Nhọc nhằn mưu sinh mùa nắng nóng

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt kéo dài, nhưng vì 'miếng cơm, manh áo' mà nhiều người lao động (NLĐ) vẫn phải cần mẫn làm việc ngoài trời dưới nhiệt độ cao, chỉ mong có thu nhập lo cho gia đình.

Công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty CP Môi trường Sonadezi thu gom rác giữa thời tiết oi bức. Ảnh: L.Mai

Công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty CP Môi trường Sonadezi thu gom rác giữa thời tiết oi bức. Ảnh: L.Mai

Chọn nghề xây dựng để mưu sinh, anh Lê Văn Bảy (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) thường bắt đầu công việc từ 6h30 đến 17h hàng ngày. Dưới cái nắng như đổ lửa, anh vẫn không dám chểnh mảng với công việc.

Nặng gánh mưu sinh

Anh Bảy cho biết, đặc thù nghề xây dựng là làm hết công trình này sẽ đến công trình khác, có khi xa nhà vài tháng phải “ăn bụi, ngủ bờ”. Nhưng với anh, lúc này có việc làm là may mắn, bởi vào mùa mưa, phần lớn thợ hồ đều thất nghiệp. Vì vậy, anh phải chịu khó, bất chấp nắng nóng để làm việc kiếm tiền lo cho gia đình.

Anh Nguyễn Ngọc Tiến (quê huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chọn nghề chạy xe công nghệ để mưu sinh sau khi bị thất nghiệp. Mỗi ngày, anh nhận khoảng 8-10 cuốc xe, công việc suốt ngày rong ruổi ngoài đường, chịu nhiều khói bụi, nắng nóng nhưng chưa lúc nào anh nghĩ đến bỏ việc. Anh Tiến cho hay, sau khi nghỉ việc do công ty bị giải thể, anh không tìm được nghề phù hợp nên chạy xe công nghệ kiếm sống trong thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

“Chọn nghề này đôi lúc cũng nguy hiểm, áp lực, nhất là chở khách say rượu, nếu tay lái không vững rất dễ bị ngã. Chưa kể khách câu giờ, không trả tiền hoặc đôi co giá cả... Chật vật là vậy, nhưng nếu không chịu khó thì không có nguồn thu nhập để lo cho con ăn học” - anh Tiến kể.

Trách nhiệm với công việc

5 năm gắn bó với nghề công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty CP Môi trường Sonadezi (thành phố Biên Hòa), dù hàng ngày đối diện với mùi rác thải hôi thối nhưng anh Vũ Đình Tuyền chưa bao giờ chểnh mảng. Dưới cái nắng chói chang của những ngày tháng 4, anh và các đồng nghiệp vẫn đến từng con hẻm, ngõ ngách gom rác và chở đến nơi tập kết.

Anh Tuyền cho biết, nếu ai cũng chê công việc vất vả thì làm sao mang lại môi trường trong sạch cho xã hội. Với suy nghĩ đó, anh luôn làm trọn trách nhiệm được giao, dù mùa nắng hay mưa, anh vẫn len lỏi trên các tuyến đường để thu gom rác thải cho người dân.

Thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động tự do, nhất là thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19. Ngoài ra, động viên các chủ nhà trọ giữ nguyên giá thuê để chia sẻ khó khăn với những trường hợp bị ảnh hưởng việc làm. Tuy nhiên, là địa phương tập trung nhiều lao động trong cả nước về mưu sinh nên việc hỗ trợ chưa đến hết được với mọi trường hợp.

“Công việc vất vả nhưng được công ty động viên, chế độ chăm lo tốt nên chúng tôi có thêm động lực để yên tâm gắn bó với nghề” - anh Tuyền chia sẻ.

Mỗi ngày, khi trời vừa hửng sáng là bà Trần Thị Mười (65 tuổi, ngụ phường An Bình, thành phố Biên Hòa) lại đẩy xe lăn chở con trai khuyết tật đi bán vé số.

Bà Mười cho biết, sau khi chồng mất, bà ở vậy nuôi con. Nhà bà có 3 người con nhưng không may người con trai thứ 2 bị khuyết tật phải nằm một chỗ. 2 người con còn lại của bà làm công nhân nên cuộc sống không mấy khá giả.

Hiện bà Mười sống với con trai ở phòng trọ. Những năm qua, bà được các mạnh thường quân hỗ trợ thực phẩm, tiền thuê nhà trọ nên đỡ đần được phần nào khó khăn. Theo bà Mười, hiện sức khỏe bà không được như trước, lại làm nghề bán vé số dưới thời tiết nắng nóng nên nhiều hôm bà bị tái phát nhiều bệnh. Dù vậy, vì cuộc sống mưu sinh, vì kiếm tiền nuôi con, bà vẫn kiên trì đeo bám nghề.

Dẫu biết làm việc ngoài trời nắng khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì gánh nặng mưu sinh, những NLĐ như anh Bảy, anh Tiến, bà Mười vẫn phải miệt mài bươn chải để mong có thu nhập lo cho bản thân và gia đình. Với họ, nắng nóng có thể khiến cuộc mưu sinh mệt nhoài, nhưng đổi lại họ sẽ có một khoản thu nhập ổn. Còn nếu nghỉ việc một ngày, đồng nghĩa với khẩu phần ăn cũng vơi đi và cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

Ông Mai Diền, chủ nhà trọ tại phường Tam Hòa (thành phố Biên Hòa), cho hay nhà trọ của ông hiện có 20 lao động sinh sống, có những người ở trọ trên 10 năm. Trong số này, có nhiều lao động tự do làm nghề bán trái cây dạo, bán nước mía hoặc bốc vác hàng hóa. Từ sau đại dịch Covid-19, đời sống của họ khó khăn hơn. Để chia sẻ, ông Diền thường xuyên hỗ trợ thực phẩm, động viên lao động xa quê vượt khó, sớm ổn định cuộc sống.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202404/nhoc-nhan-muu-sinh-mua-nang-nong-1d4580c/