Nhóm bạn trẻ giúp cô, bác thả cá chép bằng ròng rọc tự chế

Không ít người ném nguyên túi nylon chứa cá chép xuống sông, hồ. Hành động này vô tình gây ô nhiễm môi trường, chưa kể đến việc làm chết cá.

Sáng 4/2 (tức 23 tháng Chạp), nhiều bạn trẻ tranh thủ tiện đường đến trường, công ty để thả cá tiễn ông Công ông Táo về trời.

Các địa điểm gần sông, hồ ở thủ đô như ven Hồ Gươm, Hồ Tây, cầu Long Biên… từ sớm đã tấp nập bóng người xách túi nylon đựng cá chép đỏ và tro hóa vàng.

“Sau khi thắp hương buổi sáng xong xuôi, trên đường đi làm, mình tranh thủ ghé qua Hồ Tây để thả cá chép. Mình chọn địa điểm phóng sinh gần chùa Trấn Quốc với hy vọng đem lại may mắn cho gia đình. Năm nào, mình cũng ra đây thả cá. Có năm mình đi cùng bố, lần thì đi một mình”, My (sinh năm 1995, Hà Nội) nói với Zing.

 Hoạt động phóng sinh cá diễn ra từ sáng sớm ở ven Hồ Tây.

Hoạt động phóng sinh cá diễn ra từ sáng sớm ở ven Hồ Tây.

Dù chưa thể về quê đón Tết cùng gia đình vì còn vướng bận công việc, một số bạn trẻ vẫn dành thời gian thực hiện phong tục tiễn Táo quân về trời.

Chia sẻ với Zing, Thùy (sinh năm 1995, Thái Bình) cho biết cô không cúng bái gì tại nhà thuê ở Hà Nội, chỉ đơn thuần đi phóng sinh cá chép cùng đồng nghiệp để cảm thấy nhẹ lòng.

"Mặc dù trú tại Triều Khúc (quận Thanh Xuân), mình vẫn cố gắng lên tận Hồ Tây vừa để thả cá, vừa tận hưởng không khí sáng sớm cho thoải mái tinh thần", cô nói.

Thùy cho biết hồi còn sống cùng gia đình ở Thái Bình, đến 23 Tết, cô sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng rồi đi thả cá với mẹ.

"Không biết năm nay dịch bệnh ảnh hưởng thế này, mấy hôm nữa mình có kịp về quê ăn Tết không”, cô nói.

Bên cạnh túi nylon, nhiều người còn đựng cá chép bằng xô, chậu, nồi...

Bên cạnh túi nylon, nhiều người còn đựng cá chép bằng xô, chậu, nồi...

Thả cá, đừng thả nylon

Phóng sinh cá chép ngày ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Thả cá, rải tro cũng phải đúng cách để thể hiện sự thành tâm.

Tuy nhiên, không ít người ném nguyên túi nylon chứa cá xuống sông, hồ. Hành động này vô tình gây ô nhiễm môi trường, chưa kể đến việc làm chết cá.

Ngọc Bích (sinh năm 1973), trưởng nhóm từ thiện chuyên hoạt động ở Viện K3 Tân Triều, nhận thấy tình trạng người dân xả rác bừa bãi sau khi thả cá vẫn chưa thay đổi nhiều.

 Cô Ngọc Bích vớt và làm sạch túi nylon ven Hồ Tây đã được 7 năm.

Cô Ngọc Bích vớt và làm sạch túi nylon ven Hồ Tây đã được 7 năm.

“Dường như, chỉ khi nhóm chúng mình xuất hiện, người dân mới có ý thức không vứt túi bừa bãi sau khi phóng sinh cá chép”, cô nói.

Để phần nào giúp gìn giữ mỹ quan đô thị dịp cận Tết, suốt 7 năm qua, cứ đến ngày 22-23 tháng Chạp, cô Bích lại cùng vài người bạn vớt, gom túi nylon, sau đó rửa sạch và tặng cho những người bán rau ngoài chợ.

Tương tự, các điểm thả cá chép khác ở Hà Nội cũng xuất hiện một số hội, nhóm tình nguyện hoạt động với mục đích hạn chế người dân xả rác bừa bãi.

Từ 7h, nhóm tình nguyện Cá Chép đã có mặt dọc hai bên cầu Long Biên để xin túi nylon và hỗ trợ người dân thả cá, tro hóa vàng xuống sông Hồng. Túi sau khi thu gom sẽ được chuyển đến các thùng rác đặt sẵn ở công ty vệ sinh môi trường.

Các tình nguyện viên nhóm Cá Chép tích cực hỗ trợ người dân thả tro hóa vàng và cá chép xuống sông bằng ròng rọc tự chế, đồng thời gom túi nylon, giơ bảng biểu tuyên truyền trên cầu Long Biên.

Các tình nguyện viên nhóm Cá Chép tích cực hỗ trợ người dân thả tro hóa vàng và cá chép xuống sông bằng ròng rọc tự chế, đồng thời gom túi nylon, giơ bảng biểu tuyên truyền trên cầu Long Biên.

Giang (sinh năm 2002), một tình nguyện viên, cho biết dự án Đường Táo quân của nhóm đã đi vào hoạt động được 8 năm, với mục đích thay đổi thói quen phóng sinh cả cá lẫn túi bóng và đồ thờ cúng khác của người dân.

Hàng năm, dự án kéo dài trong 3 ngày, từ 22-24 tháng Chạp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay nhóm Cá Chép chỉ hoạt động trong hai ngày 22 và 23 Tết.

Bên cạnh việc giơ bảng biểu tuyên truyền, từ 7-17h, các tình nguyện viên giúp người dân thả cá rồi thu lại túi nylon, cũng như xuống chân cầu, đứng sát bờ sông để hỗ trợ thả tro, thay vì để mọi người ném từ trên cầu xuống gây ô nhiễm không khí.

“Nhiều cô bác lớn tuổi chưa cởi mở với các tình nguyện viên. Khi nhóm xin được hỗ trợ thả cá, họ không đồng ý, thậm chí mắng mỏ vì can dự chuyện của họ. Vấn đề này cũng là khó khăn trong nhiều năm của bọn mình”, Giang chia sẻ với Zing.

“Tuy nhiên, cá nhân mình nhận thấy mọi người cũng dần dần thay đổi ý thức. Nhiều người chủ động lên cầu tìm đến bọn mình để nhờ thả cá. Nếu không thấy nhóm, họ cũng để gọn túi nylon vào một chỗ vì tin chắc rằng bọn mình sẽ đến gom. Nghe những câu động viên từ các cô bác, anh chị, bọn mình cũng cảm thấy rất vui”, cô nói thêm.

Hồng Chang - Tuấn Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhom-ban-tre-giup-co-bac-tha-ca-chep-bang-rong-roc-tu-che-post1180672.html