Nhớ về Tết xưa

Giờ giao thừa đã đến, tiếng pháo rền vang khắp nơi, khói pháo lẫn trong những hạt mưa xuân bụi bay, tiếng đài bán dẫn vang lên những ca khúc về mùa xuân, có lẽ không gian ấy, giai điệu ấy đã chạm vào trái tim của mỗi người…

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong những năm tháng mà cuộc chiến tranh chống Mỹ của chúng ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, cả nước đang hướng về miền Nam ruột thịt với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Năm tháng ấy, vùng thôn dã xa xôi như quê tôi còn nghèo lắm, hầu hết là nhà lợp rạ, vách đất, làng xóm hoang sơ. Cuộc sống khó khăn là thế nhưng tấm lòng của người dân với đất nước, quê hương và con người thì vẫn trong ngần và rộng mở vô bờ. Mỗi khi có bộ đội hành quân qua làng thì bà con lại í ới gọi nhau nải chuối, quả dưa, mo xôi mang đến cho các anh. Những đoàn dân công ở nơi xa đến lao động ở địa phương, dù chật chội và thiếu thốn nhưng nhà nào cũng sẵn lòng giúp đỡ nơi ăn chốn ở mà chẳng hề băn khoăn, tính toán. Thóc, khoai, đậu, lạc của Hợp tác xã chất đầy sân kho nhưng chẳng ai tơ hào chút nào.

Cuộc sống vất vả và thiếu thốn quanh năm nên mỗi dịp Tết đến xuân về thật vui tươi và ấm áp. Đầu tháng Chạp các gia đình đã phải tính toán để lo cho Tết rồi, ngoài thời gian làm ở Đội sản xuất ra còn tranh thủ đi chợ bán những cây trái trong vườn hoặc rau màu canh tác được trên mảnh đất năm phần trăm của gia đình để có tiền chi tiêu cho ngày Tết. Bà nội và chị tôi cùng các bà, các chị trong xóm phải gánh rau, hành từ chiều hôm trước qua mấy chục cây số đến chợ Vông, chợ Lụ huyện Kiến Xương để bán cho được giá. Giàn trầu nhà tôi được che sương muối rất kỹ mới giữ được đến cuối năm, mẹ tôi hái và buộc thành từng liền gánh bộ đem bán ở chợ Khánh Mỹ cách nhà đến dăm chục cây số đường tắt.

Người lớn thì ngược xuôi mải lo cho Tết, còn trẻ con chúng tôi thì mong Tết, háo hức vô cùng; đầu tháng Chạp các bạn trong lớp đã tính từng ngày, rồi sẵn bút nhân lên để tính xem còn bao nhiêu giờ nữa thì đến Tết, những câu chuyện về Tết bao trùm hết cả những giờ ra chơi giữa các tiết học.

Những món tiền chạy chợ góp nhặt cũng chẳng được bao nhiêu, mà rồi có tiền cũng chưa chắc đã mua được những thứ cần cho Tết vì trong thời kỳ bao cấp hàng hóa tiêu dùng vô cùng khan hiếm. Ngoài những thứ hàng Tết mà Hợp tác xã mua bán phân phối cho hộ gia đình như trà mạn đóng gói, đường kính và thuốc lá điếu, thì món chi lớn cần phải tính toán kỹ càng, nhất là thịt lợn để ăn Tết và như thế việc đụng lợn vẫn là thứ rôm rả trong ngày Tết cổ truyền ở vùng quê lúc bấy giờ.

Nghi lễ tâm linh của ngày Tết bắt đầu từ ngày Rằm tháng Chạp, mặc dù công việc đồng áng, việc lo cấy vụ chiêm lúc này vẫn còn bộn bề nhưng mỗi nhà trong họ đều cử một người để cùng nhau đi dọn dẹp, sửa sang mộ phần của tổ tiên, thắp hương mời các cụ về ăn Tết và tổ chức cúng Chạp họ trong ngày rằm. Lũ trẻ con chúng tôi cũng mong chờ để được thụ lộc, vì mỗi gia đình cũng được một phần nhỏ xôi trắng và thịt lợn chín mang về.

Những gia đình có người lớn tuổi ở nhà thì bắt đầu đã dọn dẹp nhà cửa. Thầy tôi cũng nhắc mấy anh em chúng tôi dọn dẹp, quét vôi bức tường đất trong và trước hiên nhà, rồi phát gọn những hàng cây găng, bờ ruối, dựng lại những khóm mây ngả xuống lối đi ngoài ngõ. Khi nhà cửa đã được dọn dẹp khang trang, sáng sủa thì tiến hành bày biện bàn thờ ngày Tết, việc này làm tôi rất thích thú, bởi bàn thờ cúng Tết được bày biện mang lại cảm giác Tết đã hiện hữu trong ngôi nhà của mình.

Những buổi đi chợ xa bán rau, hành được các bà, các chị trong xóm đi theo ngày phiên chợ, hôm đắt hàng mang về những câu chuyện vui xôn xao cả xóm. Đám trẻ con chúng tôi cũng được may quần áo mới để đón Tết vào những ngày này. Vải vóc tuy khó mua và so với những thứ thiết yếu khác thì đắt hơn nhiều, nhưng dù khó khăn đến đâu thì cũng phải cố gắng sắm cho các con được bộ quần áo mới đón Tết.

Các bạn tôi thường được mua cho quần vải xanh chéo, áo phin xanh màu mực Cửu Long, còn tôi được mẹ mua cho áo sơ mi màu ghi. Những đứa trẻ lấm láp quanh năm phấn khởi, xênh sang đi khoe khắp xóm, có lẽ câu chuyện “lợn cưới, áo mới” là câu chuyện cổ tích mà có thật thời bấy giờ. Những ngày gần Tết, lớp học của chúng tôi rất vui, tất cả bồn chồn mong chờ tiếng trống tan trường, nhưng cuối giờ thì thật căng thẳng bởi thầy, cô giáo kiểm điểm rất nghiêm những bạn đã bỏ học đi chơi ngoài chợ, nhưng sức hấp dẫn của phiên chợ cuối năm ngày hăm sáu tháng chạp làm trong lớp tôi cũng chỉ còn một nửa.

Những ngày giáp Tết không khí Tết càng náo nhiệt hơn khi ở những gia đình có người thân từ chiến trường trở về, cán bộ công tác ở xa được về quê ăn Tết. Tiếng lợn đã bắt đầu kêu, đó đây những chú lợn ỉ đen tròn đã được ràng sẵn ở gốc cây xoan, cây mít. Từ ba, bốn giờ sáng các ngày hăm tám, hăm chín Tết, đụng lợn ăn tết, tiếng lợn kêu eng éc khắp xóm, ánh đèn loang loáng trong đêm xua đi cái buốt giá tái tê của đêm cuối năm. Đến khoảng tám, chín giờ sáng thì mọi việc cũng đã xong, phần chia cho mỗi gia đình đầy đủ cả, thịt lọc, lòng chín, tiết canh; mọi người vội vã mang phần của mình về nhà để chế biến món tiết canh, lòng mụi cho kịp cúng buổi trưa.

Đám trẻ con chúng tôi được người lớn dành cho cái bong bóng lợn, hì hục thổi căng rồi phơi dưới nắng xuân cho thật khô để chơi đá bóng thay cho những quả bóng được cuộn bằng lá chuối khô như mọi khi. Các công việc tiếp theo được khẩn trương thực hiện ngay sau bữa trưa như giã giò, gói bánh chưng. Giã giò, công việc rất vất vả, phải cật lực cả buổi mới được một tày giò lụa như ý. Nồi bánh chưng được đặt lên bếp từ cuối buổi chiều, mọi người quây quần bên bếp lửa hồng, nước sôi reo trong nồi bánh, tỏa mùi thơm ấm nồng, bà nội tôi luôn nhắc mọi người phải để ý thời gian bằng nén hương thắp ngay gần đó, bởi khi đó cũng ít nhà có đồng hồ xem giờ, để tính thời lượng bánh chín rền được ước chừng bằng số lần cháy liên tục của những nén hương.

Công việc chuẩn bị đón Tết dù vội vã đến mấy phải hoàn thành trong buổi sớm của chiều ba mươi, lo hoàn tất việc cuối cùng để đón Tết và cúng tất niên. Ở nông thôn thời đó chẳng mấy ai bán hoa và cây cảnh, chỉ dùng những loài hoa có sẵn trong vườn nhà hoặc mua hoa giấy được làm thủ công để chơi Tết, Thầy tôi phải kiếm bằng được một cành đào ta nho nhỏ để cắm trên bàn thờ. Cũng chiều ba mươi lũ trẻ con chúng tôi được người lớn lôi ra tắm gội bằng nước hoa mùi đun nóng để được thơm tho, sạch sẽ đón Tết. Đêm ba mươi, đêm trừ tịch, trời tối đen như mực, nhìn lên trời những loạt pháo thăng thiên vẽ những ánh hào quang lộng lẫy trên nền trời đen thăm thẳm mà lòng thấy lâng lâng.

Mùi hương bài lan tỏa khắp không gian quện với mùi thơm của xôi nếp trong tiếng cười nói râm ran. Giờ giao thừa đã đến, tiếng pháo rền vang khắp nơi, khói pháo lẫn trong những hạt mưa xuân bụi bay, tiếng đài bán dẫn vang lên những ca khúc về mùa xuân, có lẽ không gian ấy, giai điệu ấy đã chạm vào trái tim của mỗi người, và như tôi đã có lần chia sẻ cảm xúc này với bạn bè bằng những câu thơ vụng về của mình:

“Tôi yêu khúc xuân ca

Giao thừa xao xuyến lạ

Một thời ta đón tết

Bằng chiếc đài bé con”.

Niềm vui lớn nhất trong giờ phút này của mẹ tôi là gia đình mình cũng đã lo được cái Tết như mọi nhà và mọi việc lo toan đã được gác lại, thanh thản đón mùa xuân mới, nhưng tôi vẫn cảm nhận được từ cái nhìn xa xôi của mẹ một nỗi buồn sâu thẳm. Một người nông dân chất phác, chưa một lần được tới trường như mẹ tôi chẳng thể có cái buồn của thế sự hay nỗi buồn mơ hồ, bay bổng nào khác được bởi niềm vui hay nỗi buồn nào cũng phải có tên, có lẽ mẹ tôi đang nghĩ về anh tôi đang ở ngoài mặt trận, liệu “mũi tên, hòn đạn”“tránh” được người để được trở về trong cuộc chiến khốc liệt này?

Sáng mồng Một Tết không khí thật sự tưng bừng, sau khi thắp hương làm lễ Chính đán tại bàn thờ gia tiên, các gia đình chuẩn bị lễ để thắp hương ở nhà từ đường của dòng họ và chúc Tết người thân.

Không khí ngày mồng Một Tết trên đường làng cũng thật ấm áp, vẫn con đường đất cát mọi khi nhưng hôm nay dường như nó cũng được khoác trên mình chiếc áo mới, bởi những đoạn đường mấp mô đã được san sửa, quét dọn, hàng cây bên đường cũng được quét vôi trắng xóa, những chồi non mùa xuân đã bật lên sau những ngày đông rét mướt. Trên đường rộn ràng lời chúc mừng năm mới của người đi chơi Tết gặp nhau, trẻ con xúng xính trong bộ quần áo mới với xâu tiền xu trên tay, hân hoan trên gương mặt trẻ thơ.

Chiều mồng Một tôi đi lễ gia tiên và chúc Tết bên ngoại cùng với mẹ, được vui chơi cùng các em, được bà ngoại mừng tuổi chúng tôi vô cùng mừng rỡ. Bà ngoại tôi tuy nghèo nhưng rất chu đáo, sau khi các con, các cháu đã đến đông đủ bao giờ bà cũng bảo dì và cậu tôi bày những mâm cỗ thịnh soạn cho các cháu ăn Tết. Bà tôi đông con, nhiều cháu, đứa cháu nào cũng được bà yêu quý. Không khí vui Tết ở nhà bà ngoại thật ấm nồng như tình cảm của bà dành cho anh em chúng tôi, giờ bà đã đi xa nhưng cái nhìn trìu mến và sự yêu thương, vỗ về của bà vẫn còn mãi trong tôi.

Ba ngày Tết trôi qua thật nhanh, chiều mồng Ba Tết mọi người lại quây quần sau lễ cúng tiễn chân Cụ. Đám trẻ chúng tôi lại buồn thiu vì đã hết Tết, hết thời gian được nghỉ Tết phải tiếp tục đến trường để học tập.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, cuộc sống ngày nay đầy đủ hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, trẻ con chẳng còn mong đến Tết để được ăn ngon, mặc áo mới; chẳng còn tất bật, lo toan cho Tết như xưa, trong ánh đèn điện tỏa sáng mênh mang cũng chẳng còn mấy ai nhận ra “trời tối như mực” của đêm trừ tịch. Nhưng có một điều chẳng thể nào đổi thay trong tâm thức của mỗi con người, đó là trong thời khắc thiêng liêng khởi đầu một năm mới ai cũng hướng về bàn thờ gia tiên, nơi linh thiêng nhất trong cõi tâm linh của mỗi con người để nghĩ về tổ tiên, nguồn cội của mình.

Trong khoảnh khắc ấy tôi vẫn nghe thấy những bước chân lạt xạt rất đỗi thân quen của bà nội tôi, và từ cõi xa xôi thầy mẹ tôi cũng đã trở về đang đứng trước bàn thờ vái lạy tổ tiên phù hộ cho mọi người, con cháu một năm mới an lành, may mắn. Trong khói hương lan tỏa ngạt ngào tôi vẫn nhận ra trên tay mẹ lấp lánh chiếc áo màu ghi còn thơm mùi trầu không mà Người mua về từ buổi chợ hôm nào.

Vâng! Có lẽ thế hệ chúng tôi đã được lớn lên từ những cái Tết ấm áp và thân thương như vậy, cũng chính những mùa xuân đẹp đẽ ấy đã nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn chúng tôi để rồi giữa bao nhiêu những sắc màu hư ảo của cuộc đời vô ngã này chúng tôi vẫn nhận ra, nâng niu và trân trọng những giá trị đích thực, cao đẹp của cuộc sống.

Tạ Xuân Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nho-ve-tet-xua-post177954.html