Nhọc nhằn vụ sản xuất mới
Vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 chính thức bắt đầu từ ngày 21.12 đối với trà lúa chính. Đối với các loại cây trồng cạn, như: Bắp, mì, đậu phụng... thời gian xuống giống từ cuối tháng 12.2020. Tuy nhiên, mưa bão đã làm hư hỏng hàng loạt công trình, kênh mương thủy lợi; nhiều diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, sạt lở; giống các loại dự trữ trong dân bị ngập nước, cuốn trôi... khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong vụ sản xuất mới. Khan hiếm hom giống mì
Theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, cơ cấu giống lúa chủ lực, gồm: ĐH815-6, Bắc Thịnh, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8, TBR225, Hà Phát 3, DT45 và một số giống bổ sung QNg6, QNg13, QNg128, MT10; giống mì KM98-1, KM94, NA1 và các loại giống đậu phụng L14, Sẻ Gia Lai, LDH01, TB25...
Hối hả dọn đồng
“Từ ngày 21.12 sẽ xuống giống, nhưng giờ ruộng vẫn đầy cỏ dại, cộng với rác, đất tràn vào mặt ruộng, nên tốn nhiều thời gian và công sức vệ sinh đồng ruộng”, ông Nguyễn Đức, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) cho biết. Từ đầu tháng 12, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ông Đức đã thuê máy cày dầm ruộng và dự kiến 15.12 sẽ làm đất để chuẩn bị xuống giống, nhưng mưa kéo dài, ruộng đầy nước, nên ông Đức lo lắng tiến độ gieo sạ bị ảnh hưởng.
Bệnh khảm lá vi rút bùng phát và gây hại trên diện rộng khiến nguồn hom giống mì “sạch bệnh” khan hiếm.
Vụ đông xuân năm nay, huyện Mộ Đức gieo sạ hơn 5.500ha lúa. Để thực hiện đúng khung lịch thời vụ, huyện đã và đang chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các hợp tác xã (HTX) tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương, huy động máy bơm để tiêu úng... “Từ đầu tháng 12, huyện đã phát động phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy, kết hợp diệt chuột và ốc bươu vàng. Vận động nông dân tái thiết cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, với phương châm “nước rút đến đâu tập trung làm đất gieo sạ đến đó”, phấn đấu không để đồng ruộng bỏ hoang”, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Thị Tường Mai cho biết.
Cùng với việc khắc phục, sửa chữa các công trình và hệ thống kênh mương quan trọng, đảm bảo chống xâm nhập mặn và cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất, chính quyền các địa phương cũng chỉ đạo HTX khẩn trương hợp đồng, phân bổ máy làm đất phù hợp với từng vùng, đảm bảo tiến độ sản xuất. Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phạm Bá, lịch thời vụ sản xuất vụ đông xuân năm nay sớm hơn mọi năm 5 ngày, nên các địa phương tuyệt đối tuân thủ cơ cấu giống của Sở NN&PTNT, không đưa vào sử dụng giống lúa dài ngày cũng như các loại giống không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục. Bên cạnh đó, với những khu vực ruộng canh tác lúa bị bồi lấp, không có khả năng canh tác hoặc thiếu nước thì khuyến khích nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn.
Ổn định giá bán giống và phân bón
Vụ sản xuất đông xuân 2020- 2021, toàn tỉnh có kế hoạch gieo sạ khoảng 38.000ha lúa, 18.000ha mì, 8.100ha rau màu các loại, 4.600ha bắp và 4.200ha đậu phụng... Tuy nhiên, một lượng lớn giống, phân bón dự trữ trong dân bị nước lũ làm hư hỏng, hoặc cuốn trôi. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp bình ổn, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu giống, hoặc tăng giá. “Cùng với việc hỗ trợ giống cho những hộ khó khăn, bị thiệt hại nặng do thiên tai, các đơn vị sản xuất và kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh cam kết cung ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Về giá bán, chỉ một số ít giống lúa chất lượng cao tăng nhẹ, còn lại đều ổn định như vụ đông xuân 2019- 2020”, ông Phạm Bá cho hay.
Các đơn vị sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn tỉnh cam kết cung ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.
Đến ngày 12.12, hai đơn vị sản xuất và kinh doanh giống lớn trên địa bàn tỉnh là Trung tâm Giống Quảng Ngãi, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT đã cung ứng ra thị trường gần 2.000 tấn giống lúa các loại.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nông dân, đã xảy ra tình trạng “cháy” hàng, tăng giá, từ 23.000 đồng/kg lên 27.000 - 28.000 đồng/kg đối với giống Thiên Ưu 8. Các cửa hàng, đại lý kinh doanh giống cho rằng, nguồn cung giống Thiên Ưu 8 bị thiếu hụt, nhà cung cấp liên tục điều chỉnh giá. Về vấn đề này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm, nếu phát hiện đơn vị kinh doanh cố tình găm hàng tăng giá.
Đối với phân bón, giá bán giảm bình quân 19.000-75.000 đồng/bao (loại 50kg) so với vụ đông xuân 2019 - 2020. Hiện giá Urê 335.000 đồng/bao, SA 197.000 đồng/bao, DAP 668.000 đồng/bao, NPK 496.000 đồng/bao, Kali 342.000 đồng/bao, Lân 151.000 đồng/bao... “Từ vụ đông xuân năm nay, chúng tôi tiến hành chuyển phân bón trực tiếp từ đơn vị sản xuất đến nhà phân phối, để giảm chi phí trung chuyển. Vì vậy, giá bán lẻ phân bón đến tay nông dân cũng giảm đáng kể”, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Quảng Ngãi Lê Văn Chiến lý giải. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh cũng đã phối hợp với hội nông dân các cấp, HTX nông nghiệp tổ chức chương trình “mua trước trả sau”, để giảm áp lực chi phí sản xuất cho nông dân.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202012/nhoc-nhan-vu-san-xuat-moi-3034747/