Nhớ thời câu đối đỏ

Lang thang giữa chợ hoa Xuân Canh Tý 2020 bên bờ kè sông Hồng giữa thành phố Lào Cai, bất chợt thấy gian hàng trưng những câu đối phất phơ theo gió. Những câu đối trên nền đỏ, chữ phết nhũ vàng óng ánh sáng rực, được nhân bản với công nghệ in tân tiến nên sắc nét hơn, bắt mắt hơn. Không quá ồn ào bên chợ hoa xuân náo nhiệt. Không hẳn nhiều người biết, ghé chân, nhưng những gian viết chữ thư pháp, trưng câu đối vài mùa hoa xuân nay xen giữa hồng hào đào, vàng ruộm quất cảnh đã thấy rộn ràng bước xuân về.

Gian hàng câu đối tại chợ hoa Xuân.

Mỗi lần đến đền Thượng dịp cuối năm cũ, đầu xuân mới hay lễ hội xuân đều thấy những ông đồ cả già, cả trẻ lại “Bày mực Tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua”. Du khách háo hức quây quanh xin chữ, có người rinh cả đôi câu đối. Những bàn tay tài hoa múa bút, từng nét chữ rồng bay phượng múa dần hiện ra cả trời nghệ thuật. Thấy cả quá khứ ùa về. Nhìn những hình ảnh đó, cảnh tượng tấp nập đó lại nhớ một thời câu đối đỏ.

Những năm cả nước đói kém, đón tết là cả trăn trở, lo toan của người lớn làm thế nào để con mình không tủi hổ với chúng bạn. Còn lũ trẻ chúng tôi đang tuổi vô lo vô nghĩ, cứ thấy sắp tết là chộn rộn reo vui (có biết đâu bố mẹ thêm bạc từng nhúm tóc để lo tết). Ngoài “thịt mỡ, dưa hành” (nhiều khi không quan tâm) thì lũ trẻ háo hức đón chờ “câu đối đỏ”. Chuẩn bị đón tết, dù nhà khá giả hay nhà nghèo hơn, ở thôn quê vẫn tìm mua đôi câu đối về trang trí. Có câu nói như khẳng định một điều: Nhìn thấy câu đối là nhìn thấy tết. Quả đúng vậy!

Những câu đối đỏ mang nhiều ý nghĩa.

Sau lễ tiễn ông Công ông Táo chầu trời, nhà nhà quét dọn từ trong ra ngoài, từ sân đến ngõ. Bàn thờ tổ tiên được lau chùi, sắp xếp, bày biện mâm ngũ quả; chặt cành đào về hơ vết chặt qua lửa rồi cắm vào bình làm bừng san gian nhà. Bánh, kẹo được chuẩn bị. Bánh chưng gói sao cho đủ gia đình ăn mấy ngày tết và còn để mang ra mời khách đến chúc tết. Nhìn khắp mấy gian nhà thấy thiếu thiếu thứ gì đó. À, có một thứ trang trí không thể thiếu là câu đối. Thế là rảo chân ra chợ, đến hiệu sách nhân dân, sà vào quán bán tranh tết ngay rìa chợ hay chen chân vào cửa hàng của hợp tác xã mua bán. Những bức tranh tết, những câu đối treo la liệt đủ hình thù, kích cỡ. Người ra vào tấp nập. Tiếng hỏi, tiếng mời lao xao đan quyện. Có cả tiếng gắt gỏng, có cả tiếng nài nỉ… Người nhanh chân thì mua được tranh tết, câu đối in trên giấy trắng. Người chậm chân đành mua bản in trên giấy xỉn màu hơn. Đây là những câu đối được in ấn hàng loạt, giống nhau về câu, về nét nhưng khác nhau ở chất liệu giấy. Tất cả con chữ đều chạy dọc từ trên xuống dưới, số lượng chữ ở mỗi cặp câu đối khác nhau có độ dài, ngắn khác nhau, nhưng từng cặp câu đối phải có số lượng chữ như nhau, từng chữ hoặc cụm từ đối nhau về nghĩa và thanh dấu. Có những câu lũ trẻ không hiểu hết ý nghĩa nhưng vẫn thích. Có câu viết kiểu chữ thảo nét bay bướm khó luận ra. Có câu bằng chữ Nho. Có những câu bằng chữ Quốc ngữ. Nhiều câu chữ xếp theo kiểu hình tròn, từng nét xen nhau trong hình tròn chật chội, có khi nghẹo đầu nghẹo cổ, xoay tờ giấy tứ tung để “đoán” xem đó là chữ gì. Ấy vậy mà chúng tôi vẫn xúm vào xem người lớn treo câu đối. Câu đối thường có hai vế chữ màu đen in trên hai tờ giấy nền đỏ, nội dung thường về: Ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu; nét đẹp văn hóa truyền thống; tình cảm quê hương đất nước; lời răn dạy về gia đình, đạo lý, ứng xử... Nhà thì treo đôi câu đối hai bên bàn thờ. Nhà thì treo trên vách phía trên bàn uống nước. Sau một hồi xem, đánh vần từng chữ, rồi chúng tôi chạy khắp xóm khoe “nhà tớ vừa mua đôi câu đối đẹp lắm”. Chưa kịp nghe lũ bạn trả lời hay bàn luận câu nào đã lại chạy tìm đứa khác để khoe. Cứ làm như chỉ nhà mình mới có câu đối. Trong khi suốt những ngày tết đến nhà nào cũng thấy đôi câu đối treo nơi dễ nhìn, dễ thấy. Những câu đối đó treo suốt cả năm, đến cuối năm chuẩn bị sửa soạn nhà cửa đón chào xuân sắp đến thì mới gỡ bỏ để nhường chỗ cho những câu đối còn thơm mùi giấy, mùi mực in.

Ngày nay ít nhà còn treo câu đối, nhất là ở phố thị. Thi thoảng về quê vẫn gặp những câu đối được treo trong những ngôi nhà cổ. Không ít trẻ em bây giờ có lẽ không biết đến câu đối đỏ, chúng chỉ chăm chúi vào điện thoại, vào mạng internet lướt web nhoay nhoáy. Còn chúng tôi mỗi dịp lễ, tết thường men chợ hoa xuân hoặc đến lễ hội xuân để được đắm mình vào không khí nghệ thuật thư pháp, tìm những câu đối truyền tay nhau với tất cả sự nâng niu, trân trọng nét tài hoa và nhớ về một thời câu đối đỏ trong ký ức không thể phai mờ…

Hải Xuyên

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/nho-thoi-cau-doi-do-z8n20200123141518221.htm