Nhóm chuyên gia WHO phát hiện gì ở tâm dịch Vũ Hán?
Khi đến Vũ Hán truy tìm nguồn gốc dịch Covid-19, nhóm chuyên gia WHO xác định chồn và thỏ từng được bán ở chợ Hoa Nam có thể là vật chủ của virus corona trước khi lây sang người.
Nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang khoanh vùng tìm kiếm loài động vật đã lây virus corona sang người. Hai "nghi phạm" tiềm năng chính là chồn bạc má và thỏ, từng được bán tại chợ Hoa Nam của thành phố Vũ Hán - ổ dịch quy mô lớn đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2019.
Các nhà khoa học vẫn chưa nắm trong tay danh sách đầy đủ những loài vật nào bị mua bán hợp pháp, lẫn bất hợp pháp, trong khu chợ. Họ cũng cần điều tra thêm về nguồn cung động vật cho chợ Hoa Nam.
Một số mặt hàng thịt rừng được vận chuyển đến Vũ Hán từ một vùng phía nam Trung Quốc, nằm gần biên giới tiếp giáp các nước Đông Nam Á.
Đây cũng là khu vực các nhà khoa học phát hiện ra virus corona trong loài dơi có liên hệ gần nhất với SARS-CoV-2 đang gây ra đại dịch toàn cầu.
Theo Wall Street Journal, nhóm điều tra quốc tế vẫn đang cân nhắc nhiều giả định, dù chúng mâu thuẫn nhau. Họ chưa thể khẳng định virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên lây sang người tại chợ Hoa Nam, hay nó đã lây lan ở khu vực khác từ trước.
Tuy nhiên, thông qua quá trình nghiên cứu những bằng chứng trong khuôn khổ mà nhóm chuyên gia WHO có thể tiếp cận, chân dung loài vật là "nghi phạm" trung gian lây virus sang cơ thể người đang dần lộ diện.
Thu hẹp giả thuyết vật chủ trung gian
Các nhà khoa học cho rằng khả năng rất cao virus bắt nguồn từ dơi và lây sang người qua một loài vật trung gian, với địa điểm "nhảy bệnh" là một nông trại hoặc chợ. Nhiều nhà khoa học cho rằng hoạt động mua bán động vật hoang dã trái phép ở Trung Quốc tạo điều kiện cho diễn biến này.
Peter Daszak, nhà động vật học trong nhóm điều tra WHO, tiết lộ họ phát hiện xác chồn bạc má trong các tủ đông ở chợ Hoa Nam.
Dù những cá thể được phát hiện cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, loài vật này nhìn chung vẫn có khả năng đóng vai trò vật chủ trung gian.
"Đây là một trong những phương thức khả dĩ để virus đến Vũ Hán", tiến sĩ Daszak nhận định.
Chồn bạc má chủ yếu được phát hiện ở miền Nam Trung Quốc. Chúng cùng họ với chồn và rái cá. Người dân địa phương thường săn chồn bạc má để bán thịt hoặc lông, dù loài này thuộc nhóm động vật hoang dã được bảo vệ.
Ông Peter Daszak lưu ý rằng nhóm còn tìm thấy thỏ ở chợ Hoa Nam. Các nhà khoa học nhận thấy loài này cũng "khá mẫn cảm với SARS-CoV-2".
Theo Marion Koopmans, chuyên gia nghiên cứu virus trong nhóm điều tra WHO, giới khoa học từ lâu nghi ngờ chồn bạc má và thỏ là những loài vật có khả năng mang và lây lan virus corona gây ra đại dịch.
Việc xác định loài vật lây virus corona từ động vật hoang dã sang con người là một bước tiến quan trọng đối với nỗ lực điều tra.
Một khi bí ẩn được làm sáng tỏ, các nhà nghiên cứu có thể truy tận gốc môi trường sinh sôi ban đầu của virus, nhiều khả năng là một đàn dơi hoang dã; từ đó sẽ ngăn chặn được virus sơ khai nhảy sang người với dạng đột biến mới.
Theo chuyên gia Dominic Dwyer của WHO, Trung Quốc cũng cần xét nghiệm trên diện rộng các nông trại chồn vizon, phần lớn nằm tại miền Bắc Trung Quốc.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc vẫn chưa phát hiện bất kỳ ổ dịch nào liên quan đến các trại nuôi chồn vizon. Tuy nhiên, tình trạng này được phát hiện nhiều lần ở châu Âu.
Marion Koopmans nhận định chồn vizon không phải là môi trường sinh sôi lý tưởng cho virus. Tuy nhiên, thông qua nghiên cứu sâu hơn ở các cá thể chồn vizon mới sinh - vốn có hệ miễn dịch khác với cá thể trưởng thành, giả thuyết trên vẫn có thể được xét lại.
Khả năng nguồn bệnh xuyên biên giới
Ông Peter Daszak cho biết chợ Hoa Nam có 10 sạp bán động vật hoang dã. Hàng hóa được chuyển đến từ nhiều nguồn, nhưng đáng lưu ý nhất là các nông trại nuôi thú hoang dã ở Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Các tỉnh này tiếp giáp 3 quốc gia Đông Nam Á.
Điều tra về chuỗi cung ứng động vật hoang dã cho chợ Hoa Nam đã dẫn đến một phát hiện rất quan trọng, theo ông Daszak.
Giới nghiên cứu trong năm 2020 tìm thấy 2 mẫu virus có họ hàng với SARS-CoV-2 ở loài dơi sống tại tỉnh Vân Nam. Bên cạnh đó, các tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông cũng phát hiện những cá thể tê tê mang mẫu virus tương tự.
Tuy nhiên, Daszak cùng đồng nghiệp tán thành việc mở rộng xem xét thêm ở một số nước khác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Một số nước trong khu vực, như Thái Lan, phát hiện một chủng virus corona với đặc điểm tương tự SARS-CoV-2. Ông không loại trừ khả năng loài vật mang virus di chuyển giữa các nước.
Một khả năng khác là xác loài vật mang virus được đông lạnh và chuyển đến Trung Quốc.
Giả định này vẫn được giới nghiên cứu hoài nghi. Một số thí nghiệm chứng tỏ virus có thể sống sót trong thời gian dài ở môi trường lạnh hoặc đông lạnh.
Tuy nhiên, hoạt tính của virus cũng suy yếu khi chúng bị đông lạnh rồi được rã đông. Khả năng lây nhiễm của virus sau quá trình này cũng chưa được làm rõ.
Nhóm chuyên gia WHO cũng chưa thể xác định liệu các sạp trong chợ Hoa Nam mua, bán một số loài vật khác có khả năng mang SARS-CoV-2 hay không, chẳng hạn cầy hương và gấu mèo.
Họ cũng không thể xác minh việc các tiểu thương trong chợ mua bán động vật hoang dã còn sống. Theo Peter Daszak, khi điều tra ở Vũ Hán, nhóm luôn nhận được câu trả lời rằng chợ Hoa Nam không tồn tại tình trạng này.
Theo một điều tra vào năm 2020 của Wall Street Journal, một số nhân chứng từng buôn bán ở chợ Hoa Nam đã nhìn thấy hoạt động mua bán động vật còn sống, bao gồm chó, thỏ và chồn.
Quản lý một công ty được thuê khử trùng chợ Hoa Nam cũng xác nhận nhìn thấy chuồng nhốt động vật sống ở chợ trước khi nó phải đóng cửa vào ngày 1/1/2020.
Theo các chuyên gia WHO và giới nghiên cứu, trong trường hợp động vật hoặc thịt động vật nhiễm virus được bán tại chợ, chúng đã được tiêu thụ từ nhiều tuần trước khi dịch bùng phát, hoặc được phi tang trước khi nhà chức trách đến hiện trường.
Trung Quốc không tin Vũ Hán là "tâm dịch số 0"
Những giả định mâu thuẫn về phương thức, thời điểm và địa điểm SARS-CoV-2 từ động vật lần đầu lây sang người đang là vấn đề căng thẳng trên chính trường quốc tế.
Kể từ năm 2020, Trung Quốc và Mỹ liên tục cáo buộc bên còn lại ngăn cản nỗ lực điều tra của WHO.
Trong khi Washington lo ngại sự thiếu minh bạch thông tin ở Trung Quốc, giới chức Bắc Kinh lại cáo buộc phương Tây "chính trị hóa" cuộc điều tra.
Nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu lấy mẫu bệnh phẩm ở chợ Hoa Nam vào ngày 31/12/2019. Họ thông báo chỉ phát hiện dấu vết virus trong các mẫu môi trường được thu thập từ cống thoát nước, sạp hàng và một số vật dụng. Mẫu bệnh phẩm thu thập từ động vật lại không dương tính với virus.
Liang Wannian, lãnh đạo nhóm chuyên gia tư vấn cho Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, vào giữa tháng 2 một lần nữa khẳng định kết luận trên.
Ông Liang nhấn mạnh Trung Quốc không phát biện bất kỳ kết quả dương tính nào trong số 1.914 mẫu bệnh phẩm được thu thập từ 35 loài động vật hoang dã ở Trung Quốc, qua xét nghiệm kháng thể.
Các cơ quan nghiên cứu cũng tiến hành xét nghiệm PCR (phân tích gene để tìm dấu vết di truyền của virus) với 50.000 mẫu bệnh phẩm, được thu thập từ 300 loài động vật hoang dã ở Trung Quốc. Tất cả kết quả đều âm tính.
Dominic Dwyer, nhà vi sinh vật học trong nhóm điều tra WHO đến Trung Quốc, nhận định việc mở rộng nghiên cứu sang Đông Nam Á và một số nước khác là bước đi hợp lý. Ông lưu ý điều này không đồng nghĩa rằng virus không bắt nguồn từ Trung Quốc.
Dù nhóm chuyên gia đã đến Vũ Hán điều tra trong 4 tuần sau nhiều tháng đàm phán giữa Bắc Kinh và WHO, họ vẫn phụ thuộc nhiều vào sự chủ động hợp tác của giới chức Trung Quốc để tiếp cận các nhà khoa học địa phương và dữ liệu nghiên cứu.
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn lặp đi lặp lại lập trường đại dịch bắt nguồn ở nước ngoài.
Peter Ben Embarek, lãnh đạo cuộc điều tra của WHO tại Trung Quốc, ngày 14/2 khẳng định nhóm chuyên gia muốn tiến hành thêm nhiều nghiên cứu mang tính hệ thống cao hơn, trên những loài vật mẫn cảm với SARS-CoV-2, ngoài chồn bạc má và thỏ.
Những đối tượng nghiên cứu tiềm năng là chồn vizon, cáo và gấu mèo.
Ông cùng các đồng nghiệp cũng không ủng hộ giả thuyết virus được đưa đến Vũ Hán qua thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Đây là giả thuyết được một số quan chức Trung Quốc đề cập trong thời gian qua, nhằm khẳng định đại dịch không bắt nguồn tại nước này.
Theo Embarek, vào giai đoạn SARS-CoV-2 xuất hiện, không có bất kỳ ổ dịch nào bùng phát trên diện rộng có liên quan đến cơ sở chế biến thực phẩm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhom-chuyen-gia-who-phat-hien-gi-o-tam-dich-vu-han-post1185213.html