Nhóm cây cà phê, cao su: 'Lôi kéo doanh nghiệp vào để chế biến'
Tại buổi chất vấn sáng 6/11, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) tranh luận cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Theo ông Tám, vùng Tây Nguyên có cây cà phê, cao su được người dân trồng theo phong trào “cà phê nhân dân”. Cà phê trồng theo phong trào bấp bênh. Qua tiếp xúc cử tri, bà con bày tỏ muốn được trợ giá. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về đề xuất này”, đại biểu Tô Văn Tám hỏi. Đây cũng là mối quan tâm của đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk).
Trả lời các chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Những vấn đề đại biểu đưa ra cần được giải quyết bằng nhóm giải pháp căn cơ và dài hạn”. Diện tích cà phê của chúng ta hiện lên đến 680 nghìn ha, với sản lượng rất cao. Thế giới đang khủng hoảng cung - cầu, cung vượt cầu. Do đó, Bộ trưởng nêu rõ, “cần rà soát theo ba nhóm giải pháp lớn, trong đó diện tích già cỗi, canh tác kém, năng suất thấp kiên quyết cải tạo, thay thế”. Vừa qua, các tỉnh đã làm rất tốt, xác định 120 nghìn ha già cỗi, canh tác kém để thay thế, chuyển sang cây trồng mới.
Nhóm giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường "không gì bằng tập trung chế biến”, vì lượng nông sản được chế biến chiếm 12% tổng sản lượng nông sản nhưng đem lại 20% giá trị. “Đầu tư chế biến sẽ tạo chuỗi giá trị sản xuất khép kín, có chế biến mới rải vụn sản phẩm, không có tình trạng tập trung chào bán trong một thời điểm”.
Riêng đối với cây cà phê, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời, sẽ tiến hành đồng bộ giải pháp, rà soát diện tích cây nào già cỗi sẽ tái canh; sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường; tập trung chế biến sâu bằng thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư. Để thực hiện mục tiêu phát triển chế biến sâu, "trong lễ hội cà phê năm nay sẽ có một chương trình để giới thiệu tiềm năng cho doanh nghiệp, để cùng chung tay thực hiện” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về cây cao su, chia sẻ với khó khăn của bà con, Bộ trưởng cũng nêu rõ, loại cây này sẽ còn một thời kỳ giảm giá. Bởi từ nay đến năm 2050, thế giới có xu hướng kết thúc năng lượng hóa thạch, chuyển sang một dạng năng lượng văn minh hơn là năng lượng tái tạo. Cùng với việc gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo, sự trồi sụt của tăng trưởng kinh tế thế giới, nên nhu cầu tiêu thụ cao su mất cân đối với nguồn cung cấp. “Chủ trương dài hạn là rà soát lại, không tăng diện tích trồng cao su”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định, giải pháp trước mắt và lâu dài với các nhóm cây trồng cây công nghiệp, đặc biệt là ba nhóm cây trồng ở khu vực Tây Nguyên là cần rà soát, loại nào diện tích đã hết quy hoạch kiên quyết dừng lại, rà soát khu vực nào không thể tăng cường thâm canh. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm: “Lôi kéo doanh nghiệp vào để chế biến; đưa các giải pháp khoa học vào để sản xuất nguyên liệu ở mức hợp lý, không tăng sản lượng nhưng tăng chất lượng, thu hút doanh nghiệp để chế biến nông sản."
Tiếp tục tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự không đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng khi nói rằng, khâu tổ chức sản xuất không còn là số 1. “Sắp số thứ tự như thế nào là tùy Bộ trưởng, nhưng theo tôi, tổ chức sản xuất là gốc của vấn đề để nông nghiệp phát triển bền vững và phát huy đúng tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị: Bộ trưởng cho biết quan điểm nêu trên là đúng hay sai? Vì sao tổ chức sản xuất không phải là số 1, nếu tổ chức sản xuất không tốt lấy đâu ra sản phẩm tốt, lấy đâu ra sản phẩm để bán, bán cho ai và lấy gì để chế biến?.
Bộ trưởng cho biết, trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay, thì thị trường là khâu khó nhất. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại vừa qua, thì “từng cân rau, cân quả phải đấu tranh để bán hàng; khâu chế biến đang kém, hầu hết xuất thô, chứ không phải nói thế là coi nhẹ sản xuất”, Bộ trưởng nêu rõ… “Nhưng làm tốt đến mấy mà không có chế biến thì không thể nào bán được”, Bộ trưởng khẳng định lại.