Nhớ về Hà Nội...
Hà Nội của muôn phương tụ hội. Tình yêu Hà Nội luôn cháy đỏ trong trái tim mỗi công dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu. Thủ đô trái tim của cả nước. Quần chúng bốn phương chính là những dòng máu nuôi dưỡng trái tim
Thăng Long – Thượng đô của cả nước
Không sinh ra ở Hà Nội, nhưng với tôi, thủ đô Hà Nội thật gần gũi, thiết thân như "chùm khế ngọt" quê hương. Tình yêu ấy cứ đầy đặn, bền bỉ lớn lên cùng năm tháng, từ khi tôi là cô bé lên năm, lên sáu cho đến giờ là công dân Thủ đô chạm tuổi lục thập giáp hoa. Hà Nội dấu yêu vẫn vẹn nguyên trong tôi như ngày đầu gặp gỡ.
Tình yêu Hà Nội in đậm qua từng trang nhật ký của mẹ. Tôi chạm miền ký ức tình yêu của ba mẹ. Mỗi con đường, hàng cây, dòng sông, hồ nước… như vẫn là nhân chứng cho mối tình đẹp như bài thơ của cô gái làng quan họ với anh bộ đội người Huế. Vẫn còn đó một sáng Hồ Gươm xanh mát. Một chiều trên cầu Long Biên rời rợi gió sông Hồng. Một buổi tối mát trong bên hồ Tây xao động, bên Hale, Trúc Bạch mờ sương… Tình yêu ấy nhân lên trong tôi khi cảm nhận được sự luyến lưu với mảnh đất Kinh kỳ khi mẹ tạm xa Hà Nội theo ba về quân khu Đông Bắc từ thập niên 60 thế kỷ trước: "Tạm xa rồi Hà Nội thân yêu, xa những người bạn trìu mến, hẹn một ngày trở lại Thủ đô mến thân của tôi".
Tôi cảm nhận nỗi buồn thấu tâm can của Bà Huyện Thanh Quan khi chứng kiến cảnh đền đài ở Thăng Long chỉ còn phong rêu, phế tích, hoang tàn: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương/ Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn chau mặt với tang thương/ Nghìn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường" (Thăng Long hoài cổ). Tôi hiểu hơn chỉ khi xa Hà Nội dấu yếu, người Thủ đô mới trải lòng về nỗi nhớ đằm sâu ấy bằng xúc cảm nguyên sơ, sâu thẳm: "Ai về xứ Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống lạc Hồng/ Từ thủa mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" (Huỳnh Văn Nghệ). Tôi hiểu hơn tâm trạng xúc động của ông Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 vua Lý Thái Tổ đã được Chủ tịch nước ký quyết định công nhận là công dân Việt Nam ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sau 800 năm Hoàng tử Lý Long Tường rời đất nước sang xứ sở Cao Ly, lưu lạc đất khách, nhưng những người con dòng họ Lý khôn nguôi thương nhớ cố quốc, nhớ Thăng Long. NSND Đặng Thái Sơn gọi Hà Nội là "vùng của tôi" và dẫu xa Tổ quốc nhưng hàng năm người nghệ sĩ tài hoa vẫn mang tiếng đàn về nơi mình "chôn nhau cắt rốn" cất lên âm thanh trong trẻo. NSND Lê Khanh yêu người Hà Nội ở vẻ bình lặng, thường ẩn sâu bên trong. Nghệ sĩ guitar Văn Vượng tuy thiếu thốn ánh sáng, nhưng luôn khát khao nhìn bầu trời Hà Nội. Nhà thơ Phan Vũ thao thiết với "Em ơi, Hà Nội phố" bật lên trường ca Hà Nội khi nghe những hồi còi hụ phát trên nóc Nhà hát Lớn, cùng chất giọng Hà Nội của nữ phát thanh viên báo tin những đợt B52 nối tiếp oanh tạc, bắn phá Thủ đô "Giọng Hà Nội thật ngọt ngào/ Cô gái loan truyền tin bão lửa "Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào... Nỗi đau nhói sâu xoáy trái tim người nghệ sĩ. Điệp từ "Ta còn em..." nối tiếp, bất tận cùng mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, năm cửa ô/ Năm cửa gió, Danh hình hội tụ/ Rêu phong gìn giữ nét tài hoa, mảnh đại bác/ Ghim trên thành cổ...như một câu niệm chú vừa tự trấn an, vừa như một điểm tựa, vừa tha thiết tự hào, vừa dày dặc, triền miên chồng lớp lớp những hoài niệm về Hà Nội dấu yêu. Tháng Chạp bi tráng 1972 "Tháng Chạp năm ấy in hình bao mộ phố... Tháng Chạp con đường ngẩn ngơ/ Dãy phố thành tọa dộ/ Khu trắng không người ở/ Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa". Một "Điện Biên Phủ trên không" đỏ lửa.
Dù gốc gác không ở mảnh đất này, nhưng tôi luôn ý thức mình là "công dân Thủ đô". Tự tin để nói được điều đó bởi tôi đang sở hữu một tình yêu Hà Nội với ý thức dựng xây. Cùng với tình yêu ấy là niềm mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình đối với sự phát triển của Thủ đô văn minh, hiện đại, thanh lịch. Câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương" đúng với rất nhiều cư dân sống ở Hà Nội, trong đó có tôi.
Hà Nội ngày ấy…
Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, tập trung tinh hoa của dân tộc Việt. Từ năm cửa ô đổ vào, trên địa bàn Hà Nội có những tên phố và đồng thời cũng là những tên làng truyền thống, như: Làng Bưởi, làng hoa Ngọc Hà, làng Vòng, làng Láng, làng Mọc, làng Yên Phụ… Đây là mảnh đất của 36 phố nghề của Thăng Long hội đông vui, tiền thân là những dãy hàng sản vật của các địa phương phục vụ cư dân kinh thành. Mỗi phố một mặt hàng, mỗi mặt hàng tiêu biểu cho một vùng quê, như: Hàng Khay, Hàng Trống, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Tre, Hàng Lược, Hàng Cót, Hàng Bồ, Hàng Chĩnh, Hàng Mắm… Thăng Long – nơi đất lành chim đậu, là "Thượng đô của cả nước". Thăng Long hội tụ, vun bồi từ nhiều chợ quê để thành đất Kẻ Chợ với dấu ấn đậm nét của làng quê. Phố chợ tấp nập người mua, kẻ bán, trên bến dưới thuyền ở bến sông Tô (Giang Khẩu), bến Triều Đông (Hòe Nhai) cùng nhiều chợ nổi tiếng (Cầu Đông, Đông Thành, Bạch Mãy, hay chợ Đông, Hoàng Hoa hay chợ Tây, chợ Quyến, chợ Đinh…); chợ ở cổng thành (Cửa Đông, Cửa Nam, Đình Ngang); chợ cửa ô (ô Cầu Dền, Yên Hòa, ô Chợ Dừa, ô Thịnh Quang, ô Đống Mác, ô Cầu Giấy, chợ Đồng Xuân – ô Kim Hoa)… Thăng Long – nơi đất lành chim đậu, là "Thượng đô của cả nước". Thăng Long hội tụ, vun bồi từ nhiều chợ quê để thành đất Kẻ Chợ với dấu ấn đậm nét của làng quê. Phố chợ tấp nập người mua, kẻ bán, trên bến dưới thuyền cùng nhiều chợ nổi tiếng… Alexandre de Rhodes ví chợ Thăng Long lúc nào cũng như ngày hội, người người chen lấn, vướng chân tứ phía, nên phải mất nhiều thời gian mới di chuyển được một quãng ngắn. Người dân của các miền quê không chỉ mang tới nơi đô thành những sản vật đặc trưng của địa phương mình mà còn mang đến cả lời ăn, tiếng nói hiền hòa; lối sống giản dị, khiêm nhường; lối ứng xử, giao tiếp niềm nở, ân cần, chu đáo, thân mật, mộc mạc, ân tình; chất Thủ đô chất phác và thuần hậu... Những người dân tiêu biểu của Hà Nội đã góp chung thành nền văn hiến ngàn năm.
Nhiều người băn khoăn đi tìm khái niệm "Hà Nội gốc". Theo số liệu khảo sát tại phường Hàng Đào có chưa đến 9% gia đình sống liên tục 10 đời (300-400 năm) ở Hà Nội; "người Hà Nội gốc chiếm có 7% trong số bốn triệu dân ở thời điểm trước khi Hà Nội mở rộng". Cư dân Thăng Long từ xa xưa luôn biến động, lưu chuyển của những dòng người nhập cư. Ngoài tầng lớp quý tộc, quan lại sống trong thành, có một lực lượng khác tập hợp bên ngoài sản xuất, buôn bán phục vụ...
Vẻ đẹp người Hà Nội đã được được định vị trong hai chữ "Thanh lịch": "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Nét thanh lịch biểu hiện ở tâm hồn, trí tuệ, sự tinh tế, khôn khéo trong giao tiếp, ứng xử… Chất giọng Hà Nội nhẹ nhàng, truyền cảm, rõ ràng, tròn vành, thanh, ngọt, trong, ấm áp, lôi cuốn, truyền cảm, thường không bị biến thanh… Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Kim Thản khẳng định: "Tiếng nói của người Hà Nội là tiêu biểu nhất và kết tinh những gì chung nhất của phương ngôn Bắc Bộ". Giọng Hà Nội là một di sản văn hóa của vùng Bắc Bộ, song so với miền Trung, miền Nam, giọng Hà Nội phát âm không chuẩn các phụ âm "x-s", "ch-tr", "r, d, gi"… Cùng chất giọng hay là thói quen đẹp, ứng xử văn hóa, biết nói lời "cám ơn", "xin lỗi"; là nếp gia phong thường trực chào hỏi; là cách xưng hô phù hợp; kính già, quý trẻ; là nụ cười thân thiện thay cho lời chào…
Người Hà Nội có cách cư xử khéo léo và "gu" thẩm mỹ khá chuẩn. Trang phục đẹp, kín đáo, lịch lãm, trang nhã, hài hòa, giản dị. Ngày nay, người Hà Nội có cơ hội được tiếp xúc với nhiều xu hướng thời trang trong nước và thế giới, nhưng thiếu nữ Hà thành vẫn chọn trang phục lịch lãm, trang nhã, duyên dáng, uyển chuyển, kín đáo...
Người Hà Nội sở hữu văn hóa ẩm thực rất mực tinh tế. Chế biến và thưởng thức các món ăn là cả một nghệ thuật. Mỗi món ăn đều có hương vị riêng truyền thống đã được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực. Quán nước chè chén xuất hiện ở Hà Nội rất sớm. Một nét văn hóa đẹp của người Hà Nội là thưởng thức cà phê. Người Hà Nội không quên cà phê Giảng (phố Hàng Gai) nổi danh cà phê trứng; cà phê Nhân ở phố Hàng Hành; cà phê Tuyên (phố Trần Hưng Đạo); cà phê Lâm (phố Nguyễn Hữu Huân) là nơi hội tụ nhiều họa sĩ tài danh, như: Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên…
Văn hóa chè chén, cà phê đã được người Hà Nội phát huy giá trị phù hợp với cuộc sống hôm nay. Nhiều quán trà chanh mở trên hè phố phục vụ cho nhiều đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên. Và các quán cà phê từ đơn sơ đến cầu kỳ mọc lên đang trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ.
Từ xa xưa người Hà Nội đã nổi tiếng khéo léo và lịch lãm. Chất Hà Nội thường bình dị, thầm lặng, kín đáo. Chịu tác động của nhiều nền văn hóa, song người Hà Nội rất cởi mở, thực tế, linh hoạt, nhạy cảm với cái mới, nhưng biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của thế giới phù hợp với phong cách sống vốn lịch lãm, phong nhã. Vì thế, người Hà Nội luôn giữ được phong thái hào hoa, thanh lịch, nhân ái, khoan hòa, bản lĩnh, kiên cường… Bản thân "gốc Hà Nội" đã là kết quả của sự hòa trộn, kết tinh văn hóa của nhiều vùng miền. Sẽ không lạ cư dân sinh sống có hộ khẩu Hà Nội, nhưng vẫn quen hỏi nhau quê hương, bản quán…
Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hay từ các dòng người nhập cư về Hà Nội, giới trí thức, văn nghệ sĩ luôn say nghề yêu nghiệp, có chí học tập và nghiên cứu trở thành lực lượng xung kích. Những tinh hoa, nét đẹp văn hóa đặc sắc của thủ đô Hà Nội đã nuôi dưỡng các văn nghệ sĩ phát huy năng lực sáng tạo để sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian. Tác phẩm văn học: "Vang bóng một thời" (Nguyễn Tuân); "Chuyện cũ Hà Nội" (Tô Hoài), "Nguyễn Trãi ở Đông Quan", "Đất nước" (Nguyễn Đình Thi); "Sống mãi với Thủ đô" (Nguyễn Huy Tưởng); "Miếng ngon Hà Nội" (Vũ Bằng); "Hà Nội băm sáu phố phường" (Thạch Lam), "Phố" (Chu Lai), "Hà Nội rong ruổi quẩn quanh", "Thú ăn chơi người Hà Nội" (4 tập), "Đường vào Hà Nội", "Dòng sông Hà Nội", "Phập phồng Hà Nội", "Hà Nội 36 phố phường" (Băng Sơn), "Đi ngang Hà Nội" (Nguyễn Ngọc Tiến), "Con giai phố cổ" (Nguyễn Việt Hà)… Tác phẩm âm nhạc: "Tiến về Hà Nội" (Văn Cao); "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi); "Đêm Hồ Gươm" (Trần Hoàn): "Hà Nội những đêm không ngủ" (Phạm Tuyên): "Nhớ mùa Thu Hà Nội" (Trịnh Công Sơn); "Hà Nội mùa xuân" (Văn Ký), "Bài ca Hà Nội" (Vũ Thanh), "Có một chiều như thế Hồ Gươm" (Tân Huyền), "Em ơi Hà Nội phố" (Phú Quang), "Làng lúa làng hoa" (Ngọc Khuê), "Có phải em mùa Thu Hà Nội" (Trần Quang Lộc), "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" (Trương quý Hải), "Hà Nội đêm trở gió" (Trọng Đài)… Tác phẩm mỹ thuật: "Thiếu nữ bên hoa huệ" (Tô Ngọc Vân); "Xuân Hồ Gươm", "Người gác Văn Miếu" (Nguyễn Tư Nghiêm); "Bên hồ Hoàn Kiếm" (Nguyễn Gia Trí); "Phố cổ Hà Nội" (Bùi Xuân Phái)… Tác phẩm sân khấu "Ánh sáng Hà Nội", "Ô Quan Chưởng" (Hoàng Tích Linh); "Ngôi nhà trong thành phố" (Xuân Trình); "Bài ca giữ nước" (Tào Mạt); "Những người con Hà Nội (kịch bản: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Doãn Hoàng Giang); "Người Hà Nội" (Nguyễn Tất Thắng)…
Cùng văn nghệ sĩ, giới trí thức như: "Nhà Hà Nội học" Nguyễn Vinh Phúc, nhà văn hóa Hữu Ngọc, nhà nghiên cứu Giang Quân... đã dành bao tâm huyết nghiên cứu Hà Nội. Những sinh viên kiến trúc yêu Hà Nội đã thành lập nhóm "3D Hà Nội" tái hiện Hà Nội xưa bằng kỹ thuật 3D. Nhóm "Số hóa Hà Nội" tiếp tục hành trình của nhóm "3D Hà Nội" tái hiện những nếp sống sinh hoạt của người Hà Nội cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX trong triển lãm "Hà Nội- Những góc nhìn thời gian"…
Người Hà Nội lịch lãm trong giao tiếp, ứng xử. Họ duy trì tình nghĩa "bán anh em xa mua láng giềng gần", "tối lửa tắt đèn có nhau"... Họ sống giản dị không phô trương, hình thức, nên có khi giàu không ai biết, nghèo không ai hay. Qua thời gian, cái hay cái đẹp được giữ lại và phát triển theo cấp sinh hoạt thị thành, tạo nên một lối sống phong lưu của con người lịch thiệp và tinh tế về mọi mặt.
Tết Hà Nội đa dạng do con người từ nhiều nơi tụ họp về đây, nên tất cả những nét đặc trưng của từng địa phương đã được tập trung và chắt lọc. Chợ hoa Hà Nội đã họp từ xa xưa. Mùa nào hoa ấy, những ngày tháng 4, Thủ đô còn được tô điểm bởi màu trắng tinh khiết của hoa loa kèn. Chỉ nở duy nhất một tháng trong năm, loài hoa mang đến mùi hương dịu nhẹ khắp phố phường Hà Nội.
Nét thanh lịch đã trở thành một đặc trưng của đất kinh kỳ. Chính điều đó đã buộc những cư dân về đây sinh sống phải khéo léo, khôn ngoan. Vì thế, những cư xử thô lỗ, nói năng sống sượng, lối sống cẩu thả, chộp giật… sẽ không được chấp nhận, chào đón ở đây. Môi trường sống thanh lịch, nhã nhặn đã sàng lọc nghiêm khắc những gì mà nó thu nạp. Vì thế, một lẽ rất tự nhiên người mới nhập cư buộc phải tự học hỏi, điều chỉnh, nhập thân văn hóa để hòa đồng, để được chấp nhận. Dẫu không sinh ra ở Hà Nội, tôi tin có nhiều người xao xuyến, xúc động rưng rưng mỗi khi nghe ca khúc "Nhớ Hà Nội" (Hoàng Hiệp) nhất là vào đêm 30 Tết: "Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội…".
Và Hà Nội hôm nay…
Hà Nội trở thành thủ đô lớn thứ 17 của thế giới với diện tích tăng từ 152 km2 lên 3.344 km2; dân số từ 53 vạn tăng lên hơn 8 triệu dân. Hà Nội mở rộng gồm cả văn hóa xứ Đoài. Hiện Hà Nội đang đối mặt với rất nhiều áp lực. Song điều Hà Nội cần gìn giữ, đó chính là văn hóa. Chia sẻ của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã thể hiện quan điểm đó "Cái Hà Nội cần là phải mạnh, dẫn đầu về văn hóa. Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng là lối sống, trật tự, kỷ cương, văn minh, thanh lịch, hiện đại…".
Hà Nội của muôn phương tụ hội. Tình yêu Hà Nội luôn cháy đỏ trong trái tim mỗi công dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu. Thủ đô trái tim của cả nước. Quần chúng bốn phương chính là những dòng máu nuôi dưỡng trái tim. Và trái tim đã góp phần thanh lọc trước khi điều chuyển các dòng máu đi nuôi dưỡng cơ thể (Aragong).
Bên tai tôi văng vẳng giai điệu "Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội…".
Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nho-ve-ha-noi-20191009120944625.htm