sửa tết luôn dẫn lối những người xa xứ trở về.

Nơi đó, có nếp nhà đơn sơ chất chứa kỷ niệm ấu thơ…

Nơi đó, cây mai vàng khẳng khiu đang bung những nụ xanh màu ngọc bích…

Nơi đó, có mẹ, có ngoại đang đếm tờ lịch cũ…

Nơi đó, có cánh cổng ít khi nào đóng chặt…

Nơi đó, chỉ cần nghe tiếng xe dừng ngang ngoài cổng, tiếng chó sủa inh ỏi, là sẽ có tiếng bước chân tất tả chạy ra…

Để rồi, khi những bản nhạc xuân vang lên rộn ràng trong từng góc phố nhỏ.

Có những dòng người đang vội vã trở về…

Bởi, tết là dịp đoàn viên…

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/140569/nho-tet