Nhọc nhằn những mảnh đời mưu sinh trong giá rét
Khi màn đêm buông xuống, bất chấp cái lạnh tê tái của tiết trời mùa đông, những người lao động nghèo vẫn phải vật lộn mưu sinh.
Tất tả mưu sinh
Khi màn đêm buông xuống, sự ồn ã, tấp nập của phố thị dường như tan biến nhường chỗ cho những khoảng lặng bình yên. Trong cái lạnh "cắt da, cắt thịt" của đêm đông, những con phố, cung đường Hà Nội trở nên vắng vẻ, hiu hắt lạ thường.
Khi hầu hết mọi người đã say giấc nồng sau một ngày lao động mệt nhọc thì đâu đó, cuộc hành trình của những người mưu sinh trong đêm lạnh vẫn chưa khép lại.
Dạo quanh các con phố trên địa bàn thành phố Hà Nội vào lúc 23h đêm, dù đã mặc thật ấm với áo phao, khăn len nhưng dưới cái lạnh có lúc đến 12 độ C, Phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật vẫn phải rùng mình khi những cơn gió lạnh vô tình lọt qua kẽ áo.
Những gánh hàng rong đầy ắp ngô, khoai nóng hổi; tiếng rao của người bán bánh, bán xôi hay tiếng chổi tre của công nhân vệ sinh môi trường len lỏi đến từng ngóc ngách của đường phố Hà Nội.
Đêm đông lạnh giá khiến cho công việc của người lao động khó khăn hơn, vất vả hơn. Ngoài việc cố gắng hoàn thành công việc, những lúc nhàn rỗi, cách duy nhất để những người lao động nghèo chống chọi với cái rét chính là mặc thật nhiều áo, tập trung lại một chỗ đốt lửa sưởi ấm hay tranh thủ làm cốc trà nóng rồi xuýt xoa .
Chứng kiến hình ảnh đôi mắt đượm buồn cùng những bước đi lầm lũi dưới ánh đèn đường lạnh lẽo, cô đơn, chúng tôi bỗng cảm thấy xót xa vô cùng. Chắc chắn không ai muốn phải ra đường mưu sinh vào đêm khuya, nhất là những đêm trời buốt lạnh.
Đi dọc theo đường Nguyễn Quý Đức Thanh Xuân, chúng tôi nhìn thấy khá nhiều xe bán đồ ăn nóng. Nem chua rán, thịt xiên, xúc xích... là những món ăn vặt chủ đạo được bày bán. Tâm sự với chúng tôi, chị Hiền (Hưng Yên), người đã buôn bán ở đây hơn chục năm cho biết, sau khi trừ tiền nguyên liệu, một ngày chị kiếm được khoảng một vài trăm nghìn: "Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa hay nắng, tôi bán từ 15h đến 23h30. Thu nhập cũng không nhiều, ngày nào đông khách thì được một vài trăm nghìn".
Chị Hiền cho biết, vì cuộc sống khó khăn, hai người con lại đang học cấp một nên dù vất vả đến đâu chị cũng cố gắng đi bán để kiếm đồng ra đồng vào. "Cuộc sống khó khăn nên tôi cũng cố gắng hết sức để trang trải, nuôi các con ăn học. Con tôi dù học không quá giỏi nhưng cũng đạt mức khá", nhắc về hai con trai, ánh đượm buồn của chị bỗng ánh lên sự hạnh phúc.
Một cơn gió lạnh bất ngờ thoảng qua, đôi vai gầy yếu của chị Hiền run run. Chị xuýt xoa: "Mấy hôm nay thời tiết lạnh quá. Mặc nhiều áo ấm rồi mà vẫn thấy lạnh. Những ngày mưa gió hay quá lạnh, tôi cũng muốn ở nhà nhưng nếu thế lại không có thu nhập nên đành cố gắng".
Chia tay người bán đồ ăn vặt, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đã quá nửa đêm, không ít lần chúng tôi phải dừng xe tạm nghỉ để nóng cơ thể bằng những cách nhảy lò cò. Phải đi dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, chúng tôi mới cảm nhận rõ được nỗi khó khăn, vất vả của những người lao động nghèo.
Khi đi qua con phố nhỏ thuộc quận Ba Đình, chúng tôi bắt gặp hình ảnh run rẩy của một xe ôm công nghệ. Anh liên tục nhìn điện thoại rồi lại hướng về phía xa. Theo giới thiệu, anh tên Phong, quê ở Phú Thọ. Hiện, anh đang chờ giao nốt đơn hàng cuối trong ngày để về nhà nghỉ ngơi.
Anh Phong cho biết mới làm công việc này được bốn tháng nay. Anh sẽ chạy xe từ tối đến đêm muộn nhưng không phải lúc nào cũng có đơn để chạy: "Hôm nào nhiều thì được 10 đơn đến 12 đơn, ít thì 1 hoặc 2 đơn. Nhiều hôm tôi đợi mãi mà không có đơn nào. Bình quân, cứ 1 đơn hàng, tôi được khoảng 15 nghìn đến 17 nghìn đồng".
Liên tuc xoa hai tay vào nhau để phần nào xua đi cái rét, anh tâm sự, nghề này khá vất vả, bất kể thời tiết ra sao, cứ có đơn hàng là anh lập tức di chuyển.
Với anh Phong, giao hàng ngày mưa không khổ bằng những đêm lạnh giá: "Nắng hay mưa đều có cái khổ riêng. Nhưng với tôi, giao hàng vào những đêm muộn mà thời tiết rét buốt như mấy hôm nay rất mệt mỏi. Chân tay lúc nào cũng trong tình trạng tê cứng. Nếu có hàng để chạy thì còn đỡ chứ mấy hôm trời rét vừa qua, khi chưa có đơn, tôi thường tìm góc khuất gió mà đứng đợi cho đỡ lạnh"
Nụ cười xóa đi "băng giá"
Đã hơn 1h, tiết trời giá rét, sương mù bủa vây, Phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật có mặt ở cầu Long Biên. Những cơn gió mang hơi lạnh từ sông Hồng liên tục thổi qua, không ít lần, chúng tôi định ra về vì quá lạnh.
Vậy nhưng, dưới cái lạnh buốt tận xương tủy ấy, một vài người vẫn cố gắng bán nốt chút ngô, khoai nướng để về nhà. Ánh đèn leo lét, gió bấc thổi từng cơn, chúng tôi thấy ái ngại và có chút xót xa khi chứng kiến những con người cô độc, gồng mình chống chọi với tiết trời lạnh buốt để mưu sinh.
Dừng xe cạnh thành cầu, chúng tôi nhanh chóng bước vào đến một quán cóc trên cầu. Dưới bộ áo bông dày cộp cùng mũ trùm kín tai, người chủ quán nở một nụ cười thật tươi và đon đả mời chào. Cầm bắp ngô nướng nóng hổi trên tay cùng hơi ấm toát ra từ bếp than hoa đỏ rực, chúng tôi cảm thấy lòng mình dường như được sưởi ấm hơn.
Bằng giọng nói chân thành, người chủ quán ấy hỏi "các em có lạnh không" và liên tục giục chúng tôi ngồi gần vào bếp than cho ấm. Khi chúng tôi hỏi, vì sao lại bán muộn thế, anh chủ quán cho biết: "Mình cứ cố gắng bán, khi nào hết khách thì về. Bình thường tầm này đông lắm nhưng chắc tại mấy nay lạnh quá nên họ cũng ít ra hơn. Từ tối đến giờ tôi mới chỉ bán được hơn hai chục bắp ngô".
Theo chủ quán này tâm sự, không ai muốn làm đêm đặc biệt trong tiết trời rét mướt nhưng vì miếng cơm, manh áo nên phải nỗ lực: "Thú thật, trời rét như vậy, nếu như người khác họ đã ở trong chăn ấm rồi. Nhưng, vì cuộc sống mình phải cố gắng làm thôi. Tôi không so sánh với ai cả vì mỗi người một hoàn cảnh, một công việc khác nhau".
Nhấp ngụm nước nóng vừa rót, anh cho biết, dù vất vả khi đi sớm về khuya, nhất là những hôm rét, nhưng đi làm cũng có cái vui, niềm hạnh phúc riêng.
"Làm việc này đúng là hơi mệt những lúc mưa gió hay rét mướt nhưng vui lắm. Nhiều khi dù đã đêm muộn hay thậm chí rạng sáng nhưng vẫn có khách. Tôi vừa nướng ngô, vừa tâm sự chuyện trên trời, dưới bể rồi cùng cười khi ai đó kể những câu chuyện vui. Ngoài trang trải cuộc sống, đây cũng là động lực, niềm vui để tôi cố gắng".