Nhớ xưa 'Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa'

Dạo đầu thế kỷ XX, dân gian ở Nam Kỳ lục tỉnh quen câu 'Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa' để chỉ việc giao thông đi lại và bất động sản liên quan đến hai nhân vật gốc Hoa nổi tiếng thời ấy: Chú Hỷ và chú Hỏa.

Theo thông tin trong Sài Gòn năm xưa (Vương Hồng Sển), chú Hỷ có tàu chạy khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh; sông rạch nào có tàu Tây là nơi đó có tàu của chú Hỷ chạy. Điểm ưu là giá vé lại rẻ hơn tàu Tây, tiền cơm nước cũng nhẹ hơn, duy có giờ giấc thì không chuẩn bằng tàu Tây. Riêng về chú Hỏa lại thú vị hơn nhiều.

Trở thành đại phú từ nghề… cầm đồ

Dạo đầu thế kỷ XX, chẳng những dân gian gọi “Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa” để chỉ những sự phổ biến về di chuyển, bất động sản liên quan chú Hỷ, chú Hỏa, mà với riêng chú Hỏa, khi nói về các đại phú còn có câu “Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích”.

Chân dung Hui Bon Hoa. Ảnh: TƯ LIỆU

Chân dung Hui Bon Hoa. Ảnh: TƯ LIỆU

Trước hết nói về xuất thân của chú Hỏa, được nghiên cứu Văn bia Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cứu và giới thiệu (Phạm Ngọc Hường) cho hay chú Hỏa có tên thật là Hui Bon Hoa 黃文華 (Hoàng Văn Hoa) (1848-1901), tên khác là Tú Vinh, tên hiệu là Tình Nham, nguyên quán ở Nam An, sau chuyển đến sống ở Hạ Môn, Phúc Kiến. Ông đến Việt Nam lập nghiệp năm 20 tuổi.

Do đâu mà chú Hỏa lại giàu có đến vậy? Thì đây, Vương Hồng Sển cho hay: “Sơ khởi chú Hỏa nghe đâu hùn hiệp với một người Pháp bao thầu khuếch trương các tiệm cầm đồ (Mont de píeté) trong Nam Kỳ”.

Dãy nhà phố đối diện Công viên Quách Thị Trang thời thuộc Pháp được xây dựng bởi gia tộc chú Hỏa. Ảnh: TƯ LIỆU

Dãy nhà phố đối diện Công viên Quách Thị Trang thời thuộc Pháp được xây dựng bởi gia tộc chú Hỏa. Ảnh: TƯ LIỆU

Cộng tác với người Pháp làm ăn, buôn bán, lại như Sài Gòn năm xưa cho biết ông còn nhập Pháp tịch, bởi vậy “ông được người Pháp hỗ trợ nên trong hoạt động kinh doanh, mở mang sự nghiệp rất thuận lợi. Gia tộc của ông hầu như thâu tóm thị trường kinh tế Sài Gòn và cả vùng đất Nam bộ” - theo lời Văn bia Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cứu và giới thiệu cho biết.

Trong gia sản đồ sộ của chú Hỏa, trước nhất phải kể đến món bất động sản làm nên tên tuổi của ông.

"Ở nhà chú Hỏa"

Khi in tác phẩm Sài Gòn năm xưa vào năm 1960, Vương Hồng Sển có ghi: “Hiện nay, phố xá Sài Gòn một phần lớn là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ”. Cụ thể, số liệu, Văn bia Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cứu và giới thiệu cung cấp thông tin như sau:

“Trong thời kỳ cực thịnh, hầu như con phố nào ở Sài Gòn - Gia Định họ đều có những tòa nhà, căn hộ của gia tộc Hui Bon Hoa cho thuê. Trong toàn thành phố có khoảng hơn 200.000 bất động sản cho thuê thì có tới 40.000 căn thuộc sở hữu của gia tộc Hui Bon Hoa”.

 Khách sạn Majestic do gia tộc Hui Bon Hoa xây tặng thành phố Sài Gòn. Ảnh: TƯ LIỆU

Khách sạn Majestic do gia tộc Hui Bon Hoa xây tặng thành phố Sài Gòn. Ảnh: TƯ LIỆU

Những bất động sản kể trên, phải kể đến khu đất Hậu Phương Lan, được xem là nơi phát lên của chú Hỏa. Đất này, chính là khu vực Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hiện nay. Nơi văn bia “Hoàng Trọng Huấn mẫu Trịnh Thái phu nhân mộ chí minh” (Phạm Ngọc Hường trích dịch) có đoạn cho biết điều ấy:

“Trong nước Việt có khoảnh đất gọi là Hậu Phương Lan, dài rộng hơn mười nghìn thước, để hoang vu đã lâu mà không người biết… Hoàng Văn Hoa biết rằng sau này nó sẽ trở thành khu trọng yếu của giới thương nhân nên đã có ý muốn có được nó…

Thế là chặt cỏ cắt lá, sửa sang bờ đất, lâu dần rồi cảnh tượng thay đổi, tiếng xe ngựa chạy, đường ray thông tứ hướng, bỗng chốc trở thành chốn thương trường rộng lớn. Giá đất so với trước kia hoặc tăng năm lần hoặc tăng tới 10, 100 lần”.

 Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, một trong những bất động sản của chú Hỏa. Ảnh: Traveloka

Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, một trong những bất động sản của chú Hỏa. Ảnh: Traveloka

Để dễ hình dung sự rộng lớn của khu đất ấy, ta xem Từ điển Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (Thạch Phương, Lê Trung Hoa chủ biên) chép: “Ngôi nhà đồ sộ và nguy nga của chú Hỏa chiếm một khu vực rộng nhiều hecta ở quận 1 (cả khu tứ giác Phó Đức Chính - Nguyễn Thái Bình - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette), nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Trung tâm Thông tin triển lãm TP.HCM”.

Từ nơi đất Hậu Phương Lan cùng hoạt động hiệu quả của Công ty Hoàng Vinh Viễn, chú Hỏa cứ thế phất lên rồi trở thành một trong những đại phú hào của đất Nam Kỳ. Và dẫu giàu có nhưng chú Hỏa là một đại phú sống có tình có nghĩa, nên Vương Hồng Sển mới có câu “công ty nầy được tiếng là rất “biết điều” và không co xách, làm khó người mướn phố”.

Đồng thời, chú Hỏa còn chia sẻ với cộng đồng nhiều việc công ích như ghi chép của Justin Corfield trong Từ điển lịch sử Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh (nguyên tác Historical Dictionary of Ho Chi Minh City) cho biết chú Hỏa và các con hiến đất, xây tặng cho chính quyền, cư dân địa phương nhiều công trình. Có thể kể đến khách sạn Majestic, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức, Phụng Sơn tự (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)…

Theo thông tin của Từ điển Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (Thạch Phương, Lê Trung Hoa chủ biên), từ ngày 22-3-1955 về trước, tên của chú Hỏa được đặt cho con đường ở Sài Gòn, là đường Lý Thái Tổ hiện nay. Đường mang tên Hui Bon Hoa.

TRẦN ĐÌNH BA

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/nho-xua-di-tau-chu-hy-o-nha-chu-hoa-913066.html