Nhọc nhằn nghề báo

Nếu không làm nghề, nhiều người cho rằng nghề báo là nghề nhàn hạ mà hiển vinh. Quả thật, rất vinh quang, nhưng phóng viên phải trải qua nhiều vất vả, nhọc nhằn, thậm chí là nguy hiểm để có được những tác phẩm báo chí chất lượng đến với công chúng. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, có đôi dòng trải lòng về nghề báo chúng tôi.

Tây Bắc, địa bàn tác nghiệp của cánh báo chí địa phương chúng tôi thì gian nan nhiều thứ. Nhiều tuyến đường đến với các bản vùng sâu, vùng cao, vùng xa, biên giới đều gập ghềnh, quanh co, với những con dốc “chồn vó ngựa”, một bên là vực sâu thẳm... 20 năm gắn bó với nghề báo, tôi không nhớ hết đã đi đến được bao nhiêu bản vùng cao, vượt qua bao nhiêu ngọn núi trọc trời, cũng không nhớ nổi đã bao lần xuyên rừng để điều tra những vụ phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép.

Phóng viên thực hiện phóng sự điều tra.

Phóng viên thực hiện phóng sự điều tra.

Còn nhớ, lần thực hiện loạt bài điều tra về khai thác khoáng sản trái phép ở huyện Mai Sơn, chúng tôi phải “cải trang”, rồi thâm nhập địa bàn hàng tháng trời để có những hình ảnh, video clip chân thực nhất và thông tin chính xác nhất đưa đến bạn đọc. Chúng tôi phải chui sâu vào hầm của “vàng tặc” để lấy hình ảnh, cửa hang chỉ vừa một người chui vào, càng vào sâu càng thấy độ nguy hiểm bởi hang chỉ được chống đỡ sơ sài bằng những cây gỗ nhỏ có thể sập bất cứ lúc nào, hoặc cũng có thể có những đối tượng đang ở bên ngoài hang, muốn xóa dấu tích đã ghi nhận được của chúng tôi thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Lúc chuẩn bị vào cũng lo lắm, nhưng trách nhiệm và tình yêu nghề đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Trong hang, chúng tôi chỉ có thể đi trong tư thế ngồi vì hang quá thấp. Mọi người cứ lùi lũi tiến sâu vào, ghi lại hình ảnh trong mọi ngóc ngách của hang. May cho chúng tôi, lần đó đã không gặp bất trắc nào.

Quay về cơ quan, nhưng vẫn chưa hài lòng về những hình ảnh đã có, nhất định phải có hình ảnh đối tượng đang khai thác thì mới có giá trị và khiến họ tâm phục, khẩu phục. Mấy hôm sau, chúng tôi quay lại hiện trường, ẩn nấp thật kỹ ở quả đồi đối diện cách khu mỏ để quay, chụp lại hoạt động của “vàng tặc”. Và chúng tôi đã thành công, bài viết đã được bạn đọc ghi nhận, sự việc cũng đã được các cơ quan chức năng xử lý.

Hoặc trong một lần thâm nhập hiện trường khai thác gỗ trái phép trên địa bàn huyện Mộc Châu, tôi cũng phải “cải trang” và thật may lại được chính “lâm tặc” dẫn đến hiện trường xẻ gỗ. Lần ấy, phải vượt qua cả chục cây số đường rừng, với núi đá tai mèo sắc nhọn, vừa vượt núi, vừa phải âm thầm tác nghiệp, bởi nếu chỉ chút sơ hở là tôi có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.

Sau vài tiếng vượt rừng, tôi đã đến hiện trường. Trước mắt tôi la liệt gỗ đã được xẻ thành hộp, ván. Tiến sâu thêm trong rừng, có 3 đối tượng đang ngang nhiên xẻ gỗ. Thấy sự có mặt của người lạ, họ nhìn tôi bằng con mắt nghi ngờ, tay đặt lên con dao dắt ngang hông. Sau vài câu giải thích đánh lạc hướng, tôi đã quay trọn hình ảnh đó mà họ không hề biết. Ngay hôm đó, tôi đã làm việc với cơ quan chức năng huyện, vụ việc cùng các đối tượng cũng đã bị xử lý. Rồi, phát hiện ra tôi là nhà báo, họ đã “mò” ra số điện thoại nhắn tin, gọi điện dọa sẽ tìm và xử lý...

Trong lần gần đây nhất, chúng tôi cũng thực hiện bài điều tra về khai thác gỗ trái phép. Hôm ấy, đúng 6h sáng, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, người dẫn đường đã sẵn sàng. Nhưng thật không may, trời đổ cơn mưa tầm tã. Thoáng một chút lo ngại, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm lên đường. Ngay từ bước chân đầu tiên vào rừng, lũ vắt khát máu bám riết lấy chúng tôi. Cứ thế, chúng tôi lùi lũi xuyên rừng; nhiều đoạn, cơn mưa rừng đã làm mất lối, nên anh em phải mở lối đi khác, cả đoàn bị mưa lạnh làm ướt hết quần áo.

Đến tận 17h, thiết bị đo quãng đường báo chúng tôi đã đi được 15 cây số, cũng đúng lúc này, chúng tôi phát hiện ra bãi xẻ gỗ mới tinh. Sau khi lấy đủ hình ảnh, chúng tôi dựng lều để ngủ qua đêm. Đây không phải lần đầu tiên tôi ngủ trong rừng, nhưng là lần đầu tiên tôi ngủ trong rừng dưới trời mưa tầm tã. Gió gào thét trên ngọn cây, nước suối dữ dội. Chỉ lo những cây cổ thụ già cỗi đổ xuống bất cứ lúc nào, cái lo nữa là không biết mai có thể quay về được không?...

5h sáng hôm sau, mưa rừng đã ngớt, sau bữa sáng chúng tôi tiếp tục lên đường. Chỉ trong buổi sáng, cả đoàn đã ghi nhận hàng chục bãi xẻ gỗ khác. Về đến chỗ nghỉ ở huyện, đồng hồ chỉ 19h. Chân tay mỏi dã rời, tôi và đồng nghiệp chẳng kịp ăn cơm, cũng không kịp tắm mà cứ thế ngủ quên từ lúc nào không biết. Hôm sau, qua tìm hiểu thì mới biết trong rừng đó có nhiều đối tượng nghiện ma túy được thuê để vác gỗ, họ trốn tránh cơ quan chức năng cũng ở trong khu rừng này, rất manh động; trước đây, cũng đã có đối tượng dùng súng chống trả lại lực lượng chức năng. Chúng tôi đã gặp may mắn và thầm nghĩ rằng, chính cơn mưa rừng đã che chở cho chúng tôi.

Đó chỉ là 3 trong nhiều đợt đi thực hiện các phóng sự, điều tra của phóng viên. Sau những loạt bài ấy, những đối tượng, vụ việc mà dư luận quan tâm đều được xử lý và được nhân dân ghi nhận; những khó khăn, vất vả của các bản vùng cao đều được các cấp, ngành quan tâm giải quyết. Nghề báo chúng tôi là vậy đấy, tự thân tác nghiệp, thiếu thốn đủ bề, nguy hiểm luôn rình rập, lắm nhọc nhằn, nhưng luôn xứng với 6 chữ “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Vũ Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhoc-nhan-nghe-bao-51124