Nhớ Tết quê
Xuân về, mỗi người mỗi cảm xúc nhưng nhiều nhất có lẽ là những tình cảm dành cho quê hương, cho gia đình bên cạnh những người thân yêu. Với tôi, cả một bầu trời tuổi thơ sống ở quê luôn ùa về vào mỗi lần Tết đến.
Nhà ngoại tôi nằm bên cạnh dòng sông hiền hòa Bảo Định, cách thành phố Mỹ Tho không xa lắm nhưng vẫn được xem là vùng quê, mà Tết quê thì rất nhiều hoạt động nhộn nhịp. Thuở nhỏ, tôi với mẹ ở nhà ngoại, một đại gia đình có rất nhiều anh chị em cùng trang lứa là con của cậu, của dì.
Nhà ngoại nằm dưới tán lá của 4 cây vú sữa rất to, xung quanh là những khoảng sân rộng luôn mát mẻ dù có những ngày nắng gắt. Cách một khoảng sân gần gian nhà chính có một cái nhà nhỏ gọi là “nhà cối” vì ở đó có một cái côi xay bột thật to. Ngày thường nhà cối là nơi vắng vẻ, có chăng thỉnh thoảng là nơi lý tưởng để bọn trẻ chúng tôi chơi trò trốn tìm, nhưng mỗi khi nhà có tiệc hay cận tết thì đây là nơi rộn ràng nhất.
Có một điều rất lạ làm tôi nhớ mãi, là ngày thường mỗi khi nhà có giỗ tiệc, bọn trẻ chúng tôi không được tham gia phụ làm bất cứ việc gì mà thường được người lớn “lùa” ra sân chơi, nhưng ngày Tết thì rất khác. Tôi còn nhớ như in cứ Tết đến là cả nhà cùng nhau làm rất nhiều loại bánh mứt. Bánh thì không thể thiếu bánh tráng dừa, bánh phồng mì, bánh tét, bánh chưng… Mứt thì có mứt gừng, mứt bí, mảng cầu, chùm ruột… Bọn con nít chúng tôi cũng được phân công làm những việc đơn giản, chính vậy mà chúng tôi luôn mong chờ đến Tết.
Trong những việc được phụ người lớn ấy, tôi thích nhất là được ngồi kế bên bà cột dây cho những chiếc bánh tét, bánh chưng. Rồi khi những chiếc bánh đã hoàn tất, cho vào chiếc nồi to để nấu, bọn trẻ chúng tôi được ngồi canh nồi bánh bên bếp lửa hồng, nghe tiếng củi kêu lép bép, nước sôi lục bục và nghe bà kể chuyện. Sau này bà mất, tôi lại ngồi bên mẹ, nhờ thế mà khi làm dâu nhà chồng tôi được khen là vén khéo. Thế là, năm nào cũng vậy, dù bận rộn, cách mấy ngày 30 tết tôi cũng về quê phụ má chồng gói bánh.
Quê tôi, bánh chưng có hơi khác bánh chưng miền Bắc, đó là những chiếc bánh chưng nho nhỏ, nhân ngọt, nếp ngâm với tro kiểu bánh ú cúng ngày Tết Đoan ngọ, ăn rất ngon và thơm. Bọn trẻ con chúng tôi mê ăn ngọt nên thích bánh này hơn cả bánh tét.
Thú vị nữa là bọn trẻ chúng tôi được phụ người lớn làm bánh phồng mì. Gọi là phồng mì vì bánh được làm từ những củ khoai mì được trồng ngay trong vườn nhà, mài ra hấp chín rồi trộn với nước cốt dừa, cho thêm ít sữa đặc, sau đó tráng mỏng đem phơi. Vì mọi thứ nguyên liệu đều đã chín, ăn được nên trong quá trình làm bánh chúng tôi cứ thay nhau canh người lớn rồi len lén thử. Lắm lúc cũng bị người lớn bắt gặp nhưng chỉ ngó lơ hay lắc lắc đầu rồi cho qua...
Những ngày êm đềm của tuổi thơ qua mau, vào những năm chiến tranh ác liệt, nhà tôi không còn làm nhiều loại bánh mứt như trước nữa nhưng bánh tét thì năm nào cũng làm. Cái nhà cối với nhiều kỷ niệm đẹp cũng không còn nữa, nó được giỡ ra, lấy vật liệu ấy nối với căn nhà chính để che một cái hầm thật to cho cả nhà tránh đạn. Có những thời điểm căng thẳng, bọn trẻ chúng tôi còn phải ngủ trong căn hầm ẩm ướt ấy cả đêm.
Còn nhớ, có một năm Tết đến gần mà cả nhà phải đi “tản cư” qua bên kia sông ở tạm nhà người quen, mẹ tôi lo lắng đứng ngồi không yên, mong cho yên ắng để quay về nhà. Nhưng mọi chuyện không như mong muốn. Thế nhưng, mẹ vẫn gói hơn chục đòn bánh tét rồi gửi vào nồi nấu chung với chủ nhà để chúng tôi cũng còn có chút hương vị ngày xuân.
Sau này trưởng thành, mỗi người một nơi, nhưng những ngày Tết dù có bận bịu cách mấy chúng tôi vẫn quay về nhà ngoại, nay là nhà thờ tộc. Trong những câu chuyện rôm rả ngày xuân, bao giờ cũng nhắc lại những ký ức một thời non trẻ.
Giá trị tinh thần của ngày Tết là sum họp gia đình, là quây quần đầm ấm, có lẽ vì thế mà tất cả hoạt động của Tết xưa đều hướng về gia đình quy tụ mọi người cùng làm, cùng chơi, cùng hưởng thụ, cùng yêu thương chia sẻ. Giá trị ấy bao đời nay vẫn duy trì trong mỗi gia đình Việt.
Mỗi thời mỗi khác. Tết nay không cùng nhau làm bánh mứt hoặc tự tay làm từng món ăn truyền thống, nhưng việc cùng nhau trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, cùng về thăm quê ôn lại những kỹ niệm xưa, cùng trao nhau những lời chúc tốt đẹp là một giá trị truyền thống của văn hóa gia đình Việt Nam, tôi tin rằng giá trị ấy sẽ mãi trao truyền.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nho-tet-que-1579693475667.htm