Nhờ thói quen của con gái mắc bệnh Down, người mẹ phát hiện bị ung thư
Nhờ một phản ứng bình thường của cô con gái mà người mẹ mới phát hiện ung thư sớm, nhưng hành trình điều trị mới thực sự đáng ngưỡng mộ.
Ung thư vú thường có dấu hiệu sớm, phụ nữ nên chú ý bất thường trên cơ thể.
Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế Globocan vào năm 2020, có hơn 2 triệu ca ung thư vú được phát hiện mỗi năm ở cả 2 giới, chiếm đến 11,7% tổng số các loại bệnh ung thư. Điều đáng lo ngại là con số này đang có xu hướng gia tăng và độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là ở phụ nữ.
Để chữa ung thư vú hiệu quả thì không có cách gì khác ngoài việc phát hiện sớm dấu hiệu, có thể tự nhận biết hoặc đi khám sức khỏe định kỳ. Sau đây là trường hợp của một người phụ nữ tại Anh, cô vừa là mẹ đơn thân và chăm con mắc bệnh Down nhưng vẫn vượt lên số phận, chống lại ung thư. Những dòng tâm sự của cô khiến ai đọc cũng phải cảm thông.
Tình cờ phát hiện ra bệnh nhờ 1 lần chơi với con
Tôi là Emma Gierschick, một bà mẹ đơn thân đang chật vật với cuộc sống. Gia cảnh tuy không khá giả nhưng tôi không thể đi làm vì bận chăm sóc con gái Amelia đang mắc hội chứng Down. Dù đã gần 4 tuổi nhưng con bé vẫn không thể nói được và bị chậm phát triển, không thể tự làm gì dù là những việc nhỏ nhất.
Để vừa kiếm tiền và chăm con, tôi liên tục tìm việc làm tại nhà và phải chuyển nhà nhiều lần. Tuy khó khăn nhưng rất may là Amelia ngoan ngoãn, không quấy phá nhiều nên tôi gắng gượng được phần nào.
Khi không làm việc, tôi sẽ ngồi chơi cùng Amelia và hướng dẫn cho nó tập nói. Con bé có một tật xấu là hay chạm vào ngực tôi. Tuy gần 4 tuổi nhưng nhận thức của con bé chỉ như mấy tháng nên tôi không nghĩ gì nhiều.
Nhưng trong một lần con bé chạm vào ngực mình, tôi bỗng cảm nhận có gì đó khác lạ. Sau đó tôi thấy có thứ gì đó cứng, tròn, không đau. Khi đi tắm thì mới có thời gian nhìn rõ hơn, ban đầu nó khá nhỏ nhưng lại càng ngày càng to. Tôi nhớ lúc ấy là tháng 8/2015.
Dù biết cơ thể có dấu hiệu lạ nhưng tôi không thể đi khám ngay, bởi công việc còn bộn bề và con gái thì không thể xa tôi phút nào. Tôi cũng quên dần chuyện bệnh tật để tập trung vào xử lý những công việc tồn đọng.
Mãi đến 2 tháng sau, khi mọi thứ đã ổn định hơn một chút thì tôi quyết định đi khám. Lúc ấy cơ thể tôi gần như kiệt quệ. Tôi sụt 18kg nhưng vẫn không nghĩ gì nhiều, chỉ nghĩ là do chăm con và làm việc quá sức. Khi thấy tình trạng của tôi, bác sĩ khuyên nên đi làm vài xét nghiệm để kiểm tra tổng quát, đặc biệt là ở ngực.
Bẵng đi vài hôm, bệnh viện thông báo bác sĩ cần gặp tôi gấp, phải đến ngay để nói rõ tình hình. Tuy nhiên tôi quá bận nên không thể đến được, đành hoãn lại lần sau. Thế nhưng bác sĩ đã trực tiếp gọi cho tôi 3 cuộc và nhắn rằng, ông ấy đã xếp tôi vào danh sách cần phẫu thuật gấp mặc cho tôi đang hoang mang, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Khi đến gặp trực tiếp, bác sĩ thông báo tôi đã mắc ung thư vú, cần phải phẫu thuật gấp nhưng tôi mãi không đến viện nên ông đã tự xếp lịch phẫu thuật cho tôi. Khi nghe xong, tôi gần như suy sụp bởi mọi thứ xảy ra quá nhanh. Những mớ hỗn độn kia vẫn chưa giải quyết xong, cộng thêm bệnh ung thư thì chẳng khác nào cú đả kích lớn.
Hành trình chữa ung thư vú đầy mạnh mẽ
Ban đầu tôi không tin đó là ung thư mà nghĩ rằng chỉ là một khối u, chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ là khỏi bệnh. Tôi liên tục hỏi bác sĩ có chắc chắn là ung thư không, nhưng câu trả lời vẫn là có. Cứ 2 ngày phải đến khám một lần thì rất khó, bởi tôi không biết sẽ gửi con gái cho ai trông nom.
Trước khi bắt đầu phẫu thuật, tôi đã tìm đến những người bạn thân để nhờ họ chăm sóc cho Amelia. Ban đầu thì con bé khá bướng và khó chịu vì có người lạ trông, cũng như quấy khóc rất nhiều khi tôi không ẵm nó. Giai đoạn này thực sự khó khăn vì tôi không có ai để dựa vào.
Khi phát hiện thì ung thư vú chỉ mới giai đoạn 2, nhưng do tôi trì hoãn điều trị quá nhiều nên đã phát triển thành giai đoạn 3. Sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ bảo tình trạng cũng không khả quan hơn nên phải tiến hành hóa trị. Ông ấy nói tôi hãy chuẩn bị tinh thần ở lại bệnh viện nhiều hơn.
Tôi được bác sĩ lên kế hoạch cho 4 đợt hóa trị, bắt đầu vào tháng 11. Cả ngày lẫn đêm, tôi cầu mong mình sẽ không gặp những tác dụng phụ do hóa trị. Thế nhưng tóc tôi rụng ngày càng nhiều hơn, gương mặt thì hốc hác và xuống sắc. Nhưng dù vậy thì tôi vẫn phải gắng gượng, tất cả vì Amelia.
Sau cuộc hóa trị thứ hai, cơ thể tôi đã suy sụp trầm trọng: Rát họng, đau nhức đầu liên tục, cơ thể đi đứng không vững… Có một hôm, con gái muốn gặp nhưng tôi chẳng thể về nhà được, chỉ biết nằm khóc và xin lỗi con bé vì quá bất lực.
Bạch cầu của tôi thấp đến mức nguy hiểm, phải truyền dịch nhỏ giọt và cách ly 24/7. Bác sĩ thấy rằng tôi liên tục ngã và phát hiện ra rằng, tôi vừa bị bệnh cơ gần lẫn bệnh thần kinh ngoại biên ở chân. Đồng nghĩa là tôi đã mất khả năng sử dụng chân. Đội ngũ y tế chẩn đoán đây là một phản ứng rất bất thường khi hóa trị.
Các bác sĩ đã họp và quyết định không hóa trị cho tôi nữa. Tuy nhiên tôi lập tức từ chối và quyết định hóa trị lần ba, tất cả để vượt qua ung thư vú và trở về với con gái. Khi biết tin, bác sĩ suy nghĩ và thay đổi liệu pháp hóa trị. Nhưng họ bảo rằng nếu cơ thể tôi yếu hơn sau lần này, họ sẽ ngưng ngay lập tức mà không cần hỏi ý tôi.
Lúc này đã là Giáng sinh và đầu năm mới nên bệnh viện cũng không có nhiều người trực, tôi phải tự vật lộn chăm sóc bản thân mà không có sự giúp đỡ. Lúc này tóc tôi đã rụng hoàn toàn, phải đội tóc giả hàng ngày để bớt tự ti. Tôi đã mua một vài bộ tóc giả có màu để khiến Amelia vui hơn khi gặp nhau.
Khi biết tình trạng bệnh của tôi, các giáo viên tại trường của Amelia đã hỗ trợ hết sức mình, họ thay nhau chăm sóc con bé để tôi yên tâm điều trị. Sau tất cả, tôi đã toàn tâm toàn ý để điều trị ung thư. Có lẽ nhờ những sự giúp đỡ tuyệt vời ấy mà bệnh tình tôi dần khá hơn, đã tự đi lại được và ra ngoài đi dạo cho khuây khỏa.
Giờ đây, bác sĩ bảo rằng tình hình sức khỏe của tôi đã khá hơn và không cần hóa trị nữa, tuy nhiên vẫn phải đến viện để theo dõi thường xuyên. Có thể nói rằng, tôi đã chiến thắng ung thư vú và sống tiếp với con gái yêu. Có lẽ tình mẫu tử chính là sức mạnh lớn nhất, chiến thắng được mọi khó khăn bệnh tật…
Sau cùng tôi muốn dành lời khuyên đến các bậc cha mẹ, hãy cố gắng quan tâm chăm sóc bản thân, đặc biệt là đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Bản thân chúng ta phải có sức khỏe trước thì mới chăm sóc được cho con trẻ. Nếu gặp khó khăn, đừng ngần ngại nhờ giúp đỡ, ngoài kia vẫn còn nhiều người tốt và giàu lòng cảm thông.
Nguồn: Cancer