Nhớ về Tết Độc lập đầu tiên
Cứ mỗi độ thu sang, khi cờ đỏ sao vàng tung bay khắp mọi nẻo đường, niềm hân hoan mừng đón Tết Độc lập lại rộn ràng trong trái tim mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là với những người từng được sống, chứng kiến thời khắc lịch sử thiêng liêng, trọng đại đầu tiên ấy.
Bà Trịnh Thị Khưởng, thôn Khang Định, xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) kể cho cháu nghe về ngày Tết Độc lập.
Ngày 2-9-1945, trên lễ đài lớn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn Độc lập mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 74 năm đã đi qua, những người được sống trong thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ký ức về ngày Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam vẫn mãi in sâu trong tâm trí họ. Với bà Trịnh Thị Khưởng, thôn Khang Đình, xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc), không khí ngày Tết Độc lập đầu tiên ở địa phương bà vẫn nhớ rất rõ. Khi nghe tin Bác Hồ sẽ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), nhân dân trong xã rất háo hức chờ đợi. Mọi người dọn vệ sinh đường làng sạch sẽ, treo cờ, treo khẩu hiệu rất khí thế. Lúc ấy đi ra đường thôi cũng thấy hân hoan kỳ lạ, thấy mọi thứ sao mà khác ngày thường, hạnh phúc, vui sướng vì đã giành chính quyền thành công. Bản thân tôi cũng dâng trào cảm xúc, bởi từ đây tôi trở thành công dân tự do của một đất nước độc lập. Trong lòng mỗi người, ai cũng phấn khởi, bừng bừng khí thế cách mạng, sẵn sàng theo Đảng, theo Bác Hồ chiến đấu bảo vệ nền độc lập mới giành được.
Năm nay đã bước sang tuổi 93, cái tuổi khiến ông Mai Đức Tịch, phường Phú Sơn (thị xã Bỉm Sơn) đôi lúc quên đi một vài ký ức xa xưa, nhưng duy cái cảm xúc về ngày Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc thì vẫn được ông lưu giữ trong tâm trí. Thời kỳ đó, ông là bí thư đoàn thanh niên thôn Ngụ Kiên, xã Nga Thiện (Nga Sơn). Đời sống nhân dân quê ông còn nghèo, không có radio để được nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập. Thế nên mọi người tập trung ra đình làng để nghe cán bộ thông tin về việc ở Hà Nội, Bác Hồ đang đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ai ai cũng phấn khởi, reo hò và hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm”. Sau ngày 2-9, đất nước bước sang trang sử mới, những lời trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã làm thay đổi cuộc đời mỗi người, thay đổi vận mệnh dân tộc, trong đó có tôi và những người dân quê tôi. Từ một người dân nô lệ, chỉ biết đến sưu cao, thuế nặng, đến lý trưởng, cường hào, người dân đã được tham gia bàn bạc việc làng, việc nước nên ai cũng hồ hởi.
74 năm đã qua - một chặng đường dài với rất nhiều đổi thay nhưng giá trị của độc lập, tự do thì vẫn còn vẹn nguyên. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đã trở thành sức mạnh to lớn, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Hòa chung niềm hân hoan cùng nhân dân cả nước chào mừng ngày Tết Độc lập - Quốc khánh 2-9, khắp các phố phường, làng bản quê Thanh đều rực rỡ cờ hoa, băng zôn, biểu ngữ. Hoạt động dâng hoa, dâng hương, báo công với Bác cũng được các cấp, các ngành thực hiện. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được tổ chức, thu hút đông đảo người dân, khách du lịch tới xem. Đặc biệt, những ngày này, trên các bản làng của người Mông ở Mường Lát, không khí đón Tết Độc lập càng náo nhiệt, đông vui. Cờ hoa rực rỡ, âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng hát hòa vào nhau vang vọng khắp núi rừng. Trong bản, mọi người cùng ăn tết chung với nhau, cùng chơi các trò chơi truyền thống và hát những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi bản làng ngày một đổi thay. Sau đó, họ nô nức đưa nhau về trung tâm huyện để mua sắm, gặp gỡ và giao lưu. Tại trung tâm huyện cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Các xã đều cử người tham gia nên bà con đến cổ vũ rất đông vui. Tất cả tạo nên một Mường Lát rất riêng trong ngày Tết Độc lập. Với người Mông ở Mường Lát, Tết Độc lập có ý nghĩa to lớn, gắn liền với lịch sử đấu tranh và cuộc sống của người Mông qua nhiều thập kỷ. Bởi trước đây, người Mông sống biệt lập trên những ngọn núi cao hoặc trong rừng sâu, không giao lưu với các dân tộc khác. Họ bị trói buộc bởi quan niệm đó từ đời này sang đời khác. Từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, người Mông mới thay đổi nhận thức, họ xuống núi giao lưu với các dân tộc khác. Đó được xem như một cuộc cách mạng giải phóng về tư tưởng và ý thức hệ trong đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy, Tết Độc lập được xem là ngày lễ trọng, là dịp để họ nhắc nhở nhau nhớ về nguồn cội, về truyền thống hào hùng của dân tộc. Để từ đó, mỗi người càng hiểu hơn quá khứ, trân trọng hiện tại, hướng tới tương lai, cùng đoàn kết, phấn đấu vươn lên.
Trong không khí hân hoan, phấn khởi mừng Quốc khánh 2-9, người dân xứ Thanh càng tự hào và trân quý hơn giá trị nền độc lập, tự do của dân tộc. Đó là động lực thôi thúc để mỗi người hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nho-ve-tet-doc-lap-dau-tien/106973.htm