Nhọc nhằn nghề hái dứa thuê

Dưới cái nắng 'như thiêu, như đốt', những người lao động ở xứ Thanh vẫn miệt mài 'đội nắng' hái dứa để kiếm thêm thu nhập.

Những ngày này, người dân các huyện Hà Trung, Yên Định, Thạch Thành, thị xã Bỉm Sơn… đang hối hả vào vụ thu hoạch dứa.

Trên khắp các cánh đồng, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người lao động đang “đội nắng” để thu hoạch dứa.

Mỗi tổ “lao động” sẽ có khoảng 20-30 người. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau trong tỉnh như: Thạch Thành, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn…

Theo những người hái dứa thuê, mỗi tổ có thể thu hoạch từ 50-60 tấn/ngày. Tùy vào khối lượng, người lao động có thu nhập trung bình từ 300.000-500.000 đồng/ngày, có ngày nhiều cũng thu nhập khoảng 700.000 đồng. Công lao động có thể lên xuống tùy thuộc vào giá dứa cao hay thấp.

Mỗi gùi dứa nặng từ 60-90kg nên chỉ nam giới có sức khỏe mới làm được những công việc nặng nhọc này.

Còn chị em phụ nữ sẽ làm công việc hái dứa tại ruộng.

Ông Nguyễn Sỹ Thanh (49 tuổi), thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định cho biết: "Thời điểm thu hoạch phụ thuộc vào thương lái. Có hôm chúng tôi thu hoạch từ 7h sáng, nhưng có những hôm mãi 11 – 12h trưa là chuyện bình thường. Công việc này khá vất vả nhưng cũng có thu nhập”.

Sau thời gian lao động vất vả, họ tranh thủ nghỉ ngơi để lấy lại sức.

Cây dứa có rất nhiều gai nên việc thu hái rất vất vả và gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, người hái dứa yêu cầu phải có sức khỏe dẻo dai và có kỹ thuật.

Khi thu hái, họ phải đeo nhiều lớp găng tay, thậm chí là dùng găng tay cao su mới có thể làm được.

Sau khi hái xong, dứa được gùi lên xe tải để đi tiêu thụ.

Khi việc thu hoạch dứa kết thúc, họ lại được thuê trồng, làm cỏ, chăm sóc dứa…

Dứa gần như được thu hoạch quanh năm, nhưng thị trường đầu ra vẫn chủ yếu là tự phát.

Được biết, tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng trên 3.000 ha đất trồng dứa, tập trung tại các huyện Yên Định, Thạch Thành, Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn, Ngọc Lặc.

Hoài Thu – Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa-doi-song/nhoc-nhan-nghe-hai-dua-thue/20086.htm