Nhớ vị Tết xưa
Trong mỗi chúng ta, đặc biệt trong những ngày Tết đong đầy cảm xúc, có một nơi chúng ta luôn đau đáu, khắc khoải nhớ về, đó là miền ký ức hương vị Tết xưa.
Trong ký ức, hồi tôi còn nhỏ, nông thôn nghèo lắm, hiếm hoi mới có nhà có "của ăn của để" và muốn mua thứ nọ vật kia cũng phải dành dụm, đong đếm mới dám mua. Song song với việc tích cóp tiền bạc, các gia đình phải tích cóp lương thực như gạo nếp ngon, đậu, lạc, vừng, nuôi đàn lợn, đàn gà để chuẩn bị cho Tết.
Vì là con út, nên mỗi Tết đến tôi luôn được mẹ "ưu ái" cho đi chợ chọn lá dong về gói bánh, xách đồ cho mẹ. Nhưng tôi thích nhất vẫn là hàng quần áo. Cứ tới Tết là chị em tôi mỗi người được mua 1 bộ quần áo mới. Được vận thử, hít hà mùi vải mới, từng li quần áo thẳng tắp khiến tôi rất háo hức. Thậm chí, để giữ nguyên "vị" quần áo mới, chị em chúng tôi còn bảo nhau đừng giặt. Chỉ tiếc, lâu rồi, không còn được tận hưởng cái cảm giác háo hức khi được mặc trên mình bộ quần áo mới như hồi xưa nữa.
Và như đã thành lệ, sáng ngày 28 tháng Chạp là các gia đình chung nhau mổ lợn. Vì vậy từ sáng sớm nhà nhà tập trung chuẩn bị cho việc gói bánh chưng, nấu thịt đông, làm nem giò, chả. Đỗ, nếp, lạt buộc đã chuẩn bị từ tối hôm trước. Công việc của mấy đứa nhỏ như chúng tôi là lăng xăng phụ việc ông bà, bố mẹ lau sạch lá gói bánh, làm nem.
Chị em tôi thích nhất là khoảnh khắc cả mấy anh chị em quay quần bên bếp củi nấu bánh chưng. Để canh nồi bánh, cả mấy chị em trải chiếu lên rơm rạ cho ấm rồi ngủ luôn cạnh nồi bánh. Thi thoảng, mẹ tôi lại xuống thăm bánh. Mùi than củi hòa quyện với mùi bánh chưng thơm nức mũi khiến dù bao năm xa quê, cứ mỗi lần Tết đến cảm xúc của tôi lại đong đầy như thế.
Mẹ tôi nói, Tết không thể thiếu bánh chưng, nên để nấu bánh chưng ngon, cần cả một sự cầu kỳ. Đặc biệt, gói bánh, buộc bánh cũng phải có nghệ thuật thì bánh mới đẹp và ngon. Người gói phải làm sao cho bánh có độ lỏng vừa phải thì mới chín đều và không sống, không nhão. Người buộc cũng vậy, phải giữ cho vừa độ, không lỏng nhưng cũng không được chặt quá.
Ngày 29, 30 Tết thì cả nhà cùng nhau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trang trí từng cành đào, cây quất Tết. Ngày đó, nhà nào có cành đào và cây quất trang trí là “ăn Tết to”, như cả năm đủ đầy.
Với tôi, thiêng liêng nhất vẫn là bữa cơm đầu năm, sáng ngày mùng 1 Tết. Vẫn là bữa cơm gia đình, nhưng bữa cơm đầu năm thật đặc biệt. Ông tôi nói, đi đâu thì đi, làm gì thì làm, cả nhà phải quây quần ăn cơm xong rồi mới đi. Bữa cơm đầu năm nó thể hiện sự đoàn tụ, cả gia đình thể hiện sự quan tâm, yêu thương dành cho nhau trong những khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới.
Ngày nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người vẫn hoài niệm về Tết xưa vì sự thay đổi của xã hội. Đôi khi khoảng cách thế hệ, tư tưởng khiến quan niệm "Tết nay Tết xưa" thêm cách biệt.
Tết nay thay vì tất bật chuẩn bị các nguyên liệu gói bánh chưng, bánh tét thì nhiều gia đình chọn "đặt mua" vì nhanh và tiện, họ không ăn Tết ở nhà, mà đi du lịch đây đó… Dù không khí Tết không còn được như xưa, nhưng đó là sự thay đổi thuận tự nhiên của xã hội.
Và với tôi, Tết là thời điểm để chúng ta nhớ về nguồn cội, Tết là thời khắc chứa đựng không gian văn hóa của quá khứ, hiện tại và tương lai gộp lại.
Ai đã từng trải qua những cái Tết quê xưa mới thấy hết được giá trị của nó. Tết không chỉ đơn thuần là dịp để mọi người nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm dài miệt mài lao động mà Tết còn là một lễ hội ghi đậm dấu ấn về bản sắc và bề dày văn hóa truyền thống giàu tính nhân văn của dân tộc Việt bởi những phong tục trong ngày Tết xưa luôn mang ý nghĩa tốt đẹp về sự gắn kết cộng đồng, của tình bạn bè thân hữu với lòng hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, bố mẹ.
Tết đang dần thay đổi nhưng có lẽ dù Tết này hay Tết xưa thì qua từng giai đoạn Tết xưa vẫn được gìn giữ cho đến tận hôm nay. Là nét văn hóa không thể bất biến khi xã hội vận động, Tết cũng sẽ thay đổi cùng dòng chảy thời gian với quy luật riêng của nó.
Dù đã trải qua nhiều thập kỉ, cuộc sống xã hội đã thay đổi rất nhiều, nhưng với tôi những phong tục của Tết quê xưa vẫn tồn tại mãi mãi trong tâm thức.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nho-vi-tet-xua-302897.html