Nhớ về ngày toàn thắng

PTĐT - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân 1975 là minh chứng hùng hồn về sức mạnh quật cường của dân tộc Việt Nam. Làm nên chiến thắng vang dội ấy, mang lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc có sự góp sức của hàng nghìn người con quê hương Đất Tổ. Nhớ về thời khắc lịch sử cách đây tròn 45 năm qua lời kể của những nhân chứng sẽ giúp chúng ta thêm quý trọng giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc.

Anh hùng Nguyễn Văn Toản (bên phải) với tên lửa vác vai A72 từng bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ.

Anh hùng Nguyễn Văn Toản (bên phải) với tên lửa vác vai A72 từng bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ.

“Bí mật, hiệp đồng chặt chẽ là hai yếu tố quyết định thắng lợi”
Hình ảnh những chiến sĩ Trung đoàn 88A, sư đoàn 308 (nay là Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân khu 7) chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước hiện lên hết sức cao đẹp và bi hùng. Họ đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hành quân đến điểm hẹn của dân tộc ta trong mùa xuân đại thắng ngày 30/4/1975. Góp sức cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công trong những năm tháng bom đạn là tài mưu lược của người cán bộ chỉ huy Trần Duy Quang, sinh năm 1943 ở khu 2, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao. Bản thân bị thương nặng, nhưng trước sự hy sinh của đồng đội, một mình ông vẫn kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa, sử dụng thành thạo 7 loại vũ khí và diệt được 50 tên giặc Mỹ. Ông đã cùng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 88A anh hùng bảo vệ Kênh Ngang, Kênh 62 của tỉnh Long An, được lịch sử ghi danh. Tuy tuổi cao, mắt đã mờ, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng Thiếu tá quân đội nghỉ hưu Trần Duy Quang vẫn ghi nhớ nhiều kỷ niệm khó quên trong cuộc đời quân ngũ của mình: Cuối năm 1969, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 88A đang đóng quân tại Tây Ninh thì được lệnh sang Cam-pu-chia huấn luyện chiến thuật đồng bằng. Đầu năm 1970, Tiểu đoàn 7 được lệnh hành quân về vùng Kiến Phong, tỉnh Kiến Tường (nay là Đồng Tháp Mười) để xây dựng cơ sở, mở rộng vùng giải phóng, giúp dân đấu tranh thoát khỏi âm mưu lập ấp chiến lược của giặc Mỹ, lúc ấy ông là Tiểu đoàn phó. Khi hành quân, Tiểu đoàn chia làm 2 cánh quân, Tiểu đoàn phó Trần Duy Quang chỉ huy cánh quân gồm hơn 300 cán bộ, chiến sĩ phải vượt qua cánh đồng thuộc khu vực Kênh Ngang, Kênh 62 nước đã rút cạn khô. Mặt ruộng chỉ còn cỏ ngoi đổ rạp, ven bờ kênh có những khóm tràm rộng khoảng vài chục mét vuông. Xác định hành quân qua địa hình trống trải này rất nguy hiểm nên đơn vị đã quán triệt chặt chẽ mệnh lệnh “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, thực hiện đêm đi, ngày nghỉ dưới cỏ cây. Mọi quy định hiệp đồng đều được thống nhất từ trước khi hành quân nhằm giữ yếu tố bí mật. Trong khi chiến đấu, quân ta rơi vào tình thế nguy nan, hoàn toàn bất lợi, Tiểu đoàn phó Trần Duy Quang lệnh cho các đơn vị cơ động thoát khỏi ruộng cỏ ngoi, chiếm lĩnh các khóm tràm để chiến đấu với tinh thần dũng cảm, quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Trước ý chí kiên cường dũng cảm của quân ta, bọn địch buộc phải rút quân. Chớp thời cơ đó, ông Quang đã chỉ huy đơn vị nhanh chóng vận động, thoát khỏi cánh đồng, rút về phía biên giới Cam-pu-chia để củng cố, bảo toàn lực lượng. Đầu năm 1975 khi quân ta chuẩn bị mọi điều kiện quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, Trung đoàn 88A cùng các đơn vị đánh ngược từ đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn, ông Quang vẫn liên tục bám sát từng trận chiến đấu để huấn luyện bổ sung lực lượng. Trưa ngày 30/4, trong khi đang làm nhiệm vụ, chiếc radio đeo bên hông phát bản tin Sài Gòn giải phóng, ông vui sướng vô cùng ôm trầm lấy đồng đội mà khóc vì hạnh phúc. Ông Quang chia sẻ: “Để đi đến thắng lợi thì hai yếu tố quan trọng mang tính quyết định đó là bí mật, bất ngờ và hiệp đồng chặt chẽ. Điều đó sẽ khiến quân địch hoang mang, hoảng loạn, tạo thuận lợi cho quân ta liên tiếp giành chiến thắng mà đỉnh cao mà Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.Anh hùng bắn rơi máy bay Mỹ
Với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Toản ở phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì cũng vậy, những ký ức về những ngày tháng Tư năm nào vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Năm 1971, ông nhận lệnh lên đường tòng quân chi viện cho chiến trường miền Nam diệt Mỹ. Sau 3 tháng huấn luyện, ông trở thành xạ thủ tên lửa vác vai A72 của Tiểu đoàn 172, Trung đoàn 237, Quân chủng Phòng không - Không quân và vượt Trường Sơn hành quân vào Nam, liên tiếp lập nhiều chiến công với cách đánh địch sáng tạo, táo bạo. Chiến công đầu tiên của ông là vào ngày 16/4/1974, tại mặt trận Đức Huệ, Long An khi ấy là một vùng đầm lầy hoang dã, không có công sự, chỉ một sơ suất nhỏ cũng dễ bị thương vong. Lợi dụng quân địch mải chỉnh hướng gió thả bom, ông đã nhanh chóng phóng tên lửa bắn tan xác chiếc C130. Đây là chiếc máy bay duy nhất của địch bị bắn hạ trong chiến dịch này. Từ năm 1972-1974, thị xã Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được coi là thủ đô của vùng giải phóng miền Nam, tập trung nhiều cơ quan đầu não của Trung ương cục miền Nam và là nơi Mỹ, Ngụy thường xuyên dùng máy bay trinh sát, ném bom, kể cả máy bay không người lái nhằm phát hiện đánh phá hòng tiêu hao lực lượng của ta. Để đảm bảo an toàn vùng giải phóng, bằng mọi giá phải tiêu diệt máy bay địch trên bầu trời Lộc Ninh. Nhớ lại giây phút cam go không thể nào quên ấy, ông Toản cho hay: “Ngày 28/11/1974, khi chiếc C130 xuất hiện, tôi đã vác trên vai quả tên lửa nặng 20kg chạy ngược đồi dốc chiếm lĩnh đỉnh cao 500m. Tôi biết rằng nếu để lọt chiếc máy bay này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng bắn nó chắc chắn tôi sẽ bị thương. Không do dự, bất chấp hiểm nguy tôi đã bắn tan xác nó trên bầu trời Lộc Ninh trong niềm vui reo hò của nhân dân. Còn tôi bị lửa của quả đạn làm cháy rụi tóc, bỏng mặt và ngã xuống đất”. Cũng tại vùng giải phóng Lộc Ninh, ông Toản có dịp lập thêm chiến công mới bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ. Đến tháng 3/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở màn, khẩu đội A72 nhận nhiệm vụ đánh phối hợp cùng Sư đoàn 3 bộ binh miền. Trong 2 ngày liên tiếp 13 và 14/3, bằng hai quả đạn, ông Toản đã bắn hạ 2 máy bay địch tại chốt An Thạch và Gò Dầu (Tây Ninh). Đến 11h trưa ngày 30/4, ông vẫn làm nhiệm vụ theo dõi và tiêu diệt máy bay địch. Đúng 11h 30 khi nhận được tin báo Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, ông đã hạ tên lửa trên vai xuống và cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn trong niềm vui chiến thắng của nhân dân với cờ, hoa rợp trời.45 năm trôi qua, người còn, người mất, song chân lý về một Việt Nam anh hùng, quật cường, bất khuất, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người con Đất Tổ thì không gì có thể đổi thay. Những nhân chứng đi qua cuộc chiến từng nói rằng, có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấu hiểu ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Tinh thần chiến thắng ấy luôn cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ý chí quyết chiến quyết thắng luôn thôi thúc mỗi người dân đất Việt không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, tiến bước đi lên xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202005/nho-ve-ngay-toan-thang-170500