Nhọc nhằn nghề gác chắn tàuTin khácQuy định 37 về những điều đảng viên không được làm: Lăng kính để đảng viên tự soi, tự sưảTiêm nhắc lại mũi 3 vắc xin COVID-19: Đảm bảo an toàn, nhanh chóng, hiệu quả

Nghề gác chắn tàu tưởng chừng như đơn giản, nhàn hạ nhưng ẩn đằng sau là bao vất vả, trách nhiệm nặng nề.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 2 tuyến đường sắt với chiều dài khoảng 123 km, gồm: tuyến Hà Nội – Đồng Đăng dài 93 km; tuyến Mai Pha – Na Dương dài trên 30 km. Trên các tuyến này hiện có 19 đường ngang có gác chắn.

Chúng tôi có mặt tại trạm gác chắn (km 144+826 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, thuộc cung Yên Trạch) trên đường Hùng Vương, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn đúng lúc có tàu chuẩn bị đi qua. Khi nhân viên trực điện thoại tại gác chắn thông báo với đồng nghiệp, mọi người nhanh chóng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn người và các phương tiện tham gia giao thông qua lại để đảm bảo an toàn. Công việc tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng chỉ những người trong nghề mới hiểu được hết những vất vả hằng ngày mà họ luôn phải thực hiện.

Nhân viên gác chắn Công ty đường sắt Hà – Lạng làm nhiệm vụ tại trạm gác km 150 +431 trên tuyến Hà Nội – Đồng Đăng

Nhân viên gác chắn Công ty đường sắt Hà – Lạng làm nhiệm vụ tại trạm gác km 150 +431 trên tuyến Hà Nội – Đồng Đăng

Chị Vi Thị Thu Thủy, nhân viên gác chắn cung Yên Trạch chia sẻ: Tôi đã có 12 năm trong nghề. Hằng ngày, mỗi nhân viên tại trạm gác được bố trí làm luân phiên ca ngày và ca đêm, mỗi ca kéo dài 12 tiếng. Cụ thể, ca ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối; ca đêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Chúng tôi phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ: nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận sổ nhật ký giờ đến, đi của tàu; bật đèn tín hiệu, kéo chắn để ngăn các phương tiện đường bộ nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện, tính mạng người tham gia giao thông.

Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng trách nhiệm của những người gác chắn rất nặng nề và cũng nhiều lần họ gặp những tình huống bất ngờ khi nhiều người cố tình vượt chắn, bất chấp tín hiệu cảnh báo để qua đường. Thậm chí nhiều người còn dùng những lời lẽ không chuẩn mực để chửi bới, đe dọa hành hung khi nhân viên gác chắn làm nhiệm vụ… Rồi những đêm muộn, những công nhân gác chắn luôn phải đề phòng đối phó với những thanh niên nghiện ngập, hút chích, say xỉn…

Chị Hà Thị Ngân, nhân viên trạm gác chắn km 153 + 088 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng tại đường Trần Đăng Ninh, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhiều hôm, trời mưa to gió lớn, chúng tôi vẫn phải chăm chăm canh gác chắn để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Mỗi ca trực thường kéo dài 12 tiếng, trung bình một ngày có từ 10 đến 12 lượt tàu ngược xuôi. Những chuyến tàu chạy không cố định, có hôm chạy vào ban đêm nhiều nên phải tập trung cao độ để làm tốt nhiệm vụ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: ngoài việc khó khăn, vất vả của công việc “gác chắn tàu” như 2 công nhân trên thì thu nhập của những công nhân này cũng khá thấp, điển hình như chị Thủy đã có 12 năm công tác nhưng mỗi tháng lương chưa tới 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, nghề gác chắn tàu không chỉ ẩn chứa nhiều hiểm nguy mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe khi trạm gác nằm gần khu vực đông dân cư, xe cộ qua lại đông đúc, thường xuyên gây ra ô nhiễm không khí và âm thanh…

Anh Trần Trọng Đoàn, Đội trưởng Đội quản lý kỹ thuật an toàn 3, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà – Lạng chia sẻ: Hiện nay, nhân viên gác chắn trên địa bàn tỉnh có 70 người, làm việc tại 19 đường ngang, trên 14 cung đường và 3 cung cầu, hầm. Công việc của người gác chắn tàu khá vất vả, bởi họ làm việc cả ngày nắng cũng như mưa, ngày lễ cũng như ngày thường. Thu nhập mỗi tháng của những người gác chắn tàu thấp, chỉ từ 4 đến 6 triệu đồng. Để giảm bớt những khó khăn, vất vả đó, hằng tháng, quý, năm, công ty đều có những chế độ khen thưởng, động viên và ưu tiên bố trí nghỉ bù vào những ngày thuận lợi nhất cho cán bộ, nhân viên làm công việc gác chắn…

Cuối mỗi ca trực, nhìn gương mặt ánh mắt mệt mỏi, hố mắt thâm quầng vì mất ngủ, làn da sạm đi vì nắng, gió của những nhân viên gác chắn tàu, chúng tôi mới hiểu công việc mà họ làm vất vả đến nhường nào. Để đảm bảo bình yên, sự an toàn cho mỗi chuyến tàu đi qua và sự an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông tại khu vực đường ngang giao với đường sắt, những nhân viên gác chắc đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vất vả, tập trung cao độ, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất.

HOÀNG CƯỜNG

PHƯƠNG VY

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-thong/475444-nhoc-nhan-nghe-gac-chan-tau.html