Nhớ thời... thịt heo chia lúa

Không biết trong mớ ký ức vụn của mình, những ai tầm tuổi ba mươi mấy trở lên, có nhớ về những năm tháng khốn khó của các gia đình nói chung trong giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh và bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986 hay không.

Lúc đó tôi chưa đầy 10 tuổi. Đa phần ở một số vùng nông thôn tỉnh Minh Hải thời đó (bây giờ là Cà Mau và Bạc Liêu), cuộc sống đều chật vật; nhưng cũng chính thời điểm ấy, hình như bà con nông dân mình nương tựa vào nhau, chia sẻ những khó khăn vất vả nhiều hơn, thể hiện rõ tình làng nghĩa xóm. Nói như thế không có nghĩa rằng hiện tại, tình làng nghĩa xóm ở các vùng nông thôn ít đi, hay phai nhạt; chỉ có điều, cuộc sống bây giờ bị tác động quá nhiều của công nghệ thông tin, cho nên, sau thời gian mệt mỏi với ruộng rẫy, với đồng áng, có chút thời gian rảnh, anh Hai chị Ba mình cũng điện thoại cảm ứng, cũng “quẹt, quẹt” như ai!

Vòng vo một chút cho văn hoa, thôi, quay lại với cái thời... thịt heo chia lúa. Thường vào tầm hai mươi mấy Tết, khi lúa trên các cánh đồng coi như đã ổn, hoặc thu hoạch xong khi lúa chín già, hoặc lúa còn oằn bông xanh thì để ra Giêng gặt nốt. Thời điểm này, các bà các chị thì bận rộn lắm lắm, cánh đàn ông đã ngơi việc; kể cả tát đìa rọng cá để dành ăn Tết cũng đã xong. Hồi đó, các gia đình thường mỗi nhà nuôi một đến vài con heo cỏ, không có heo giống như bây giờ. Con nào xấu xấu hoặc chậm lớn một chút thì được gia chủ “chấm” sẵn rồi. Cứ khuya 27 hoặc 28 tháng Chạp thì nấu nước, chọc tiết, cạo lông. Nhưng trước đó vài ngày, nhà có heo dự định mổ đã sang những nhà hàng xóm lân cận hoặc thấy heo của nhà mình hơi to, nặng ký thì gia chủ đi “mời” xa hơn; vì ở nông thôn thời đó mà, khó khăn đủ điều, không phải ai cũng có thể mua (chia) thịt heo để ăn Tết, dù có “chia lúa”.

Bạn đừng quá ngạc nhiên với những gì tôi đã kể. Thực ra, ở cái thời người ta trải qua giai đoạn này rồi, khi tôi gợi lại, chắc chắn sẽ có dày kỷ niệm, thương một thời ký ức cần được nâng niu, lưu giữ. Cái từ “chia lúa” cũng đủ hình dung khi bạn chưa từng lớn lên ở thời điểm đó rồi. Thường thì ở thôn quê, quanh năm suốt tháng, mọi sinh hoạt trong gia đình đều chờ từ tiền thu hoạch lúa; mà thời điểm đó, lúa chỉ làm một vụ vì vùng Bán đảo Cà Mau chưa ngọt hóa, cho nên lúa vụ trúng vụ thất là thường. Vì vậy, các gia đình cũng nương tựa nhau hơn, san sẻ chút khó khăn cùng nhau cho đượm nghĩa, thâm tình. Nhà nào làm heo thì cứ đi mời, nhà nào lượng sức lúa mình đã thu hoạch hoặc sắp thu hoạch, khấm khá một chút thì sang “chia” thịt. Ngay cả cái chuyện xẻ thịt heo cũng rất khác hàng chợ bây giờ nữa; người nào “ra thịt” thì chia loại sẵn: Thịt ra thịt, xương ra xương. Mà, tôi nhớ như in hồi đó, cứ xương in ít thì 3 ký kể 2; xương nhiều thì 2 kể 1. Có nghĩa rằng 3 ký xương in ít bằng giá tiền với 2 ký thịt; xương nhiều thì 2 ký xương được gia chủ tính bằng 1 ký thịt. Tất cả đều được ghi vào sổ khi vừa cân xong cho từng nhà. Tuy nhiên, nhà nào có điều kiện hơn thì trả trước bằng tiền mặt, đa phần còn lại ghi để đó, sau Tết sẽ trả bằng lúa hoặc bán lúa trả tiền mặt, tùy theo lúc đầu đã thỏa thuận với nhà có heo xẻ thịt.

Nói như thế không có nghĩa rằng quanh năm suốt tháng, đến Tết mới có heo xẻ thịt chia lúa. Thường thì bà con ở quê nuôi heo lâu lớn, heo bỏ ăn, buồn buồn, hoặc heo nái, sau khi rã bầy, heo mẹ sụp chân... thì được bà con mình xẻ thịt. Cũng kiểu mời láng giềng “chia lúa”; nhưng nông dân mình nói vậy chứ cũng rất hay, thời điểm chưa tới mùa thu hoạch lúa thì “thịt heo chia lúa” giá cũng khác; có khi lúa phải được tính “mềm” hơn, tránh giá cả lâu ngày bị trượt...

Cái làm tôi nhớ nhất hồi đó là mỗi khi nhà nào có heo nái đẻ, rã bầy xong, heo mẹ được xẻ thịt liền; thể nào mẹ tôi cũng sai anh trai tôi qua mua vài thứ ghi sổ, trong đó luôn luôn có cái vú heo to tổ chảng đầy sữa. Khi anh trai tôi mang thịt về, mẹ tôi nấu nước nóng trụng thịt qua với muối hoặc rượu. Khi thịt heo thật ráo nước, mẹ tôi bắc nước lên luộc vú heo. Điều ám ảnh tôi nhất chính là cái nồi nước luộc vú heo đục ngầu sữa đó, mẹ tôi nêm gia vị vào, cho hành lá xắt thật mịn và nhiều tiêu xay, bà cho vào tô lớn mang ra cho anh em tôi làm món súp ăn kèm cơm với vú heo luộc. Ôi thôi! Kinh khủng khiếp! Hình như đây là một trong vài lý do chính mà cho đến bây giờ, tôi không uống được loại sữa nào ngoài sữa đặc ông Thọ có đường!

Cái thời quá khó khăn và vất vả cũng đã lui vào quá khứ từ lâu rồi; nhưng mỗi khi gợi lại, nhắc nhớ một trời kỷ niệm.

Tôi đắm mình trong ấu thơ nghèo khó đó mà lớn lên. Có bóng dáng mẹ cha tảo tần hôm sớm; có những cô, chú, bác, anh, chị láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Ký ức về nhà lá vách lá (quê tôi không có nhà tranh vách lá đâu đó) nuôi tôi lớn lên. Tôi ơn mẹ, ơn cha, ơn quê nghèo đã ươm cho tâm hồn tôi một vườn cảm xúc. Vú heo đầy sữa là một nỗi ám ảnh chứ nó không hề góp phần nuôi tôi lớn lên đâu đó!

Cái thời... thịt heo chia lúa. Hỏi ai còn nhớ? Riêng tôi cứ mãi ngậm ngùi mỗi khi gợi lại...

Huỳnh thúy Kiều

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nho-thoi-thit-heo-chia-lua-n167962.html