Nhớ tháng Chạp xưa
Vậy là tháng Chạp đã sang, năm mới sắp cận kề, lại bâng khuâng nhớ những ngày ở quê thuở nhỏ.
Hồi đó, cứ sang cữ tháng củ mật, nhịp sống thôn làng dần sôi động hẳn lên, bởi nhà nhà bắt đầu lo sắm Tết. Với lũ trẻ chúng tôi, Tết là được mặc áo mới, được ăn ngon, có tiền mừng tuổi, nên đứa nào cũng háo hức mong chờ, còn với bậc phụ huynh thì khác, muôn vàn thứ phải chuẩn bị.
Đầu tháng, mẹ dẫn hai anh em ra thị trấn nhờ người quen may cho mỗi đứa một chiếc áo vải lon; thầy tôi tranh thủ lúc rỗi chẻ thêm mấy gộc củi nấu bánh chưng, cất mẻ rượu riêng dành cho ngày Tết.
Thêm mấy bữa, các nhà bắt đầu í ới hẹn nhau chung lợn; bà nội dặn bác hàng xóm để dành nải chuối đẹp trong vườn làm mâm ngũ quả. Mùng mười tháng chạp, chợ Rọc đã rất đông người. Nhiều mặt hàng mới xuất hiện: mũ ông công, hoành phi, câu đối bằng giấy, pháo bánh, hoa nhựa, tranh gà, bóng bay, đèn lồng, quần áo...
Cả khu chợ rộn ràng, tươi tắn, đầy màu sắc hơn hẳn ngày thường. Góp phần vào sự đông đúc ấy là cơ man lũ trẻ làng không có việc gì cũng ì èo đòi theo phụ huynh đi chợ. Đi để được ngắm, được nhìn, được kể cho nhau nghe về những điều tai nghe mắt thấy. Bởi ngày xưa chợ là nơi mua bán của người lớn nhưng cũng là khu vui chơi, trung tâm giải trí của bọn trẻ làng. Được đi chợ thích lắm, nếu gặp bạn bè còn thích hơn, nhất là đụng thằng nào có tiền, thảo tính, mua kẹo mấu chia cho một cái thì thật tuyệt, thấy tình bạn gắn bó, thân thương, tăng thêm mấy phần.
Rằm tháng chạp, phiên rằm cuối cùng trong năm, đã thấy không khí Tết hối hả gõ cửa từng nhà, giục giã ráo riết lắm. Bắt đầu những ngày ai cũng tất bật. Thầy tôi tranh thủ quét vôi lại ngôi nhà, chẻ lạt bánh chưng, sửa tấm liếp chuồng bò, ra vườn lựa sẵn cây tre dựng cột nêu.
Mẹ suốt ngày lẩm nhẩm những thứ phải mua: Măng khô, mộc nhĩ, nước mắm, mì chính, gạo nếp, vàng hương, bánh mứt, dưa hành, nhờ người đổi tiền lẻ... Lũ trẻ gặp nhau chỉ một chủ đề: khoe những thứ được sắm cho năm mới. Đứa khoe có áo, kẻ vui có quần, thằng khoe phụ huynh hứa ba ngày Tết được ăn cơm trắng không phải độn lang…
Càng gần Tết, thời gian dường như càng trôi nhanh hơn. Thoáng chốc đã đến 23 tháng Chạp - ngày tiễn Ông Táo về trời, thỉnh thoảng trong làng hồi đó lại nghe tiếng pháo nổ đì đùng ở những nhà có điều kiện, ăn chơi đốt cả bánh pháo to. Mùi khói pháo thoang thoảng trong gió xuân làm anh em chúng tôi náo nức quá. Và khi mẹ tôi ra phố mang về hai chiếc áo mới, thì tôi biết mùa xuân đã về đến cầu Dừa…
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/nho-thang-chap-xua/26050.htm