Nhọc nhằn nghề muối thủ công

Trưa nắng, người làm muối ở thôn Lệ Uyên (xã Xuân Phương) dùng bàn cào gạn muối. Ảnh: LÊ TRÂM

Làng muối Tuyết Diêm (xã Xuân Bình) và Lệ Uyên (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) có truyền thống hàng trăm năm. Việc làm ra được hạt muối là cả một quá trình kỳ công và lắm nhọc nhằn của diêm dân.

Phơi mình trong nắng

Vùng sản xuất muối Sông Cầu nổi danh với cái tên Tuyết Diêm - muối trắng như tuyết. Để muối trắng như tuyết đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn. Hàng ngày, diêm dân phải rang mình trên những cánh đồng muối trắng giữa nắng trời chang chang.

Kể về công đoạn làm muối truyền thống, bà Trần Thị Hoa ở làng muối Tuyết Diêm cho hay: Ban đầu diêm dân lấy nước biển vào chứa trong đám ruộng đầu tiên, sau đó san qua đám thứ hai gọi là đám nuôi mặn. Từ đám nuôi mặn có mương nước dẫn qua đám chịu, lắng cho nước biển sắc lại. Khi đám chịu đội muối, tức là nước kết tủa thì tháo nước sớt qua đám ăn, còn gọi là đám kết tinh muối. Công đoạn làm muối truyền thống như vậy diêm dân gọi là dây ruộng.

Cũng theo bà Hoa, vùng này có người làm 8 dây ruộng, tức là 8 đám ăn, kết tinh muối. Mấy năm trước trời yếu nắng, phải mất 5-6 ngày mới kết tinh muối. Còn năm nay nắng gắt, chỉ 3 ngày cào được một lứa muối. Với 8 đám ăn, người làm muối quay như chong chóng mới kịp các công đoạn. “Vì vậy, dù giữa trưa nắng, diêm dân cũng phải phơi mình dưới cái nắng nhá lửa để làm muối”, bà Hoa nói.

Bước vào vụ muối mới, diêm dân thường cuốc xới ruộng rồi dùng chồ dồ, là một khúc gỗ dẹp láng mặt, tra cán vào rồi bắt lớp đầm mạnh tay cho dẽ đất và bằng mặt ruộng. Để mặt ruộng bằng phẳng, phải nhấc chồ dồ đầm hàng trăm lần. Khi đầm da ruộng muối thì mang dép trên. Loại dép này dùng miếng xốp hoặc miếng cao su to bằng tấm thớt luồn quai bằng vải ôm sát bàn chân, để khi lội đầm mặt ruộng không bị lún. Nghề này ai cũng phải mang dép trên, nếu không thì bàn chân lún đất, phải đầm đi đầm lại rất tốn công.

Nghề muối chỉ làm được trong mùa nắng. Trời càng nắng càng tốt, như thế sẽ tạo ra những hạt muối tinh trắng, độ mặn cao hơn. Năm nay được mùa nắng, ruộng bắt muối nhanh, sản lượng đạt cao. Bà Bùi Thị Mai, diêm dân ở thôn Lệ Uyên nói: Mấy năm trước trời nắng nhưng thường có gió từ biển thổi vào nên đám kết tinh ăn mực nước nửa mắt ngón tay. Còn năm nay nắng mạnh, đám kết tinh ăn mực nước một mắt ngón tay. Vì vậy, sản lượng muối cao gấp hai lần mấy năm trước.

Toàn bộ các công đoạn làm muối từ đầu cho đến cuối diêm dân đều phơi mình dưới trời nắng gắt nên nước da của họ lúc nào cũng đen bóng vì cháy nắng. Ông Phan Văn Phước, diêm dân ở thôn Lệ Uyên lý giải, sở dĩ phải đứng giữa trưa gạn muối là vì khi đó mặt ruộng bắt đầu đội lớp muối trên mặt, phải dùng bàn cào gạn, đè lớp muối đó chìm xuống để nước biển phía dưới trồi lên, tiếp tục bắt muối nhanh. Nếu không gạn thì lớp muối bên trên hàn kín mặt ruộng, nước biển phía dưới không kết tinh, sản lượng sẽ thấp.

Tình người và muối

Nghề làm muối vất vả, nặng nhọc, trong khi giá muối bấp bênh nên nhiều người trẻ không mặn mà với nghề truyền thống này, lần lượt rời làng quê tìm đường mưu sinh. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có những người muốn gắn bó cả đời với ruộng muối. “Dù nghề muối vất vả, có lúc thăng, lúc trầm nhưng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Bởi vì thương cái vị mặn mòi của muối, năm nào thời tiết bất lợi vào vụ chậm là tôi lại nhớ”, diêm dân Bùi Văn Đệ (70 tuổi, ở xã Xuân Bình) có thâm niên hơn 50 năm làm muối chia sẻ.

Trưa nắng, bà Phan Thị Hiền đi trên bờ đến đám chứa nước biển sắc lại ở phía trong cùng dây ruộng. Bà đảo mắt nhìn xuống chỗ góc ruộng muối vừa kết tủa, rồi lấy gàu tát nước ra mương, thúc cho ruộng muối khô nhanh. Lát sau bà chui vào chòi tránh nắng. “Đám ruộng này của người bà con trong xóm. Hôm qua nắng quá, họ mệt nên nhờ tôi giúp giùm. Tình người làm muối mà”, bà Hiền nói.

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, toàn thị xã có gần 184ha sản xuất muối, trong đó 13,5ha sản xuất muối sạch áp dụng phương pháp trải bạt. Sản lượng trung bình 150 tấn/năm. Địa phương có 570 hộ làm muối, chủ yếu là ở hai thôn Tuyết Diêm và Lệ Uyên.

“Hiện nay, ở hai cánh đồng muối Tuyết Diêm và Lệ Uyên, hệ thống thủy lợi, giao thông, công trình đê bao xuống cấp, đến mùa mưa lũ bị sạt lở bồi lấp ruộng muối. Hệ thống giao thông nội vùng hẹp, toàn bộ bằng đường đất rất khó khăn trong khâu vận chuyển muối. TX Sông Cầu đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi. Còn Sở NN-PTNT thì xây dựng đề án tập trung quy hoạch diện tích các cánh đồng sản xuất muối lớn, đầu tư cải tạo hạ tầng khôi phục sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/281316/nhoc-nhan-nghe-muoi-thu-cong.html