Nhọc nhằn làm thợ săn 'vị ngọt thiên nhiên'
Những hộ dân sống ven rừng, không có đất sản xuất nên chọn những công việc gắn bó với rừng để mưu sinh, trong đó có nhiều người làm thợ săn ong lấy mật - vị ngọt thiên nhiên. Trong lần đi săn ong cùng thợ, anh Nguyễn Ngọc Nghiệp, giáo viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng được học và tập làm thợ săn ong, đến nay anh đeo nghề hơn năm và đã 'bỏ túi' được chút ít kinh nghiệm vào rừng lấy mật ong.
Những người lần đầu theo chân thợ săn ong vào rừng lấy mật, khi ngồi trên chiếc vỏ lãi chạy vòng vèo theo những kênh, rạch, gió trời phả mát vào mặt, và mắt được ngắm nhìn những cánh rừng xanh, không khí trong lành như đánh tan mọi mệt mỏi của những ngày làm việc cực lực và như xả bớt làn khói bụi mà ở chốn nhộn nhịp xe cộ vô tình hít phải ắt sẽ tưởng tượng những câu chuyện đầy thú vị. Họ sẽ nghĩ, khi chiếc vỏ cặp bến, bước lên bờ, thì cứ tập trung quan sát ông thợ săn ong và đi theo hướng tay người thợ chỉ đường, ắt sẽ được “no mắt” thấy tổ ong no mật bự chảng với vô số con ong đang bu đen quanh tổ. Lúc này, người thợ săn ong từ từ phả khói, đàn ong túa ra khỏi tổ để lại chiếc tổ vàng ươm mật, người thợ chỉ cần bước nhẹ lấy tổ ong cho vào túi là xong.
Thế nhưng, công việc săn ong không đơn giản và “ngọt ngào” như hương vị mật ong mà rất cực nhọc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, có khi bị ong đánh sưng mình, vắt cắn, côn trùng đốt và… cả không cẩn thận còn bị rắn cắn. Anh Nghiệp cho biết, chủ yếu khai thác mật ong ruồi tại Phân trường Phú Lợi (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành). Những người khai thác mật ong phải cam kết với phân trường thực hiện phương thức khai thác không làm nguy hại đến đàn ong; phòng, chống cháy rừng trong quá trình lấy mật và đây là lực lượng phát hiện giúp lực lượng chức năng xử lý kịp thời trường hợp xảy ra cháy rừng, nhất là tháng mùa khô.
Khi hỏi về chuyện săn ong, như “gãi đúng chỗ ngứa”, người thầy giáo cứ say sưa kể với giọng điệu đầy thú vị, làm cho người nghe tò mò muốn một lần thử cho biết. Anh phân trần cơ duyên đi “ngược hướng” của mình để học làm thợ săn ong: “Do nhu cầu muốn mua mật ong sử dụng, mà phải là mật tự nhiên mới hay. Có thằng em chuyên đi săn ong, khi hỏi mua nó rủ đi cùng cho vui, đi một lần rồi nghiện luôn. Làm công việc này mới thấy, anh em đi lấy mật ong cực lắm, sáng sớm lùa cơm nhanh vô bụng cho no, rồi mặc quần áo chỉnh tề, vát đồ nghề đi vô rừng lấy mật. Mà vô rừng thì không có đường mòn, phải chen bụi rậm mà đi, ai yếu sức có khi chưa gặp tổ ong đã kiệt sức, đi không nổi. Mùa khô thì đỡ, chứ mưa xuống một cái, vô rừng né cỡ nào về cũng bị vắt cắn. Chưa kể, không cẩn thận có khi bị rắn “nhấp” cho một cái. Thằng em của tôi là thợ chuyên nghiệp, ấy mà còn bị rắn độc để lại dấu răng một lần rồi đó”.
Kể tới đây, anh Nghiệp cười nhẹ, đưa tay sờ vào mặt, tiếp lời: “Cách đây không lâu, tôi cùng thằng em với 2 thằng đồng nghiệp vô rừng, tình cờ thấy tổ ong mật, mà ong mật hung dữ hơn ong ruồi, do không cẩn thận, chúng túa ra đánh cho mấy anh em một trận thương tích đầy người. Thằng em là dân chuyên nghiệp, nên đánh lạc hướng cho đàn ong tập trung vào nó, rồi nó đưa lưng ra chịu trận cho 3 anh em còn lại chạy nhảy xuống kênh thoát thân. Ý là vậy mà tôi cũng bị đánh sưng cái mặt”.
Theo anh Nghiệp, một năm chỉ khai thác mật ong trong 5 tháng, bắt đầu từ tháng 12 (âm lịch), lúc này hoa nở rộ, ong kéo về rừng làm tổ, thời gian sau rơi vào mùa mưa nên chất lượng mật không đảm bảo. Thợ săn ong làm được 5 tháng trong năm rồi “gác đồ nghề” kiếm việc khác mà làm. “Mấy năm trước đây, người ta vô rừng lấy mật để nấu chè ăn chơi. Sau vì lợi ích mật ong mang lại nên nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, mật ong bắt đầu có giá trị. Càng về sau mật ong tự nhiên cũng ít hơn nên giờ giá mật cao hơn trước, mật ong ruồi có giá hơn ong mật. Hiện giờ tôi bán 1 lít mật ong ruồi là 1 triệu đồng, còn giá ong mật thì có thể thấp hơn tầm 300.000 - 400.000 đồng” – anh Nghiệp thông tin thêm.
Thời gian “đi săn” mọi người chọn là 8 giờ sáng đến 1 giờ trưa. Khi vào rừng, chỉ có người thợ chuyên nghiệp mới nhìn và đoán đúng hướng đàn ong đi săn mật, rồi lần theo dấu vết đến tổ ong. Theo anh Nghiệp, ong ruồi thường làm tổ vị trí thấp, nhánh cây nhỏ nên dễ lấy hơn. Tổ ong ruồi thường nhỏ từ 400 – 500 gram, tổ ong lớn nhất tầm 1,7kg. Khi phát hiện tổ ong, chỉ cần xông khói thuốc lá, hay đốt cỏ khô tạo khói là đàn ong túa ra, có khi say khói, nên chỉ cần lấy kéo cắt nhánh cây có tổ ong cho vô thùng là xong. Trung bình, một chuyến đi săn cũng cắt được 8 – 12 tổ mang về.
Anh Nghiệp khoe: “Thằng em tôi đeo nghề này được hơn 10 năm qua, nghề “kiếm cơm” nuôi vợ con đó. Có ngày nó trúng mánh được 2 lít mật chứ ít gì. Những tháng “treo nghề”, nó vô rừng kiếm cá, bắt lươn… cũng bỏ túi chút ít. Nguồn mật 2 anh em săn được thì tôi bán online, giao cho khách quen. Có khách khó tính, muốn kiểm chứng phải mật ong rừng chính hiệu không, đòi theo săn ong, tôi cũng chiều khách dẫn đi luôn”.
Khi hỏi công việc này khá vất vả, lại nguy hiểm, thế nhưng sao không ngăn được những bước chân của người thợ săn ong, anh Nghiệp cười nhẹ: “Tôi xem việc này là trải nghiệm thú vị, rèn luyện thể lực, cái được nhất là bằng sức lao động, mình đem sản phẩm tự nhiên đến tay người tiêu dùng nhưng phải đảm bảo hài hòa giữ gìn nguồn lợi thiên nhiên ban tặng”.