Nhớ về những nghệ sĩ diễn tuồng cổ một thời

Trong nhiều vai võ, Mười Bửu ca sang sảng thanh âm cao vót lanh lảnh như tiếng chuông ngân thật là xuất sắc.

1932-1933. Những năm nầy nạn kinh-tế khủng hoảng hoành hành nặng nhứt trên mảnh đất miền Nam cũng như khắp hoàn cầu. Chẳng lành thì chớ người cậu ruột thứ năm của tệ nội đâm mê một kép hát đực. Không nghe lời khuyên gián, đương làm ông viên-ngoại ăn lương “hàm chánh thất” bên xóm Thiềng-Đức ngang chợ Vĩnh-Long, Cậu Năm bỏ nhà bỏ vợ con để khăn gói theo anh kép.

Cậu Năm tôi tuy đàn ông và rất đẹp trai, nhưng ăn trầu xỉa thuốc, khiến tôi nhớ đến ông Cẩn ở Huế gặp sau nầy. Cậu Năm gói bánh trái tôi dám chắc đàn bà không khéo bằng và nghề nấu nướng hơn cả các tay đầu bếp thiện nghệ. Ở không, làm ông nhà giàu ăn lương vợ, Cậu đâm chán rồi lấy tiền nhà lập gánh cải- lương, để có dịp theo anh kép nghe ca, mà lúc ấy phải nhìn nhận anh kép nầy có một giọng khác hẳn giọng Út-Chơi-Châu-Thạch.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Nghiên cứu lịch sử.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nghiên cứu lịch sử.

Anh kép đi thâu dĩa, Cậu cũng đi theo. Anh kép đến đâu, Cậu theo đến đó. Gánh hát lỗ lã, Cậu về vét tiền nhà. Người vợ hiền không cho, Cậu lại nhờ đến tôi. Mãi sau hay tin cậu thất vọng, uống độc dược và xác chôn trên Nam-Vang. Anh kép sau làm bầu, nay đã chết. “... Văng vẳng tiếng chuông chùa...”

Gánh Hồng-Nhựt. Một bộ ba chuyên đóng tuồng Tàu lớp Quan Công hiển thánh. Mười Bửu làm vai Ông, Sáu Lực vai Quan Bình, Năm Diệp vai Châu Thương: ban đầu công chúng thấy lạ, đổ xô đến xem, nhưng sau hơi ngán trách thầm gánh hát gì trịch thượng dám lấy Thần-Thánh làm trò, nên thưa lần.

Mười Bửu có tài lấy đất sét nắn tượng rất khéo, sau chết bịnh trên xứ Đà- Lạt. Sáu Lực nay cũng ra người thiên cổ, và bộ ba nầy y như là gánh Hồng-Nhựt nếu tôi không lầm. Mười Bửu có giọng ca “đổ hột” vừa déo dắt, vừa du dương: anh chịu khó chơi với kép hát Quảng trong Chợ-Lớn và học tập từ làn hơi đến điệu bộ, hệt Tàu. Mặt anh no tròn nên dặm mặt Quan Công trông y như trong tranh thờ.

Trong nhiều vai võ, Mười Bửu ca sang sảng thanh âm cao vót lanh lảnh như tiếng chuông ngân thật là xuất sắc. Anh cũng là một tay đờn có tiếng và thích ca trên cây tỳ-bà những bản xưa Nam Xuân, Nam Ai, Giang-Nam, Trường tương-tư. Chính anh thuộc những bản rất cổ “Tô-Huệ chức cẩm hồi văn” v.v... ít người dám ca dám đờn.

Mười Bửu là một trong những kép thọ giáo được điệu Tàu tập luyện có căn bản và có phương pháp luật lệ nhất định của điệu nầy. Tuồng Tam Quốc, lớp Quan Công đại chiến Bàng Đức, bộ ba Bửu, Lực, Diệp diễn rồi không có gánh nào diễn ăn qua được. Trong gánh Hồng-Nhựt có Cô Sáu Nết nổi danh một lúc, sau cô có chồng nên thôi hát, ra làm bà chủ quán dưới gốc cây điệp to đường Hai Bà Trưng, Tân-Định.

Gánh Huỳnh-Kỳ của Cô Bảy Phùng-Há và Cậu Tư Phước Georges. Tôi có nhiều cảm tình riêng đối với Cậu Tư. Nay Cậu đã ra người thiên cổ, tập “hồi-ký” nầy vả chăng là một “nồi xào bần thập cẩm”, nên xin cho phép tôi nhắc lại vài đoạn để nhớ “Cậu Tư” cố hữu:

Bạc-Liêu là xứ ăn chơi, giàu lúa gạo giàu muối giàu tiền. Điệu Vọng-cổ cũng từ tỉnh Bạc phát ra... Nhưng Bạc-Liêu còn lắm thú vui khác: thú ăn cháo Tiều với hột vịt muối và cua muối giác khuya, thú xuống biển ăn sò huyết hoặc ăn nhãn chín tại vườn, khi ăn dưa hấu tại gốc trồng ngoài bãi biển... và có dịp để phóng xe chạy cho mát, sau đó sẽ lên mở phòng tại phố Sốc-Trăng.

Vương Hồng Sển/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nho-ve-nhung-nghe-si-dien-tuong-co-mot-thoi-post1496537.html