Nhọc nhằn nữ phụ hồ
Trên nhiều công trường xây dựng, hình ảnh người phụ nữ tất bật bê từng bao xi măng, đẩy xe rùa hay “lơ lửng” trên giàn giáo chuyển vật liệu xây dựng lên tầng cao... đã dần trở nên quen thuộc. Cuộc mưu sinh đã “kéo” những người phụ nữ vào công việc cực nhọc vốn thường dành cho nam giới.
Những người phụ nữ theo nghề phụ hồ đa phần ở tuổi trung niên do không xin được việc làm trong các doanh nghiệp. Bà Tô Thị Xuân năm nay đã 60 tuổi ở khu Liên Hà 2, phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) đã có hơn 10 năm làm nghề phụ hồ tại các công trình xây dựng cho biết: Trước đây, gia đình bà làm nông nghiệp và buôn bán nhưng giá cả cứ bấp bênh, hay bị lỗ vốn, nên bà theo chồng đi làm phụ hồ. Thời gian đầu, do chưa quen việc nên bà rất mệt, nhưng bà vẫn cố gắng để kiếm đồng ra, đồng vào nuôi các con ăn học. Từng ấy năm theo nghề, bà không thể nhớ nổi mình đã tham gia phụ hồ xây dựng được bao nhiêu căn nhà, công trình, trường học. Suốt ngày mặt mày lấm lem bụi đất, đá, xi măng, xung quanh là tiếng máy khoan, máy trộn bê tông ồn ào nhưng lâu dần cũng thành quen. Theo bà Xuân, hiện nay làm phụ hồ đỡ vất vả hơn trước nhiều. Trước đây phải bê hồ, chuyển gạch lên xuống giàn giáo chỉ bằng sức người, nhưng hiện nay đã có nhiều loại máy móc như máy tời chuyển vật liệu lên cao, máy trộn hồ, trộn bê tông, máy uốn sắt thép... giảm tải phần lớn sức lao động của con người. Nghề phụ hồ vất vả, nặng nhọc và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Trời nắng nóng, mồ hôi ra nhiều cộng với công việc nặng người lao động nhanh mệt; còn vào mùa mưa, không thể thi công, người phụ hồ chỉ làm được khoảng 15-20 ngày công/tháng, thu nhập cũng giảm theo. Hiện nay, mỗi ngày thợ phụ hồ như bà Xuân được trả từ 250-300 nghìn đồng. Mỗi tháng nếu làm việc đủ 30 ngày công, bà cũng được khoảng 7,5 triệu đồng.
Chị Lê Thị Hương ở phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) có dáng người nhỏ nhắn nhưng thao tác nhanh nhẹn, thoăn thoắt xúc cát, bê xi măng trộn hồ tại công trình xây dựng nhà ở khu đô thị Mỹ Trung. Vừa tranh thủ trò chuyện với chúng tôi, vừa làm việc, chị Hương cho biết: “Hiện nay, đa số công trình xây dựng thường có 1-2 nữ phụ hồ. Thợ chính làm ở đâu, chúng tôi phải có mặt ở đó để sẵn sàng làm các việc phụ như: sàng cát, trộn vữa, xúc bê tông và các công việc vặt... Công trình nào ít thợ, mỗi ngày tôi xách khoảng mấy chục xô vữa cho thợ xây”. Lý do chọn nghề phụ hồ của chị Hương đơn giản, do không có nhiều đất để canh tác hay trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống gia đình luôn túng thiếu nên chọn nghề làm phụ hồ không mất phí và công đào tạo, thợ chính phân công việc gì thì làm việc đó. Có những hôm phải làm từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, nhưng vì mưu sinh nên phải cố gắng. Thường mức tiền công của phụ hồ tùy vào khả năng lao động của mỗi người. Nếu trừ chi phí, mỗi tháng cũng tiết kiệm được mấy triệu đồng...”.
Tuy không đòi hỏi kỹ năng như nhiều nghề khác, song để theo được nghề phụ hồ đòi hỏi ở người phụ nữ phải có sức khỏe bền bỉ, khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt và nắm bắt được công việc mình cần làm, ước lượng trước phần việc của nhóm thợ xây để chuẩn bị vật liệu… Phụ hồ đối với nam giới đã vất vả, với phụ nữ lại càng nặng nhọc gấp bội phần, chưa kể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu không cẩn thận thì dễ bị tai nạn nghề nghiệp. Tại các công trường xây dựng, điều dễ nhận thấy là hầu hết các chị không được trang bị bảo hộ lao động. Có người cẩn thận thì bịt khẩu trang, còn đa phần người thợ thấy vướng víu, khó làm việc nên hầu như không trang bị bảo hộ lao động. Tính chất công việc nặng nhọc, môi trường làm việc ô nhiễm nên người làm nghề phụ hồ thường bị các bệnh về xương khớp như đau lưng, đau chân, tay, đường hô hấp... Ngoài ra, còn rất nhiều tai nạn ngoài ý muốn như vấp phải sắt thép, gạch rớt trúng người, tai nạn nặng là ngã giàn giáo gãy tay, chân, ảnh hưởng tính mạng... Nhiều người mới vào nghề, do chưa quen công việc nên thường xuyên đau đầu, bàn tay sưng phồng, rát… Không những thế, vì đây là nghề tự do, không được trang bị bảo hộ lao động, không có hợp đồng lao động, nên khi xảy ra tai nạn người phụ hồ phải chịu hoàn toàn chi phí, có khi còn bị mất việc do nghỉ lâu ngày nên chủ thầu phải tìm người khác thay thế.
Những khuôn mặt sạm đen vì nắng, đôi bàn tay chai sần, thô ráp vì bị xi măng ăn rỗ. Mỗi người phụ nữ bước vào nghề phụ hồ đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả họ đều có một điểm chung, đó là không có việc làm ổn định, khó khăn trong cuộc sống, chịu đựng được những công việc nặng nhọc và nhiều nguy hiểm. Nhưng vượt qua mọi khó khăn, vất vả, hàng ngày họ vẫn âm thầm làm việc không ngơi nghỉ cùng với mong muốn thêm nguồn thu nhập trang trải cho gia đình, cho các con và cho chính bản thân.
Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202409/nhoc-nhan-nu-phu-ho-c3907fd/