Nhọc nhằn thầy, cô vùng tâm lũ

Sắp đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhiều nơi đang trong không khí vui tươi, phấn khởi chuẩn bị những hoạt động ý nghĩa để tri ân các thầy, cô giáo. Thế nhưng, tại các địa phương vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, các giáo viên đang phải gác lại niềm vui riêng, gồng mình thu dọn, sửa sang trường lớp, khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm đón học sinh trở lại trường.

Đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thăm, tặng quà các cô giáo Trường Mầm non Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Ảnh: Kim Nhượng

Đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thăm, tặng quà các cô giáo Trường Mầm non Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Ảnh: Kim Nhượng

Quảng Trị là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ liên tục trong 1 tháng qua gây ra. Mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều trường học trên địa bàn các huyện biên giới Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, nhiều trường học cũng như các điểm trường, khu bán trú của học sinh bị hư hại nặng do sạt lở đất, gió bão làm tốc mái. Trang thiết bị giảng dạy, dụng cụ học tập của học sinh bị hư hỏng, khiến nhiều nhà trường buộc phải cho các em học sinh nghỉ học. Nhiều ngày qua, bằng sự nỗ lực hết mình, những người lính Biên phòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các thầy, cô giáo gồng mình khắc phục hậu quả để các em học sinh có thể trở lại trường trong thời gian sớm nhất.

Tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tý đứng trước cổng trường buồn rầu nhìn đống bùn đất ngập ngụa. “Với khối lượng bùn đất nhiều thế này, không biết đến bao giờ sẽ khắc phục nổi để các em có thể trở lại trường. Hàng trăm mét khối bùn, đất cộng thêm rác thải la liệt khắp các lớp học, khuôn viên nhà trường khiến công tác thu dọn vô cùng vất vả. Chắc phải nhờ tới máy móc chứ sức người thì làm không nổi. 280 học sinh của trường phải nghỉ học nhiều ngày rồi chắc hẳn đang mong mỏi từng ngày để đến lớp. Sau lũ, có rất nhiều việc phải làm, trước mắt tôi chỉ mong các lực lượng hỗ trợ thu dọn bùn đất để các em học sinh sớm được đến lớp. Còn bàn ghế, đồ dùng học tập, thiệt hại về vật chất thì dần dần khắc phục” - Thầy Tý cho biết.

Cùng chung tâm trạng với thầy Tý, thầy Nguyễn Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Khi bắt đầu mưa lớn, lũ tràn về, chúng tôi đã nỗ lực bảo vệ bàn ghế học sinh và một số vật dụng khác của trường. Tuy nhiên, trời mưa càng to, mực nước dâng cao, lại chảy xiết nên toàn bộ bàn ghế học sinh, tủ đựng hồ sơ và nhiều thiết bị, dụng cụ dạy và học của trường đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Sau đợt lũ lịch sử, trường chỉ còn dãy nhà với 3 phòng học. Cửa bị xổ tung, đồ đạc bị lũ cuốn mất, tường rào bị đánh sập một đoạn dài. Đến nay, 64 em học sinh (lớp 1 đến lớp 3), chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thể đến trường”.

Được biết, để sớm đưa học sinh trở lại trường học theo kịp chương trình, hiện nay, được sự hỗ trợ của cấp trên, điểm trường Pa Nho, thuộc Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đang được khẩn trương sửa chữa một số hạng mục nhỏ, thay thế các cánh cửa... Về đồ dùng học tập, sách, vở cho học sinh, đã có một số mạnh thường quân ủng hộ, cơ bản tạm đủ dùng cho các em học sinh.

Thầy Huy cho biết thêm: “Điểm trường này xây dựng đã lâu, hiện đã xuống cấp, lại nằm ở vị trí thấp, sát khe suối nên hằng năm thường bị thiệt hại do mưa lũ. Vì vậy, để thầy, cô giáo và các em học sinh yên tâm dạy và học, chúng tôi mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ để xây dựng điểm trường ở nơi khác kiên cố và an toàn hơn”.

Qua trao đổi, chúng tôi được biết, tại điểm trường Làng Cát thuộc Trường Tiểu học số 2 Đakrông, huyện Đakrông, dãy nhà gồm 3 phòng học đã được xây dựng cách đây hàng chục năm, lại vừa trải qua đợt mưa lũ lớn khiến trường xuống cấp trầm trọng, phần mái lợp bằng tấm prô xi măng nhiều chỗ bị thấm dột. Thầy Trần Đình Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Đakrông cho biết: “Đợt mưa lũ vừa qua đã làm tốc phần mái, bật tung cửa sổ của nhiều phòng học. Một phòng ở giáo viên cũng bị hư mái tôn, phần la phông bị sập hết. Ngoài điểm trường Làng Cát thì có thêm 5 điểm trường khác của Trường Tiểu học số 2 Đakrông cũng bị thiệt hại tương tự. Chính vì thế, trường phải mượn tạm nhà cộng đồng, rồi sửa một số phòng học ít hư hại để dùng chung cho 2 lớp nhằm duy trì học tập cho các em kịp theo chương trình”.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, do địa hình vùng miền núi cao, mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên nhiều trường học trên địa bàn bị ngập sâu. Nước lũ đã cuốn trôi và làm hư hỏng nhiều bàn ghế, máy móc, thiết bị dạy học. Nhiều công trình trong trường bị nước lũ làm hư hỏng, bị bùn đất bồi lấp, có trường phải dùng phương tiện, máy móc mới bốc hết lượng đất đá dày đến hơn 2 mét ở sân trường. Mặc dù sau lũ, các lực lượng quân đội, thanh niên ở địa phương về hỗ trợ, khắc phục hậu quả nhưng cho đến thời điểm này, toàn huyện vẫn còn 13 trường với gần 5.000 học sinh phải nghỉ học vì không thể đến trường. Hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đang thống kê, nắm bắt tình hình để tham mưu, đề xuất với các cấp và ngành giáo dục nghiên cứu hỗ trợ kinh phí để sửa chữa các trường học bị thiệt hại nặng về cơ sở vật chất cũng như mua sắm trang thiết bị. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ áo, quần, sách, vở, dụng cụ học tập cho các em học sinh.

Hiện tại, nhiều trường, điểm trường trên địa bàn các huyện nói trên vẫn đang còn ngổn ngang, bộn bề dấu vết của bão lũ. Chính quyền địa phương, các thầy, cô giáo và các lực lượng chức năng đang từng ngày khắc phục hậu quả để đón các em học sinh sớm trở lại trường. Trong chuyến kiểm tra nắm tình hình và làm việc với ngành giáo dục 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông sau bão lũ, đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho các đơn vị lực lượng vũ trang, các ban, ngành liên quan khẩn trương huy động nhân lực, máy móc giúp các trường, điểm trường khắc phục hậu quả để đưa công tác dạy và học trở lại bình thường.

Hoàng Huy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhoc-nhan-thay-co-vung-tam-lu-post435070.html