Nhọc nhằn nghề cào hến

Cứ đến khoảng tháng 4, người dân vùng thung lũng sông Yun (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) lại rủ nhau đi cào hến. Dù chỉ là mưu sinh tạm thời nhưng việc cào hến cũng mang lại một khoản thu nhập kha khá cho người dân trong vùng vào mùa nước cạn.

Theo chân chị Kpă H’Nga (làng Plei Ring Đáp), chúng tôi men theo con đường đất nhỏ dọc cánh đồng làng khoảng 2 cây số để tới khu vực sông Yun. Sông mùa này cạn đi nhiều, nước trong vắt, lững lờ trôi. Hến ở sông Yun được nhiều người ưa chuộng vì vị ngon, ngọt mà không tanh mùi bùn. Do vậy, vào thời điểm này, mọi người tập trung cào hến ở đây rất đông.

Chị Kpă H' Nga miệt mài cào hến trên sông. Ảnh: V.C

Chị Kpă H' Nga miệt mài cào hến trên sông. Ảnh: V.C

Công việc cào hến bắt đầu từ 8 giờ cho đến tận 14 giờ. Đồ dùng chỉ gói gọn trong 3 thứ: 1 chiếc rổ nhựa, 1 cái cào và 1 chiếc gùi. Chiếc cào được làm bằng khung sắt có gắn lưới, phía trên là thanh tre dài làm tay cầm. Miệng chiếc cào có những thanh sắt nhọn giúp cào sâu xuống bùn cát. Chị H’Nga chỉ dẫn: “Muốn bắt được hến phải miết mạnh cào xuống, kéo giật lùi khoảng 2 m rồi nhấc lên, xóc cho rời hết cát và đá nhỏ, sau đó đổ ra rổ đãi, chọn lấy hến bỏ vào gùi. Công việc cứ thế không lúc nào ngơi tay. Khi gùi đầy hến cũng là lúc trời đã chuyển sang chiều”.

Tham gia cào hến đã 5 năm nay, chị H’Nga cho biết: Gặp bãi nhiều hến thì một người có thể cào được 20 kg mỗi ngày, nhưng có hôm chỉ 5-6 kg. Đầu mùa giá hến dao động trong khoảng 12.000-15.000 đồng/kg thì cũng kiếm được khoảng 250-300 ngàn đồng/ngày. Nhưng khi mùa hến rộ, giá chỉ còn khoảng 8.000 đồng/kg thì thu nhập chẳng đáng là bao. Chị Nay H’Blanh-một người cùng làng-chia sẻ: “Do có nhiều người cào nên hến ngày càng ít, phải đi xa mới có. Nhiều hôm đi bộ mất cả giờ đồng hồ mới tới địa điểm cào hến nhưng kéo lên chỉ toàn đá chứ hến chẳng bao nhiêu”.

Bắt hến là việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra rất vất vả vì đòi hỏi người cào hến phải có sức khỏe dẻo dai, vừa chịu được cái lạnh khi phải ngâm mình dưới nước cả ngày, vừa hứng cơn nắng hè rát lưng, rát mặt. Chưa kể, họ còn dễ bị mẩn ngứa, đau lưng, thấp khớp, giẫm phải vật sắc nhọn làm rách da, chảy máu và những rủi ro khác. Nhọc nhằn là thế nhưng đây là nghề kiếm sống không cần bỏ vốn, chỉ cần bỏ công đãi hến đem về làng là có người tới thu mua ngay nên bao năm qua người dân nơi đây vẫn gắn bó.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/202004/nhoc-nhan-nghe-cao-hen-5676970/