Nhọc nhằn 'cõng' chữ lên non
Có đi, có gặp mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người giáo viên cắm bản. Họ đến đây chỉ với ước nguyện đem ánh sáng và tri thức cho những trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cô giáo Hà Thị Hằng với học sinh của mình ở điểm trường Cha Khót.
Vượt qua những cung đường trơn trượt, heo hút chúng tôi vào bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện biên giới Quan Sơn khi bóng chiều đang xuống. Từ điểm trường chính (xã Na Mèo) đến bản Cha Khót phải mất gần 20km, tại đây hiện chỉ có hai nữ giáo viên cắm bản, đó là cô Vi Thị Chuyên và Hà Thị Hằng.
Cha Khót là điểm trường xa xôi, hẻo lánh, đường đi lại khó khăn, những ngày nắng ráo còn đỡ nhưng ngày mưa thì vất cả vô cùng.
Nhà hai cô giáo Vi Thị Chuyên và Hà Thị Hằng đều ở xã Trung Hạ (Quan Sơn), cách điểm trường Cha Khót ngót nghét trăm cây số. Vì thế, vào cuối mỗi tuần nếu trời không mưa gió thì các cô tranh thủ về với gia đình của mình. Còn gặp thời tiết không thuận, có khi các cô phải ở lại điểm trường đến cả tháng trời.
Có lẽ, với những cô giáo cắm bản như cô Chuyên, cô Hằng luôn phải oằn mình chống chọi trên những cung đường trơn trượt sau cơn mưa rừng bất chợt không có gì xa lạ nhưng mỗi khi nhắc đến vẫn khiến các cô rùng mình.
Nhớ đến những ngày ảnh hưởng của cơn bão số 3 vào tháng 8 vừa qua, cô Vi Thị Chuyên bộc bạch: “Đợt mưa lũ vừa qua, con đường vào bản bị sạt lở nặng nề nên hai chị em phải nhờ bà con dân bản đưa xe qua suối giúp. Khi vào được đến trường, phòng học của các em, phòng ở của chị em chúng tôi bị thấm dột hết, vì vậy hai chị em phải nhờ phụ huynh học sinh đến sửa sang, che chắn lại mới có phòng cho các em học, cũng như nơi để ngủ. Đó là chưa kể đến việc thiếu nước sinh hoạt... Khó khăn, vất vả là vậy nhưng chúng tôi luôn động viên nhau để cố gắng vượt qua”.
Gia cảnh cô giáo Chuyên cũng rất khó khăn. Trước kia, chồng cô là y tá thôn, bản, nhưng bị bệnh nặng phải đi phẫu thuật nhiều lần nên anh phải nghỉ việc. Vợ chồng cô Chuyên có hai đứa con, một bé gái hiện nay đang học lớp 7, còn con trai đầu lòng sau khi tốt nghiệp THPT, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên cháu không thi vào trường đại học, cao đẳng nào cả, mà đi Hà Nội làm thuê để kiếm tiền phụ giúp mẹ thuốc men cho bố và nuôi em ăn học.
Trước đây, cả cô Chuyên và cô Hằng đều dạy ở Trường Tiểu học Trung Hạ. Cách đây hơn 2 năm, hai nữ giáo viên này được điều động lên công tác ở Trường Tiểu học Na Mèo và vào phụ trách khu Cha Khót. Hơn 2 năm trôi qua, cô giáo Vi Thị Chuyên và Hà Thị Hằng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để gieo chữ ở vùng xa xôi, hẻo lánh ấy. Bởi, ở Cha Khót hiện nay đến sóng điện thoại thôi cũng đang chập chờn, chứ chưa nói đến các điều kiện khác.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Chung Trường Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo, cho biết: “Năm học 2019-2020, điểm trường Cha Khót có 25 học sinh được chia thành 2 lớp ghép: Lớp 1 và 3; 2-4 và 5. Cha Khót là điểm trường xa xôi, hẻo lánh, đường đi lại khó khăn, nên việc hai giáo viên nữ phải vào cắm bản lại càng vất vả gấp bội. Biết là nếu có giáo viên nam vào cắm bản thì các cô giáo đỡ nhọc nhằn hơn nhưng, hiện nay nhà trường đang thiếu giáo viên so với định biên của trường chuẩn quốc gia, nên ban giám hiệu mới phải bố trí giáo viên nữ vào khu lẻ như vậy”.
Chia tay vùng đất Quan Sơn, chúng tôi ngược lên bản Sậy, xã Trung Thành, huyện vùng cao Quan Hóa. Đây là một trong những bản nghèo nhất của huyện, dù chỉ cách trung tâm xã gần 10km nhưng vào được đến bản phải mất cả giờ đồng hồ.
Để đến đây “ươm chữ” cho các em, thầy cô chỉ còn cách cắm bản bởi việc đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Là một trong những người có thâm niên cắm bản, thầy Lò Văn Thơm, trần tình: “Những năm trước, đường sá đi lại hết sức khó khăn nhưng giờ đã đỡ hơn rất nhiều. Ở đây tội nhất vẫn là các em học sinh, trời ấm thì đỡ nhưng những hôm mưa, rét nhìn bọn trẻ thương lắm! Quần áo không đủ ấm, nhiệt độ ngoài trời thường xuống thấp... nhiều hôm thầy trò chúng tôi phải đốt lửa sưởi ngay giữa phòng học, vừa ấm, vừa lấy ánh sáng để học”.
Cũng là một trong những giáo viên cắm bản như thầy Thơm, cô Chuyên, cô Hằng, thầy giáo Phạm Ngọc Tiến, điểm trường Pa Púa, Trường Tiểu học Trung Lý, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, nhớ lại những ngày đầu khi đặt chân đến mảnh đất vùng biên này: “Ngày đầu đặt chân đến đây, cả điểm trường chỉ có một mình, trong căn phòng bằng tranh tre, nứa lá, ngoài tiếng dế kêu ban đêm thầy chỉ biết làm bạn với ngọn đèn dầu. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Ngọc Lặc, cũng là người dân tộc nhưng thời gian đầu ở đây, tôi vẫn bị cô lập vì bất đồng ngôn ngữ bởi đồng bào ở đây đều là dân tộc Mông. Hàng ngày, ngoài việc lên lớp, tôi phải học thêm tiếng Mông, phải mất vài tháng, tôi mới hòa mình được với đồng bào nơi đây. Nhiều lúc chỉ muốn bỏ cuộc nhưng nhìn thấy các em lại không đành lòng. Chúng tôi là nam giới mà còn vất vả vậy chứ nói gì đến chị em phụ nữ”, thầy giáo Tiến bộc bạch.
Dừng một lát, thầy Tiến bảo: “Có những lần mưa gió phải đi bộ hàng chục km phải mất vài ngày mới vào được điểm trường, còn việc đang đi rồi gặp trời mưa phải gửi xe dọc đường là chuyện rất bình thường. Vất vả nhất của các thầy, cô cắm bản là làm thế nào để động viên các em đi học chuyên cần, nhất là sau mỗi dịp nghỉ hè. Có nhiều phụ huynh còn không biết con mình học lớp mấy chứ đừng nói đến chuyện khác”.
Ở nơi này, chuyện các em bỏ học là điều bình thường, đặc biệt khi vào vụ măng hay mùa rẫy. Các em phải theo bố mẹ đi làm rẫy, hay lên rừng hái măng để phụ giúp gia đình. Trước đây, ngoài chuyên môn giảng dạy, các thầy cô còn phải phân công nhau ngoài giờ lên lớp để đi đến từng hộ gia đình vận động các em học sinh đi học lại. Có những gia đình ở xa bên kia núi, thầy cô phải lội bộ cả ngày đường để đi tìm học sinh.
Thế nhưng, khó khăn lớn nhất mà các giáo viên đang công tác tại đây gặp phải là những lúc trời ở đây đổ mưa, sương mù dày đặc, khiến phòng học không có điện, tối om. Những lớp học cũ kỹ, không cửa chắn, không còn đủ sức để che chở cho các cháu. Chưa kể, trình độ học sinh ở đây không có sự đồng đều, để học sinh tiến bộ, các thầy cô còn tự nguyện dạy kèm để các em tiến bộ.
Không chợ, không điện lưới, không sóng điện thoại, đường đất, không có nước sạch... Vì vậy, các thầy, cô giáo lúc nào cũng phải dự trữ cá khô, trứng, mì tôm... bởi nếu mưa dài ngày thì chỉ còn biết ăn rau rừng.
Chia tay những thầy cô giáo vùng cao, ra về trên những cung đường nhão nhoét, nhớ lại câu chuyện của thầy Phạm Ngọc Tiến kể, chúng tôi mới thấm thía thêm những thiệt thòi của các giáo viên cắm bản “trồng người”. Thầy giáo Tiến bảo: “Mỗi dịp hiến chương nhà giáo, các em trên này hiếm khi nhớ đến. Bao nhiêu năm “gieo” chữ chưa bao giờ được nhận một bó hoa đúng nghĩa từ học trò. Nhưng chỉ cần các em đến lớp đầy đủ, chăm chỉ học hành đó chính là món quà vô giá rồi”.
Thật khó có thể nói hết những khó khăn và vất vả của những thầy cô giáo vùng cao, vượt lên gian khó, họ vẫn đang từng ngày cần mẫn ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh để gieo mầm cho những ước mơ. Bằng sự tận tâm, tận lực của mình, họ đã và đang làm cho con chữ dần nảy mầm trong đá.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/nhoc-nhan-cong-chu-len-non/111762.htm