Nhói đau một kiếp đàn bà
'Đi giữa trời xanh mây trắng', câu chuyện với một nhan đề rất thơ lại nhói đau cho một kiếp đàn bà. Chị Hòa mười năm làm dâu, làm vợ mà nước mắt chảy ngược vào tim, niềm đau uất nghẹn.
Văn chương đôi khi thật kì lạ, nhờ những trang văn mà những phận người ở xa nhau được gần nhau hơn để cùng đồng cảm, sẻ chia. Tôi biết đến tên tuổi của nhà văn Nguyễn Hải Yến rất tình cờ qua một bài phỏng vấn chị trên báo Văn học Sài Gòn.
Thế rồi tò mò, tìm đọc truyện của chị, ấn tượng về một cây bút tài năng ngày một dày hơn. Cái tài truyện ngắn ấy hòa điệu cùng một trái tim nặng trĩu tình đời, tình người đươc tác giả gửi gắm trong từng trang viết. Mười truyện ngắn trong tập “Quán thủy thần” của chị được tôi đọc theo kiểu “nhâm nhi”, nay một truyện, mai một truyện. Càng về sau tôi càng bị “nghiện” bởi những trang viết xúc động.
Bà mẹ cổ hủ, gã chồng vô tâm
Nhân vật bà mẹ chồng cổ hủ trong gia đình “phong kiến gốc” xuất hiện không nhiều trong truyện. Có lẽ người ta ám ảnh nhất với câu bà ta “thẽ thọt” với con dâu: “Đã làm dâu nhà này thì phải cố lấy mụn con giai! Con gái ngắn đời lắm! Đi lấy chồng là hết. Mày không cố đẻ, nó đuổi đi lúc nào là tay trắng mà về.
Đừng bảo bà không nói trước. Mày cũng phải nghĩ cho nó. Thanh minh nào cũng bị anh em thằng Tiến đuổi xuống mâm dưới. Chúng nó bảo không cố được con giai thì mặc váy vào”. Chỉ mấy câu văn, hình như hồn cốt của nhân vật đủ sắc nét, đọng lại nỗi ám ảnh trong lòng người đọc.
Bà mẹ mười một bận sinh con, mười trai bỏ đi đốt gái đầu thuộc típ người cổ hủ, u mê. Kiểu suy nghĩ “trọng nam, khinh nữ” bám gốc, thâm căn vào trong suy nghĩ bà lão thì phải. Có lẽ bà ta là người duy nhất đối ngược với những con dâu, cháu gái trong gia đình nhiều nữ này.
Không đồng cảm, chẳng một chút động lòng xót thương, bà ta cố ép, cố dọa con dâu đẻ cho kì được “mụn con giai”. Cách nghĩ theo kiểu “thêm dầu vào lửa” của bà sẽ tiếp tay thêm cho anh con trai, biến anh ta thành kẻ vô cảm trước nhọc nhằn, đau khổ của vợ con.
Mẹ cổ hủ sinh con mê muội. Rễ ác mọc lan cũng chỉ bởi suy nghĩ trọng nam. Bà mẹ chồng đã bị cái tư tưởng “không cố được con trai thì mặc váy vào” che lấp cảnh ngộ báo động trước mắt, đứa cháu trai duy nhất con anh trưởng “chục năm nay xích chân trên tầng bốn vì nghiện oặt xà lai”.
Nhân vật bà mẹ chồng phong kiến này hình như đã đánh mất đi tấm lòng bao dung vị tha của muôn nghìn người mẹ Việt xưa nay. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” chắc hợp lẽ hơn với bà lão tội nghiệp thời ít mà đáng trách thời nhiều này.
Phận gái theo chồng chỉ ao ước được che chở, yêu thương. Cô Hòa trong truyện không may mắn có được phúc ấm đó bởi gã chồng vô tình, vô ngãi, vô tâm. Nhà văn rất khéo khi chọn được một chuỗi cái chi tiết để làm nổi hình, nổi sắc bản tính của nhân vật.
Vợ đẻ con gái, anh ta quay gót về ngay; con khóc dạ đề, lão rít lên chỉ tay vào mặt vợ đe dọa: “Mày không dỗ cho nó nín, tao bóp chết bây giờ”; vợ lầm lũi đội mưa đi khám vô sinh, anh ta vẫn ngon giấc; vợ một mình bắt xe đi làm kế hoạch, chiều sẫm về nhà còn bị chồng nguyền rủa “tưởng chết ở đấy rồi”; khổ quá vợ đề nghị li hôn, gã phán xanh rờn “cả đời mày chỉ xứng để hầu tao”...
Đúng là một gã chồng vô tâm, người cha vô trách nhiệm, chỉ biết chau chuốt, thụ hưởng thú vui cầu lông, bóng chuyền của mình, thờ ơ vô cảm trước những khổ đau của vợ con. Ở với gã chồng như vậy, có khác nào sống trong địa ngục. Thế nên hai đứa con bé nhỏ đã thốt lên một câu đi ngược với chân lí muôn đời: “Chỉ cần không có bố là vui”.
Viết về gã chồng vô tâm này, tác giả cay sè khóe mắt cảm thương cho một người vợ khổ, đồng thời ghét, đắng ghét cay một gã đàn ông vô nghĩa, vô tình. Hạnh phúc nào dành cho người đàn bà nếu chung sống cùng một mái nhà với kiểu người này?
Chắc hẳn, đây là một trong không ít người chồng, người cha giữa bộn bề cuộc sống hôm nay? Thành ra, nguồn cơn gây ra khổ đau, tủi cực bởi sinh con một bề của nhân vật Hòa trong truyện phần nhiều do tư tưởng cổ hủ của bà mẹ chồng suy nghĩ lạc hậu và gã chồng chỉ biết chải chuốt bất ngãi vô tâm.
Người phụ nữ khổ bởi sinh toàn con gái
Dõi theo thiên truyện, người đọc nhói đau cho một cuộc đời khổ nhục “trăm đắng, nghìn cay”. Dường như, với nhân vật Hòa, năm tháng chan đầy nước mắt. Mười năm làm vợ là mười năm nước mắt chảy ngược, “ngậm đắng nuốt cay”, sống trong nhà mà như chốn địa ngục, buồn nhiều hơn vui, nụ cười ít hơn nhiều so với nước mắt.
Có lẽ, vị thế của Hòa trong ngôi nhà ấy như con ở, như người để thuê chứ đâu phải là vợ. Vớ phải gã chồng vô tâm, chỉ biết chải chuốt lượt là, hết cầu lông bóng chuyền lại rượu, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người đàn bà “toàn xương với mắt”.
Việc công ty, chăm con, đưa đón chúng đi học, chợ búa, cơm nước, nhà cửa, giặt quần áo và cả cái việc đẻ làm sao cho được “mụn con giai”. Vất vả, quay cuồng, chắc hẳn Hòa chẳng bao giờ được nghỉ ngơi. Nhọc về thể xác, đớn đau cả mặt tinh thần.
Viết về cái khổ của người đàn bà này, nhà văn khéo đặt nhân vật vào những hoàn cảnh tội nghiệp. Một lần đi phá thai và một lần đi khám vô sinh. Cả hai lần ấy, thân gái dặm trường, một thui thủi cái kiếp đàn bà, Hòa tự đi, rồi lại tự về, chồng bỏ mặc, không một lời an ủi động viên, cứ như mình làm mình chịu, tội nghiệp biết bao.
Thậm chí nỗi đau dao kéo tê buốt chưa xong, công việc gia đình ập tới và cả lời lẽ đay nghiến cay xót của chồng: “Đi con mẹ mày làm gì mà lâu thế! Tưởng chết ở đấy rồi!”. Tiếng chửi của gã chồng bạc bẽo như xoáy vào nỗi đau của người đàn bà khổ.
“Hỡi ơi là cay đắng! Cơn đau cắt thịt vẫn còn nguyên, máu vẫn âm ỉ chảy, mẹ lặng câm dọn dẹp, nấu nướng, tắm rửa cho hai chị và giặt một thùng quần áo của cả bốn người. Xong việc, yên ắng bốn bề, mẹ mới lặng lẽ ngả lưng xuống mép giường, nơi hai người con đang yên giấc, gạt thầm nước mắt, vòng tay tìm con và nức nở trong tim: “Con ơi mẹ mất con rồi!”.
Cũng không dám khóc to sợ chồng biết mà thức dậy…”. Chắc hẳn, đây là đoạn văn miêu tả đủ đầy bậc nhất về nỗi khổ đau của chị Hòa. Cực nhọc, vất vả về thể xác đã đành, nỗi đau về tinh thần còn nhiều hơn gấp bội.
Nỗi xót xa của người mẹ mang thai con gái, dứt khoát: “Anh để em đẻ. Em nuôi” nhưng không thể bởi mong muốn của chồng “đừng để tôi nhục thêm lần nữa”. Tiếng nấc nghẹn ngào “mẹ mất con” sao nhói đau rụng rời. Khổ mà không giám kêu ai, thậm chí khóc cũng không được khóc to. Xót xa quá! Xót cho một kiếp người khổ nhục đắng cay!
Viết về cuộc đời khổ ấy, tấm lòng người cầm bút chan chứa một niềm yêu thương da diết. “Văn chương bất hủ cổ kim được viết bằng huyết lệ”, những trang truyện về nỗi khổ của cô Hòa có lẽ được nhà văn Nguyễn Hải Yến viết bằng nước mắt của người cầm bút, xót xa, thương cảm và hơn hết vẫn là trân trọng, nâng niu vẻ đẹp tâm hồn đáng trân quý của một cuộc đời khổ hết lòng thương con.
Lời sẻ chia từ gan ruột với đưa con chưa kịp chào đời: “Con là con của mẹ chứ không phải là hạt máu rơi máu rụng. Ai cấm được mẹ yêu con bằng trái tim mình” vẫn là giai điệu buồn mà vút cao tình yêu thương thăm thẳm nơi trái tim người mẹ.
“Nhà văn là người đi tìm, gắng đi tìm hạt ngọc trong bề sâu tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu). Với thiên truyện xúc động này, dường như Nguyễn Hải Yến đã tìm được hạt ngọc lấp lánh trong sâu thẳm tâm hồn của người phụ nữ đáng thương. Đó là tình yêu thương con thăm thẳm chẳng gì đong đếm cân đo, nuốt lệ vào trong, người phụ nữ tội nghiệp ấy chịu khổ, chịu nhục và dứt khoát tháo cũi sổ lồng cũng vì mấy đứa con thơ dại.
Hài nhi bé bỏng đáng thương
“Con bị bứt rời khỏi lòng mẹ vào một buổi chiều đầu tháng ba”. Đó là khoảnh khắc người mẹ tội nghiệp một mình run rẩy bắt xe lên phố, một mình chịu đớn đau khi bỏ đi sinh linh bé bỏng đang thành hình. Có lẽ hài nhi bé bỏng trở thành nhân vật đặc biệt nhất trong câu chuyện rưng rưng cảm xúc này.
Câu chuyện đời bỗng nhiên nhuốm sắc màu huyền bí khi được đặt trong lời kể của linh hồn tội nghiệp, mẹ thương mà chẳng thể giữ lại chỉ vì mang phận gái. Đọc truyện, người ta vỡ lẽ ra một điều cay xót, mến thương: thế giới trẻ thơ vẫn là tâm hồn trẻ thơ, trong trẻo, tinh khôi, ước ao ấm êm, hạnh phúc.
Cũng bởi vậy mà xuyên suốt cả câu chuyện, linh hồn bé bỏng kia cùng khóc, cùng đau với những buồn tủi của người mẹ khổ, cùng vui vui khi mẹ “mẹ bình yên rồi” giữa tháng ba Tây Nguyên sau khi từ bỏ chốn bi ai: Ngôi nhà và gã chồng vô tâm.
Trên văn đàn Việt Nam, Nguyễn Hải Yến là cây bút đến muộn với văn chương, cô giáo nặng lòng với bục giảng quê đất Lam Sơn - Thanh Miện - Hải Dương bén duyên với nghiệp cầm bút chưa lâu, cách đây chỉ vẻn vẹn có ít năm.
Song thật thú vị, với hai tập truyện “Quán thủy thần”(2019), “Hoa gạo đáy hồ”(2020), chị đã hình thành một phong cách riêng so với những cây bút truyện ngắn đương đại. Những câu chuyện rất đời, đậm chất hiện thực được kể với một chất giọng riêng, lại pha chút huyền ảo chan chứa ân tình của người cầm bút.
“Đi giữa trời xanh mây trắng”, có lẽ là câu chuyện như vậy. Nước mắt vơi đi, sự sống sẽ nảy mầm, hạnh phúc nhen lên, cuộc sống của người phụ nữ khổ sinh con một bề sẽ đổi thay khi tìm đến Tây Nguyên tháng ba “không âm u mà trời xanh mây trắng”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nhoi-dau-mot-kiep-dan-ba-bjeUXNrGg.html