Nhớ Tết chiến khu
Cứ mỗi dịp đến Tết cổ truyền của dân tộc, người người rộn ràng chuẩn bị cho dịp nghỉ dài ngày và lớn nhất trong năm; chuẩn bị mâm cỗ để cúng ông bà, tổ tiên. Đó là Tết ở thời bình, còn Tết ở thời chiến đối với những người lính là gắn với rừng núi chiến khu, ăn Tết dưới hầm bí mật, dưới mưa bom bão đạn và có lúc đang chiến đấu với quân thù. Với họ, tất cả mãi là ký ức không thể nào quên.
Chiều cuối năm, đất trời đang vào xuân. Những vạt nắng vàng ươm cố len lỏi qua từng khe lá, cành hoa trước sân nhà của đại tá Trần Văn Mười (phường 6, TP Tuy Hòa), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh. Đây chính là không gian yêu thích nhất của người lính già và cũng là nơi tôi có cuộc trò chuyện đầy thú vị với ông về những cái Tết ở chiến khu.
Vừa ăn Tết, vừa đánh giặc
Ông Trần Văn Mười là cán bộ tác chiến của Tỉnh đội Phú Yên gắn bó xuyên suốt trong các trận đánh địch ở chiến trường quê nhà thời kỳ chống Mỹ. Suốt 16 năm hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến, ông cùng đồng đội của mình chủ yếu ăn Tết ở căn cứ và cơ sở hoạt động trong lòng địch. Một trong những cái Tết mà ông nhớ nhất là Tết Canh Tý năm 1960.
Ông Trần Văn Mười chăm sóc cây cảnh chuẩn bị đón Tết. Ảnh: THU HẰNG
Ông nhớ lại: “Đội vũ trang tuyên truyền chúng tôi có 10 người cùng hai đồng chí tập kết ngoài Bắc vào là Năm Long và Sáu Soạn phụ trách đội, được phân công hoạt động trên địa bàn phía tây Tuy Hòa 1. Thời gian này, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách đàn áp cách mạng bằng Luật 10-59 hết sức dã man. Chúng lê máy chém đi khắp mọi nơi nên đội thường xuyên phải chấp hành tốt 3 không “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội trở về căn cứ Hà Roi (huyện Sông Hinh) để chuẩn bị đón giao thừa. Đêm 30 Tết, anh em tụi tôi không có lương thực, bánh trái, đèn dầu…, phải đào sắn mì về nướng rồi mang một ít đi dọc bờ sông Hinh để làm mồi câu cá. Sau đó, cả đội ngồi quây quần bên nhau, vừa nướng cá ăn với sắn mì, vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện Tết ở quê nhà. Những câu chuyện đặc trưng mỗi vùng quê cứ nối tiếp nhau; thời gian trôi qua lặng lẽ trong màn đêm đã xoa dịu nỗi nhớ nhà, nhất là nỗi sợ cọp của một số anh em, vì đây là khu rừng nổi tiếng nhiều cọp nhất của tỉnh”.
Nửa thế kỷ trôi qua, đại tá Trần Văn Mười vẫn lưu giữ trong ký ức về cái Tết đầu tiên của đời lính, bởi cảm giác bỡ ngỡ vừa nhớ nhà, vừa nhớ Tết quê hương da diết. Rồi sau đó, có năm ông được ăn Tết với đơn vị ở chiến khu và chủ yếu là ăn Tết với cán bộ ở cơ sở nằm trong lòng địch.
“Xuân Mậu Thân 1968, tôi làm trợ lý tác chiến Tỉnh đội, đóng quân tại Suối Cái, Tuy Hòa 2. Khi nhận lệnh, Tỉnh đội cho bộ đội ăn Tết sớm để chuẩn bị hành quân tham gia Chiến dịch Mậu Thân. Ngày 27 tháng Chạp, đơn vị mua ít cá hộp và đào sắn mì mài lấy bột gói bánh chưng; có đồng chí đi săn được con nhím, con cheo về hái lá rừng nấu lên coi như là cái Tết được đủ đầy. Ngày 28-29, bộ đội hành quân xuống dãy núi phía tây của Hòa Định, Hòa Quang tập kết để chuẩn bị tối 30 và rạng sáng mùng 1 Tết tổng tấn công địch”, ông Mười hồi tưởng.
Tết ấm tình quân dân
Đối với ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, cũng có những cái Tết đáng nhớ thời kháng chiến. “Nói ăn Tết nhưng thật ra đó là buổi gặp mặt để chuẩn bị ra chiến trường, nên có gì thì anh em bộ đội ăn nấy”, ông Thành nhớ lại. Năm 1967, quân Mỹ đổ bộ tại Hòn Rùa, An Lĩnh (Tuy An), Sơn Long, Sơn Định (Sơn Hòa) và tiếp tế lương thực đầy đủ. Khi chúng vừa mới đến nơi, đúng lúc trận chiến giữa quân ta và địch tại chiến trường Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum) diễn ra ác liệt nên địch phải rút quân lên để chi viện cho chiến trường này. Vậy là Tết năm đó, quân và dân ta được ăn đồ hộp… miễn phí.
Ông Nguyễn Trung Thành (bên phải) năm 1965. Ảnh do nhân vật cung cấp
Tết năm Giáp Dần 1974, tôi cùng đồng chí Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Đức Thịnh được phân công phụ trách mũi công tác hoạt động tại xã Xuân Thọ (Sông Cầu), ông Thành kể tiếp. Sáng mùng 1 Tết, cán bộ ở cơ sở mang cơm đến cho anh em tụi tôi ăn, nhưng khi vừa ngồi vào bàn thì bị địch bắn M79 cấp tập nên phải tản ra, rút về tạm trú ở thôn Mỹ Hải. Lúc này còn lại mình tôi, vừa bưng mâm cơm vừa tìm cách tránh đạn của địch. Chợt nghĩ nếu bỏ lại mâm cơm này thì trưa lấy gì ăn, nên tôi cứ khư khư mang mâm cơm về nơi tạm trú. Khi địch ngừng bắn, anh em tụi tôi mới ngồi lại vui Tết.
Còn Tết năm Ất Mão 1975, khi nhận lệnh cấp trên cho bộ đội ăn Tết sớm, tất cả cán bộ dân chính đảng, bộ đội đều tập trung chuẩn bị, tập hợp hết lương thực còn lại mang ra để ăn Tết cho xôm tụ. Đoán rằng đây là cái Tết cuối cùng ở căn cứ nên ai cũng vui vẻ, hồi hộp và háo hức. Và liên tục những ngày sau đó, chúng tôi nhận nhiệm vụ cùng với các đơn vị hành quân tiến về đồng bằng giải phóng Phú Yên ngày 1/4/1975.
Bà Lê Thị Tuyết Nga (bên trái) cùng với đồng đội ở Suối Ché (Sơn Hòa) trước năm 1975. Ảnh do nhân vật cung cấp
Bà Lê Thị Tuyết Nga, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong Phú Yên cũng nhớ như in về Tết chiến khu. Bà chia sẻ: “Tết của thời kháng chiến đơn sơ lắm, mọi người quây quần bên nhau có gì ăn nấy. Vui nhất là chơi trò “hái hoa dân chủ”. Suốt cả đêm chúng tôi chuyện trò chán chê rồi lại nghêu ngao hát để quên hết nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Nói chung, chúng tôi đón năm mới bằng những công việc, nhiệm vụ cũ nhưng với một khí thế mới, hào sảng, quyết tâm hơn”.
Bà Nga nhớ lại: Năm Kỷ Dậu 1969, đơn vị thanh niên xung phong của bà ăn Tết tại buôn Ma Lức (Sông Hinh), bà con buôn làng ủng hộ một con heo, vài con gà; một số đồng chí nhận quà của gia đình gửi lên. Người thì vào rừng hái hoa về trang trí, người đi kiếm hoa chuối, rau rừng về cải thiện. Không có gạo nếp, mọi người lấy sắn mài lấy bột và lá chuối rừng gói bánh chưng hấp trên bếp “Hoàng Cầm”. “Thời đó tất cả đều ăn sắn, bắp, còn gạo để dành cho người bệnh và thương binh. Thiếu thốn đủ bề nhưng mà ấm áp, yêu thương đến lạ kỳ”, bà Nga trải lòng.
***
Tết Nguyên đán năm nay, đại tá Trần Văn Mười bước sang tuổi 78. Ngoài thời gian dành cho gia đình và con cháu, ông vẫn dành thời gian quý giá gặp gỡ và nhớ về những đồng đội đã cùng đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc, nhất là những người đồng chí đã ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ. Còn ông Nguyễn Trung Thành, là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, ông cùng các thành viên của Hội thường xuyên quan tâm đến đời sống của hội viên, nhất là những hội viên khó khăn, neo đơn. Ông chia sẻ: “Giờ đây, đất nước thanh bình, các thương binh trở về từ sau cuộc chiến tranh, tuy sức khỏe hạn chế nhưng nhiều người vẫn giữ được ý chí vươn lên mạnh mẽ, sống có ích cho đời”.
Với bà Lê Thị Tuyết Nga, sau 8 cái Tết ở chiến khu, năm 1975 bà được điều về công tác trong ngành GT-VT, làm Hạt trưởng Hạt Bảo dưỡng 3 rồi về công tác tại Công ty Vận tải ô tô Phú Yên đến năm 1994 thì nghỉ hưu. Sau 45 năm được ăn Tết trong thời bình, nhưng trong bà vẫn còn hiện hữu bao kỷ niệm về những cái Tết trải gió nằm sương đi vận chuyển hàng hóa, vũ khí phục vụ công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc…
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/234001/nho-tet-chien-khu.html