Nhóm bạn trẻ dùng AI 'tô màu' cho ảnh Sài Gòn xưa
Kết hợp cả ứng dụng AI và chỉnh tay, nhóm tác giả tại TP.HCM đã mang lại sự sinh động cho những bức hình cả trăm năm tuổi.
Tuần qua, bộ ảnh màu chụp Sài Gòn thập niên 1920 gây chú ý trên mạng. Được đăng tải trên Saigon Viewers, bộ ảnh cho thấy những địa điểm đặc trưng của Sài Gòn như nhà thờ Đức Bà, dinh Norodom, chợ Bến Thành... 100 năm trước với màu sắc sinh động.
Bộ ảnh này trước đó đã được chia sẻ trên mạng dưới dạng ảnh đen trắng. Phần lớn ảnh được cho là do ông Léon Ropion, người phụ trách công trình công cộng người Pháp tại Sài Gòn trong thế kỷ 20 chụp, ngoại trừ bức ảnh chụp nhà thờ Đức Bà.
Nguyễn Quang Bảo, người tô màu cho bộ ảnh dùng công cụ AI Colourise. Công cụ nền tảng của trang web này sử dụng công nghệ AI để thêm màu phù hợp với các vật thể trong hình. Theo chia sẻ của nhóm phát triển Colourise, công cụ này được tạo ra để thêm màu phù hợp với bối cảnh lịch sử của Singapore. "Mình cũng ngẫu hứng phục chế màu, sau khi thấy bộ ảnh đen trắng thôi", Nguyễn Quang Bảo nói với Zing. Bảo cho biết anh dùng công cụ có sẵn cùng phần mềm Lightroom để tô và tinh chỉnh màu sắc của từng tấm ảnh, bởi màu sắc từ công cụ có thể không tự nhiên và hơi đơn giản.
Sau khi nhận về ảnh đã thêm màu từ Colourise, Bảo sử dụng Lightroom để chỉnh màu chi tiết hơn. Những chi tiết cần phải chỉnh là các mảng màu bị lem, không hài hòa, hoặc đôi khi là lựa chọn về màu sắc.
Ví dụ ở bức ảnh nhà thờ Đức Bà, mái ngói ở các ngôi nhà xung quanh bị lẹm màu xanh từ cây cối. Bảo cho biết đã chỉnh lại thành màu đỏ, nhưng sau đó quyết định vì thấy màu xanh "đẹp và sống động hơn, và nhờ mảng xanh đó mà nó lại hợp lý trong mùa hè này".
Toàn bộ quá trình thêm màu, chỉnh sửa này mất hơn một buổi làm việc. Bảo cho biết ý tưởng ban đầu là ngẫu hứng, lại không có nhiều thời gian nên thực hiện khá đơn giản. Tuy nhiên, bộ hình được hưởng ứng khiến nhóm Saigon Viewers có động lực nghiên cứu những tài liệu về hình ảnh cũ và cách phục chế để thực hiện một số dự án khác.
Tác giả cho biết trong tương lai sẽ chụp lại các bức hình giống như trong bộ ảnh, sau khi các công trình hạ tầng quanh khu đó hoàn thành.
"Ban đầu khá vui và ai cũng hứng khởi. Nhưng khoảng thời gian sau bọn mình cũng có chút áp lực vì việc phục chế ảnh là phải nghiêm túc nghiên cứu, chứ ko phải ngẫu hứng. Do vậy nhóm bàn nghiêm túc về chuyện nghiên cứu để có trách nhiệm với lịch sử và cũng cho mọi người có cảm quan đúng nhất", Bảo chia sẻ.
Theo Nhật Minh/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/nhom-ban-tre-dung-ai-to-mau-cho-anh-sai-gon-xua-post1086772.html