Nhớ về vị Tư lệnh đầu tiên

Trung tướng Nguyễn Bình, tên thật là Nguyễn Phương Thảo (1908-1951), Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ, Khu bộ trưởng Khu 7, là vị tư lệnh đầu tiên của LLVT Quân khu 7.

Sử sách nước nhà ghi nhận, ông là người có công lớn trong việc thống nhất các đơn vị LLVT trên địa bàn Nam Bộ. Bằng uy tín, bản lĩnh, tấm lòng nghĩa hiệp và tài mưu lược, ông đã thu phục nhân tâm, thuyết phục được các “thủ lĩnh” của nhiều lực lượng để thành lập vệ quốc đoàn, đóng góp quan trọng trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuốn Biên niên sự kiện Nam Bộ kháng chiến (1945-1975), do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành, ghi rõ: Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tình hình Nam Bộ hết sức rối ren, phức tạp, với nhiều đảng phái chính trị và phải đối diện với một đội quân viễn chinh Pháp hùng hậu. Trước tình thế nguy cấp đó, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm cử vào miền Nam lo việc thống nhất các LLVT tại chiến trường Nam Bộ. Với tư cách là phái viên của Trung ương Đảng, tháng 11-1945, Nguyễn Bình tổ chức Hội nghị quân sự Nam Bộ đầu tiên, tại An Phú (Gia Định), với sự tham dự của hầu hết các nhân vật yêu nước có tên tuổi của miền Đông. Nguyễn Bình đã kêu gọi các LLVT hãy gác bỏ mọi khác biệt, riêng tư, tập hợp thành một lực lượng thống nhất theo chỉ đạo của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thống nhất biên chế thành các chi đội, phân chia khu vực hoạt động, đề ra những giải pháp tiến hành chiến tranh du kích. Trong hội nghị này, Nguyễn Bình được bầu làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ.

 Trung tướng Nguyễn Bình. Ảnh tư liệu

Trung tướng Nguyễn Bình. Ảnh tư liệu

Để có được sự thống nhất ấy, ngay khi đặt chân tới Nam Bộ, Nguyễn Bình đã nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt tình hình, gặp các vị chỉ huy quân sự, như: Huỳnh Văn Nghệ, Tô Ký, Trần Văn Trà..., bàn chuyện thống nhất LLVT để chống Pháp. Và ông đã thuyết phục thành công!

Sau hội nghị quân sự Nam Bộ, Nguyễn Bình quyết định lập các chi đội giải phóng quân, đưa tất cả bộ đội đã có trước đó vào nền nếp. Theo hồi ký của nhà lão thành cách mạng Trần Văn Giàu: Đối với lực lượng bộ đội Bình Xuyên, cuối năm 1945, đồng chí Nguyễn Bình đến thăm sở chỉ huy bộ đội Bình Xuyên và quyết định bổ nhiệm Dương Văn Dương (Ba Dương)-chỉ huy bộ đội Bình Xuyên, làm Khu bộ phó Khu 7. Cũng từ đây, 25 chi đội của nhiều lực lượng, giáo phái đã được Nguyễn Bình thống nhất và có những đóng góp không nhỏ cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ...

Ngoài việc thống nhất các LLVT Nam Bộ, Nguyễn Bình còn phát triển lực lượng cách mạng, quyết định thành lập Trường Quân chính Miền Đông để đào tạo cán bộ quân sự; chỉnh đốn, thống nhất các đơn vị vũ trang, như: Ban Trinh sát Hùng Vương, Ban Trinh sát Quân chính, Ban Vô hình, Ban Trừ gian... thành Ban Công tác thành (lực lượng Biệt động Sài Gòn sau này); xây dựng Tự vệ thành hoạt động phối hợp chặt chẽ với Thành bộ Việt Minh Sài Gòn-Gia Định... Những quyết định của ông mang tầm chiến lược, để lại dấu ấn sâu sắc.

Ghi nhận những đóng góp của Nguyễn Bình, ngày 12-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thụ phong Nguyễn Bình cấp hàm Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1951, trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ, Trung tướng Nguyễn bình bị địch phục kích và hy sinh cuối tháng 9-1951, tại Campuchia. Tháng 9-2000, đội công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình đưa về nước. Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ-Trung tướng Nguyễn Bình được tổ chức trọng thể tại nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Ông được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Nguyễn Bình kéo dài từ xã Phú Xuân đến xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè).

Tầm nhìn chiến lược, khả năng thu phục nhân tâm, tập hợp toàn dân, toàn quân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng tạo sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, thống nhất kháng chiến chống thực dân Pháp của Trung tướng Nguyễn Bình để lại cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt LLVT Quân khu 7 những bài học kinh nghiệm vô giá. Học tập, noi theo vị tư lệnh đầu tiên của LLVT Quân khu 7, Đảng ủy, Bộ tư lệnh và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân khu 7 luôn đề cao tinh thần đoàn kết, coi trọng công tác dân vận, tập hợp các nguồn lực xã hội chăm lo củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

YẾN LONG (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nho-ve-vi-tu-lenh-dau-tien-646119