Nhớ về đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng tuy ngắn ngủi, nhưng đã sớm thể hiện đầy đủ phẩm chất cao quý cao đẹp của người cộng sản, cống hiến hết sức quan trọng về sự ra đời và phát triển của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh cũng như sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là tấm gương để cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Lãnh đạo tỉnh đến viếng Tượng đài “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”, nhân kỷ niệm 55 năm ngày tỉnh Trà Vinh được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công” (20/12/1968 - 20/12/2023). Ảnh: BTV

Lãnh đạo tỉnh đến viếng Tượng đài “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”, nhân kỷ niệm 55 năm ngày tỉnh Trà Vinh được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công” (20/12/1968 - 20/12/2023). Ảnh: BTV

Trà Vinh là địa phương có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ngay khi Pháp đặt chân đến Trà Vinh, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã liên tiếp nổi dậy chống sự xâm lược của thực dân Pháp. Đặc biệt, ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Trà Vinh cũng đã thành lập các chi bộ cộng sản đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Cộng sản, các phong trào cách mạng đã diễn ra sôi nổi dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng. Trong buổi đầu cách mạng đó, có công lao rất lớn của các chiến sĩ cộng sản, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh đầu tiên - đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng còn có tên gọi là Vinh, sinh năm 1905, tại tỉnh Bắc Ninh. Thuở nhỏ, Huỳnh Ngọc Trảng học chữ Hán rồi vừa học chữ Hán vừa học chữ Quốc ngữ ở Hà Nội. Những năm ra Hà Nội học, Huỳnh Ngọc Trảng học thêm nghề thợ may.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng sớm giác ngộ lý tưởng Cộng sản và nhanh chóng dấn thân vào hoạt động cách mạng, tham gia vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào vô sản hóa; tích cực thành lập các tổ chức Đảng ở Trà Vinh và là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh.

Sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước, thương nòi, Huỳnh Ngọc Trảng thôi học, chuẩn bị xuất dương sang Nhật theo tiếng gọi của phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Cơ mưu bại lộ, Huỳnh Ngọc Trảng bị buộc trở về Bắc Ninh cư trú. Tuy nhiên, Huỳnh Ngọc Trảng vẫn bí mật ra Hà Nội gặp gỡ và tham gia các hoạt động chống Pháp của học sinh Trường Bưởi (nay là Trường Trung học Chu Văn An). Năm 1926, cùng một số học sinh có tư tưởng tiến bộ ở Trường Bưởi, Huỳnh Ngọc Trảng tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên(1). Năm 1927, Huỳnh Ngọc Trảng bí mật sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện cán bộ vô sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy.

Từ Quảng Châu trở về, Huỳnh Ngọc Trảng được Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đưa đi tham gia phong trào “vô sản hóa”, sống và làm việc như những người vô sản, để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào giai cấp công nhân, xây dựng hệ thống cơ sở và tổ chức phong trào cách mạng trong giai cấp công nhân. Đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng thâm nhập, cùng lao động với những công nhân bến tàu Hải Phòng, rồi chuyển sang công nhân mỏ than Cẩm Phả, Hòn Gai...

Sau thời gian đi “vô sản hóa”, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng được Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ chuyển vào Huế xây dựng và phát triển tổ chức. Vào Huế, Huỳnh Ngọc Trảng cùng các đồng chí tại đây gầy dựng và phát triển mạnh mẽ phong trào và cơ sở trong giới công nhân, học sinh, đặc biệt là tại Trường Quốc học Huế. Ngày 14/7/1928, Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Trung Kỳ tổ chức hội nghị và quyết định thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng. Đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng trở thành đảng viên của Tân Việt Cách mạng Đảng.

Trước xu thế một số tổ chức Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ (Đông Dương Cộng sản Đảng, thành lập vào tháng 3/1929) và ở Nam Kỳ (An Nam Cộng sản Đảng, thành lập vào tháng 8/1929), các đảng viên trong Tân Việt Cách mạng Đảng đã tổ chức hội nghị và thống nhất thành lập thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào ngày 01/01/1930. Đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng là một trong những thành viên ban đầu của tổ chức này. Địa bàn hoạt động của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chủ yếu ở vùng Bắc Trung Kỳ, có gầy dựng cơ sở ở những vùng miền khác để thúc đẩy phong trào giải phóng đất nước. Tổ chức hoạt động của của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mạnh mẽ và không ngừng phát triển, góp nhiều công lao cho sự thành công của cách mạng về sau.

Năm 1930, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng được cử vào hoạt động ở Nam Kỳ. Về Trà Vinh, đồng chí sinh sống bằng nghề thợ may tại những khu vực nghèo khổ của tỉnh lỵ. Thỉnh thoảng, đồng chí cũng nhận dạy thêm ở tư gia. Hình ảnh người thợ may ốm yếu, cận thị nặng, nói tiếng Bắc dần dần trở nên thân quen trong giới lao động bình dân. Tại đây, đồng chí bắt liên lạc với các nhóm Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở tỉnh lỵ Trà Vinh, ở Mỹ Long (quận Cầu Ngang) và ở An Trường (quận Càng Long); đồng chí thường xuyên bám cơ sở, bám sát quần chúng, tuyên truyền giác ngộ lý tưởng, vận động xây dựng tổ chức trong giới mua gánh bán bưng, thợ cưa, công nhân bến xe, bến tàu, học sinh,...

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 03/02/1930, các Xứ ủy cũng được thành lập, đồng chí Dương Quang Đông được Xứ ủy Nam Kỳ cử về Trà Vinh thành lập các Chi bộ Đảng tại Mỹ Long (quận Cầu Ngang) và tỉnh lỵ, từ số các thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Chi bộ tỉnh lỵ ra đời với các đồng chí Nanh, Nguyễn Văn Lẹ, Huỳnh Ngọc Trảng, do đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng làm Bí thư. Thời điểm này, ở An Trường (quận Càng Long), đồng chí Ung Văn Khiêm về Càng Long chỉ đạo cho đồng chí Nguyễn Phát Đạt và các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập chi bộ Đảng ở xã An Trường, do dồng chí Nguyễn Phát Đạt làm Bí thư. Đến mùa hè 1930, có thêm 06 Chi bộ Cộng sản được thành lập, gồm Chi bộ Tân An - Huyền Hội (ghép 02 xã), Chi bộ Mỹ Cẩm, Chi bộ Bình Phú, Chi bộ Phương Thạnh (Càng Long), Chi bộ Cầu Xây (Châu Thành), Chi bộ Mỹ Hòa (Cầu Ngang). Mùa thu năm 1930, tại ngôi nhà số 9 đường Công ty rượu nếp (nay là đường Lê Lợi), tỉnh lỵ Trà Vinh, Tỉnh ủy Trà Vinh được thành lập, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng trở thành Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Trà Vinh.

Thường trực HĐND tỉnh và đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh thắp hương các anh hùng liệt sĩ tại Di tích quốc gia - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Trà Vinh tại Ấp 3A, xã An Trường. Ảnh: BTV

Thường trực HĐND tỉnh và đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh thắp hương các anh hùng liệt sĩ tại Di tích quốc gia - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Trà Vinh tại Ấp 3A, xã An Trường. Ảnh: BTV

Đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng cùng Tỉnh ủy lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, tổ chức các phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930 - 1931

Cùng với việc thành lập các tổ chức Đảng, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng cùng Tỉnh ủy tập trung công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh với các hình thức và khẩu hiệu khác nhau để lựa chọn những người ưu tú kết nạp vào các hội, các đoàn thể. Các tổ chức công hội, nông hội, cứu tế đã có ở các quận, xã trước đó, nay được chuyển thành công hội đỏ, cứu tế đỏ, nông hội đỏ để làm nòng cốt cho các phong trào đấu tranh chống bọn thực dân, phong kiến. Việc các tổ chức quần chúng được thành lập ở khắp các quận trong tỉnh đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, thông qua các tổ chức quần chúng, các tổ chức Đảng phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và tập hợp, giáo dục một đội quân chính trị rộng lớn, hình thành khối liên minh công nông - một trong những nhân tố cơ bản đảm bảo sự thành công của cách mạng giải phóng dân tộc. Qua các hoạt động, nhiều hội viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở các địa phương.

Đặc biệt, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, cổ động. Bản thân đồng chí trực tiếp phụ trách tờ báo "Cờ Búa Liềm, " của Tỉnh ủy, vừa tổng hợp tình hình, viết bài, tổ chức in, vận chuyển về các cơ. Tuy hoạt động không được bao lâu, nhưng báo Cờ Búa Liềm trở thành vũ khí tuyên truyền sắc bén cổ vũ phong trào, vạch mặt bọn đế quốc, phong kiến, tạo được tiếng vang nhất định, thu hút được quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù do Tỉnh ủy tổ chức và lãnh đạo. Công tác tuyên truyền của Đảng bộ được tiến hành trong mọi dịp có thể được, kể cả ngày lễ, ngày hội và bằng mọi hình thức như rải truyền đơn, mít tinh, diễn thuyết, tổ chức truy điệu liệt sĩ, đọc báo chí, thơ văn cách mạng, diễn tuồng, hát ví, giặm... Đây là một công việc hết sức quan trọng của Đảng bộ trong việc thu phục quần chúng cách mạng, xây dựng được mặt trận thống nhất, xây dựng Đảng vững mạnh, nâng cao trình độ lý luận cho đảng viên, đào tạo thêm cán bộ cho Đảng bộ.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các chi bộ cộng sản, phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh giai đoạn 1930 - 1931 với nội dung chủ yếu là đòi quyền lợi kinh tế trước mắt, kết hợp với những khẩu hiệu đấu tranh chính trị chống đế quốc, phong kiến; thông qua nhiều hình thức phong phú, như: Tuyên truyền cổ động, mít-tinh, rải truyền đơn, chuyền tay đọc sách, báo cách mạng, treo cờ, khẩu hiệu, tụ họp đấu tố và cảnh cáo địa chủ, quan lại… qua đó mà tập dợt, khuếch trương sức mạnh của quần chúng. Một số cuộc đấu tranh tiêu biểu, như:

- Cuộc mít-tinh và tuần hành biểu dương lực lượng của đồng bào An Trường (quận Càng Long) vào đầu tháng 4/1930; cuộc mít tinh và tuần hành của của đồng bào Long Hậu, Long Vĩnh (quận Cầu Ngang). Đặc biệt, hưởng ứng phong trào đấu tranh của đồng bào cả nước nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5, tại tỉnh lỵ và các quận, nhiều truyền đơn và cờ đỏ búa liềm xuất hiện ở chợ, công sở, trường học, ven đường giao thông,v.v...với các khẩu hiệu: “Tinh thần ngày 01/5 muôn năm”; “Đả đảo đế quốc Pháp và quan lại tay sai”; “Giảm thuế cho dân nghèo”; “Chống phạt vạ vô lý”; “Đảng Cộng sản muôn năm”... Nổi bật trong phong trào này là cuộc bãi công của hơn một ngàn phu làm đường trên tuyến Cầu Ngang - Bến Đáy. Tỉnh trưởng Trà Vinh cho phép cai Dụng bắt đồng bào sinh sống ở vùng Bình Trị Thượng đắp con đường này. Đồng bào chỉ đi làm một ngày, ngày hôm sau bãi công. Cuộc bãi công này đã làm xôn xao dư luận trong và ngoài tỉnh.

- Trong tháng 6/1930, tại tỉnh lỵ Trà Vinh đã diễn ra cuộc đình công của lao động ngành xe đò kéo dài 05 ngày, được sự hưởng ứng của nhiều tiểu thương và các giới lao động khác làm cho giao thông bế tắc, đời sống tỉnh lỵ hỗn loạn, buộc tên tỉnh trưởng Landron phải nhượng bộ.

- Ngày 31/7/1930, ở Càng Long diễn ra một cuộc mít-tinh và biểu tình lớn. Điểm chính tập trung đông đảo nhất là sân vận động thuộc Ấp 3, xã An Trường (quận Càng Long), những người tham gia mít-tinh tố cáo tội ác thực dân Pháp, quan lại địa chủ, lính làng, mang theo cờ đỏ búa liềm, biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân Pháp”; Đả đảo quan làng, địa chủ”; “Hoan nghênh Đảng Cộng sản”; “Ủng hộ Liên bang Xô Viết”. Sau đó đoàn biểu tình tiến về dinh quận. Cuộc biểu tình bị đàn áp dã man của thực dân Pháp, làm nhiều người chết và bị thương; một số đảng viên cộng sản như Dương Háo Học, Nguyễn Văn Lẹ, Đoàn Văn Quý... bị bắt, giam cầm, tra tấn ở khám đường Trà Vinh, sau đó bị đày đi Côn Đảo. Đồng thời, chúng truy lùng và bắt tiếp một số đảng viên cộng sản và 26 quần chúng yêu nước.

Phong trào đấu tranh của quần chúng khắp các quận và tỉnh lỵ, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng và Tỉnh ủy Trà Vinh, đã khiến cho bọn địch từ tỉnh đến quận lúng túng, lo sợ. Chúng tăng cường đối phó bằng các hành động đàn áp, bắt bớ, khủng bố những đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước. Trước sự khủng bố của kẻ thù, đến cuối năm 1931, các tổ chức đảng ở Trà Vinh bị tổn thất nghiêm trọng. Hầu hết các đường dây liên lạc giữa các tổ chức đảng ở nội tỉnh và giữa các cơ sở đảng với các tỉnh bạn và Xứ ủy Nam Kỳ bị gián đoạn. Trước tình thế đó, phong trào cách mạng phải tạm lùi để bảo toàn lực lượng

Quang cảnh Tượng đài “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”. Ảnh: BTV

Hy sinh trong lao tù thực dân, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng đã để lại một tấm gương sáng về lòng trung kiên với cách mạng, khí phách anh hùng của người chiến sĩ cộng sản.

Tháng 9/1931, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng bị địch bắt tại xóm Lò heo (nay là đường Đồng Khởi, Phường 6, thành phố Trà Vinh). Tuy bị tra tấn hết sức dã man, tàn ác nhưng đồng chí vẫn không hề khai báo, khuất phục, đã bảo toàn tổ chức và cơ sở cách mạng.

Tháng 10/1931 tại tỉnh lỵ Trà Vinh, thực dân Pháp đưa đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng ra tòa án. Tuy không có bằng chứng rõ ràng để kết tội, nhưng chúng vẫn tuyên án và trục xuất đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng về Bắc Kỳ (lúc này, về danh nghĩa, Nam Kỳ là xứ thuộc địa còn Bắc Kỳ là xứ bảo hộ được áp dụng bởi hai hệ thống pháp luật khác nhau). Bị trục xuất về Bắc Kỳ, đồng chí tìm cách bắt liên lạc với tổ chức đảng và vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau đó, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng bị thực dân Pháp bắt giữ tại Hà Nội, bị kết án và lưu đày ở nhà tù Sơn La(2). Đây là nhà tù đã giam giữ các đồng chí lãnh tụ của cách mạng như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn,...

Đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh không lâu (chỉ hơn 01 năm), nhưng là Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy, đồng chí có công lao vô cùng to lớn trong việc chỉ đạo xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, hình thành nên Tỉnh ủy Trà Vinh ngay từ năm 1930, đồng thời xây dựng và phát triển các tổ chức cách mạng của quần chúng; đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng đã có nhiều đóng góp lớn trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục, và giúp Đảng bộ càng thêm gắn kết với Nhân dân - cội nguồn sức mạnh của Đảng. Đã trực tiếp cùng Tỉnh ủy lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng trong những năm 1930 - 1931 với khí thế sôi nổi, mạnh mẽ, nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình liên tiếp nổ ra, góp phần cùng cả nước tạo nên cao trào cách mạnh 1930 - 1931 làm cho kẻ thù khiếp sợ.

Giữa lúc phong trào cách mạng của tỉnh đang phát triển, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng bị địch bắt và trục xuất về Bắc Kỳ. Mặc dù luôn bị địch theo dõi, giám sát, nhưng với ý chí và khát khao cống hiến cho cách mạng, đồng chí đã tìm cách bắt liên lạc với tổ chức và tiếp tục hoạt động, nhưng lại bị bị giặc Pháp bắt và đày lên nhà tù Sơn La. Trong lao tù, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng đã cùng với các đồng chí khác tổ chức đấu tranh, lên án chế độ nhà tù man rợ của thực dân Pháp. Do bị tra tấn bởi chế độ cai quản cực kỳ hà khắc, lao động khổ sai, nặng nhọc, ăn uống kham khổ, cộng với khí hậu khắc nghiệt “rừng thiêng, nước độc”, đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng hy sinh tại nhà tù Sơn La.

Nhà tù Sơn La, nơi đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng bị giam cầm và hy sinh. Ảnh: Tư liệu

Nhà tù Sơn La, nơi đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng bị giam cầm và hy sinh. Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh, là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng; kiên trung, bất khuất trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh; đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng tuy ngắn ngủi, nhưng đã sớm thể hiện đầy đủ phẩm chất cao quý cao đẹp của người cộng sản, cống hiến hết sức quan trọng về sự ra đời và phát triển của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh cũng như sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là tấm gương để cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo.

TRẦN BÌNH TRỌNG

(1) Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập vào tháng 6/1925 ở Quảng Châu (Trung Quốc)

(2) Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp cho xây dựng vào đầu năm 1908 trên đồi Khau Cả (nay Tổ 9, Phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). Sau 3 lần xây dựng và mở rộng, Nhà tù Sơn La có tổng diện tích 2.170m2 và trở thành một “Địa ngục trần gian” giam cầm, giết dần, giết mòn tù nhân chính trị và những người Việt Nam yêu nước. Từ 1930 đến 1945, thực dân Pháp đã đưa lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với hơn 1.000 chiến sĩ yêu nước Việt Nam đã bị giam cầm, đày ải tại đây.

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/nho-ve-dong-chi-bi-thu-tinh-uy-dau-tien-cua-dang-bo-tinh-tra-vinh-43272.html