Nhóm cầu thủ U21 Đồng Tháp cá độ hàng trăm triệu đồng chỉ bị cắt... tiền ăn
Giữa thời điểm 'đóng băng' vì dịch Covid-19, bóng đá Việt lại rúng động vụ nhóm cầu thủ U21 Đồng Tháp cá độ từ giải trẻ tới giải hạng Nhì quốc gia, với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Ngày 20-3, một lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) xác nhận đơn vị này đã gửi công văn cho Sở VH-TT&DL Đồng Tháp yêu cầu Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh giải trình vụ một nhóm cầu thủ đội U21 Đồng Tháp tham gia cá độ.
Sau khi nhận được giải trình, căn cứ vào các tình tiết, dự kiến Ban Kỷ luật VFF sẽ đưa ra các quyết định kỷ luật tùy theo vi phạm từng cầu thủ.
11 cầu thủ thừa nhận "dính chàm"
Tường trình với đơn vị chủ quản, nhóm cầu thủ U21 Đồng Tháp khai đã cá cược, dàn xếp tỉ số ở 3 trận đấu, gồm: trận U21 Đồng Tháp hòa Vĩnh Long 1-1 ngày 19-6-2019 thuộc khuôn khổ vòng loại bảng C Giải U21 quốc gia 2019 (cá cược trên mạng với hình thức xỉu - tức trận đấu có 2 bàn trở xuống) và hai trận tại giải hạng Nhì quốc gia 2019 (khoác áo CLB Gia Định).
Tổng số tiền cá cược nhóm cầu thủ U21 Đồng Tháp nhận từ 3 trận đấu nói trên là gần 220 triệu đồng, trong đó riêng trận hòa Vĩnh Long 1-1, nhóm cầu thủ U21 Đồng Tháp gồm 9 cầu thủ đá chính và 2 cầu thủ dự bị nhận về 133 triệu đồng.
Một cầu thủ khác của U21 Đồng Tháp (xin giấu tên) còn cho biết dù không tham gia cá cược nhưng cũng được chia 14 triệu đồng để không tiết lộ sự việc ra ngoài.
Tình người hay bệnh thành tích?
Điều đáng nói là sau khi sự việc vỡ lở vào tháng 8-2019, từ HLV trưởng đến lãnh đạo đơn vị chủ quản lại ém nhẹm và nhẹ tay khi xử lý.
Cụ thể, cầu thủ H.V.T (sinh năm 1999, được cho là chủ mưu) được hướng dẫn viết đơn xin nghỉ tập trung có thời hạn, sau đó tiếp tục tập luyện trở lại vào tháng 12-2019. Điều này khiến nhiều phụ huynh bức xúc bởi con mình trong sạch thì không có cơ hội thi đấu trong khi các cầu thủ tiêu cực lại vẫn mặc nhiên có suất đá chính ở U21 Đồng Tháp.
Mức phạt mà đơn vị chủ quản đưa ra cho nhóm cầu thủ cá độ hơn 220 triệu đồng này chỉ là cắt tiền ăn, tiền công từ 2 đến 6 tháng.
Phó Giám đốc Trung tâm TDTT Đồng Tháp Phạm Quốc Dũng thừa nhận sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị này chủ động "xử lý theo tình người", đó là cho các cầu thủ có cơ hội làm lại do đã thành khẩn khai báo, gia đình hoàn cảnh khó khăn...
Nhưng một nguyên nhân khác được chính vị lãnh đạo thể thao Đồng Tháp thừa nhận là: "Nếu kỷ luật hết 11 cầu thủ này thì 5-7 năm nữa Đồng Tháp chưa có lứa cầu thủ chơi ở giải hạng Nhất quốc gia được. Ngoài ra, các em này đều đang ở độ chín và chúng tôi đặt mục tiêu giành thành tích cao hơn chiếc huy chương đồng ở mùa 2019".
Đồng Tháp từng là lò đào tạo trẻ trứ danh của bóng đá Việt Nam, với rất nhiều tài năng khoác áo đội tuyển quốc gia, nhưng bắt đầu thoái trào khoảng 3-5 năm trở lại đây. Trong đó, tâm lý xuê xoa với những vụ việc tiêu cực như kể trên là một trong những nguyên nhân.
Nhìn rộng hơn, tâm lý xuê xoa với các sai phạm của các cầu thủ trẻ xuất hiện ở nhiều đội bóng. Phải chăng đó là nguyên nhân khiến "bóng ma tiêu cực" vẫn đeo bám các giải trẻ quốc gia, vốn được xem là nơi ươm mầm tài năng cho đội tuyển quốc gia?!