Nhói lòng tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về nơi an nghỉ cuối cùng vào sáng 24-3 tại Nhà Tang lễ quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi ở tuổi 71, để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng người thân, bạn bè, những người yêu mến tác phẩm của ông. Hôm qua, rất nhiều bạn văn đã đến tiễn đưa, dành cho Nguyễn Huy Thiệp những lời sẻ chia xúc động. Nhạc sĩ Quyền Văn Minh, thay vì một cách thông thường, đã chia tay Nguyễn Huy Thiệp bằng những giai điệu của nhạc phẩm “Một cõi đi về”. Khi tiếng kèn của Quyền Văn Minh vang lên, phút tưởng niệm nhà văn ngập tràn nước mắt. Rất nhiều người bật khóc, nhớ và thương Nguyễn Huy Thiệp.
Trong điếu văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã gọi nhà văn Huy Thiệp là "người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại". "Anh đến với văn chương khá muộn. Nhưng khi tác phẩm "Những ngọn gió Hua Tát", cùng những truyện ngắn khác của anh xuất hiện đã thổi hồn qua cánh rừng đời sống văn chương Việt Nam, đã làm tất cả rung lên" - nhà thơ Quang Thiều đánh giá và cho rằng từ năm 1975 đến nay, chưa có nhà văn nào có khả năng thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như anh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mang vẻ đẹp chói sáng, chính xác và đau đớn. "Đọc những câu chuyện thiên nhiên của ông mang theo cảm giác kinh hãi, để nhận ra những vùng tối đầy hoang dại và phục sinh nhân tính của mình" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: "Khó nhất không phải là tiền bạc, tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng". Và đấy là bản tuyên bố của ông về sứ mệnh của người cầm bút.
Trong cuộc sống của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ và khiêm nhường. Ông im lặng trước mọi khen chê, mọi đố kỵ, khiêu khích. Điều này đã khiến nhiều người bạn khâm phục và yêu quý ông. "Biết ơn anh - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Người đã tạo được cú hích lớn cho văn chương Việt Nam 10 năm cuối thế kỷ XX và dài nữa về sau" - nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên viết trong sổ tang. Nhà văn Bảo Ninh viết: "Bác Thiệp mất đi là nỗi đau đớn tột cùng cho nền văn học, giới văn học nước nhà". Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng những gì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để lại cho đời là vĩnh cửu.