Nhóm công nghệ thúc giục chính quyền Biden dừng quy định phút chót về chip AI vì 'ảnh hưởng vị thế dẫn đầu của Mỹ'

Một nhóm trong ngành công nghệ vừa kêu gọi chính quyền Joe Biden không ban hành quy định vào phút chót nhằm kiểm soát quyền tiếp cận toàn cầu với chip trí tuệ nhân tạo (AI), cảnh báo rằng các hạn chế này có thể đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI.

Information Technology Industry Council (Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin), đại diện cho Amazon, Microsoft và Meta Platforms, cho biết quy định này, có thể được công bố sớm nhất hôm 10.1, sẽ áp đặt các hạn chế tùy ý lên khả năng bán hệ thống máy tính ra nước ngoài của các công ty Mỹ và nhường thị trường toàn cầu cho các đối thủ cạnh tranh.

Vào tháng 12.2024, hãng tin Reuters đã tiết lộ chi tiết về kế hoạch của Bộ Thương mại Mỹ nhằm phê duyệt xuất khẩu chip AI toàn cầu, đồng thời ngăn chặn các đối tượng xấu tiếp cận chúng. Một mục tiêu chính của các hạn chế này là ngăn chặn việc AI tăng cường năng lực quân sự của Trung Quốc.

Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo, Jason Oxman (Giám đốc điều hành Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin) chỉ trích sự "khăng khăng" của chính quyền trong việc công bố quy định này vào những ngày cuối nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden. Ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1.2025.

"Việc vội vàng hoàn thiện một quy định quan trọng và phức tạp có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực đáng kể", Jason Oxman viết trong bức thư ngày 7.1.

Dù Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin đánh giá cao cam kết với an ninh quốc gia, Jason Oxman cho biết "những rủi ro tiềm tàng với vị thế dẫn đầu toàn cầu của Mỹ trong lĩnh vực AI là có thật và cần được xem xét nghiêm túc".

Nhóm này đề nghị rằng bất kỳ kiểm soát nào như vậy nên được ban hành dưới dạng đề xuất, thay vì quy định chính thức, vì những tác động đáng kể về mặt địa chính trị và kinh tế

Bộ Thương mại Mỹ và Nhà Trắng không ngay lập tức phản hồi câu hỏi về vấn đề này.

Sự phản đối của ngành với quy định đó dự kiến sẽ trở nên thẳng thắn và công khai hơn.

Hôm 5.1, Ken Glueck (Phó chủ tịch điều hành tại Oracle) viết trong bài đăng trên blog rằng thay vì nhắm vào các hoạt động cần lo ngại, chính quyền Biden áp đặt một quy định khổng lồ lên ngành công nghiệp điện toán đám mây thương mại. Theo Ken Glueck, quy định này sẽ điều chỉnh gần như toàn bộ lĩnh vực điện toán đám mây thương mại trên toàn cầu lần đầu tiên trong lịch sử.

Ken Glueck nói rằng quy định có tên Khung Kiểm soát xuất khẩu cho sự phổ biến AI “sẽ được ghi nhận là một trong những quy định gây tổn hại lớn nhất đến ngành công nghệ của Mỹ".

Information Technology Industry Council kêu gọi chính quyền Joe Biden không ban hành quy định vào phút chót nhằm kiểm soát quyền tiếp cận toàn cầu với chip AI, vì có thể đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI - Ảnh: Reuters

Information Technology Industry Council kêu gọi chính quyền Joe Biden không ban hành quy định vào phút chót nhằm kiểm soát quyền tiếp cận toàn cầu với chip AI, vì có thể đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI - Ảnh: Reuters

Đầu tháng 12.2024, Mỹ đã tiến hành đợt trừng phạt thứ ba trong vòng 3 năm qua với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu đến 140 công ty, gồm cả nhà sản xuất thiết bị chip Naura Technology Group, theo Reuters.

Nỗ lực từ Mỹ nhằm cản trở tham vọng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến nhà cung cấp thiết bị tạo chip Piotech và SiCarrier Technology với hạn chế xuất khẩu mới.

Gói biện pháp mới này sẽ ngăn vận chuyển chip nhớ tiên tiến và các công cụ sản xuất chip khác từ Mỹ đến Trung Quốc.

Động thái đó đánh dấu một trong những nỗ lực quy mô lớn cuối cùng từ chính quyền Biden nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận và sản xuất chip AI có thể hỗ trợ các ứng dụng quân sự hoặc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Việc này diễn ra chỉ vài tuần trước lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump vào tháng 1.2025. Dự kiến ông Trump sẽ duy trì nhiều biện pháp cứng rắn với Trung Quốc như thời chính quyền Biden.

Theo Reuters, gói trừng phạt mới của Mỹ với Trung Quốc gồm hạn chế vận chuyển chip nhớ băng thông cao (HBM) vốn rất quan trọng cho các ứng dụng cao cấp như đào tạo mô hình AI; hạn chế bổ sung với 24 công cụ sản xuất chip và 3 phần mềm; hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip từ Malaysia, Singapore, Israel, Đài Loan và Hàn Quốc.

Các biện pháp kiểm soát công cụ sản xuất chip có thể sẽ gây tổn hại cho ba công ty Mỹ là Lam Research, KLA và Applied Materials, cũng như hãng nước ngoài như ASM International (Hà Lan).

Trong số các hãng Trung Quốc phải đối mặt với lệnh hạn chế mới từ Mỹ có gần hai tá công ty bán dẫn, hai hãng đầu tư vào ngành chip và hơn 100 nhà cung cấp công cụ sản xuất chip, theo các nguồn tin của Reuters.

Các nhà làm luật Mỹ cho rằng một số công ty Trung Quốc, gồm cả Swaysure Technology Co, Qingdao SiEn và Shenzhen Pensun Technology Co, hợp tác với gã khổng lồ viễn thông Huawei. Bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ năm 2019, Huawei hiện là trung tâm thiết kế và sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

Với các công ty Trung Quốc bị thêm vào danh sách thực thể, nhà cung cấp Mỹ sẽ không thể giao hàng đến họ nếu không nhận được giấy phép đặc biệt trước từ chính phủ.

Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực tự cung tự cấp trong lĩnh vực bán dẫn những năm gần đây, vì bị Mỹ và các quốc gia khác hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến cùng các công cụ sản xuất chúng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt hậu nhiều năm so với các công ty dẫn đầu ngành chip như Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới của Mỹ) và ASML (nhà cung cấp thiết bị sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới ở Hà Lan).

Mỹ cũng dự kiến áp đặt thêm hạn chế với SMIC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc), vốn đã nằm trong danh sách đen thương mại từ năm 2020 nhưng vẫn được cấp phép hàng tỉ USD giá trị hàng hóa được xuất khẩu.

Lần đầu tiên, Mỹ sẽ thêm hai công ty Trung Quốc đầu tư vào ngành chip trong danh sách đen thương mại. Đó là công ty cổ phần tư nhân Wise Road Capital và hãng công nghệ Wingtech Technology Co.

Các công ty xin giấy phép giao hàng đến thực thể trong danh sách đen của Mỹ thường bị từ chối.

Một khía cạnh của gói biện pháp mới liên quan đến quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài có thể ảnh hưởng đến một số đồng minh với Mỹ, do hạn chế những gì các công ty nước này có thể giao đến Trung Quốc.

Quy tắc mới sẽ mở rộng quyền hạn của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu thiết bị chip từ các công ty Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan được tạo ra tại nơi khác trên thế giới sang một số nhà máy chip nhất định tại Trung Quốc.

Thiết bị chip được sản xuất tại Malaysia, Singapore, Israel, Đài Loan và Hàn Quốc phải tuân theo quy tắc này, trong khi Hà Lan và Nhật Bản sẽ được miễn trừ.

Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài mở rộng sẽ áp dụng cho 16 công ty trong danh sách đen thương mại được coi là quan trọng nhất với tham vọng sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Quy định cũng sẽ giảm xuống mức bằng 0 lượng nội dung của Mỹ để xác định khi nào một số mặt hàng nước ngoài chịu sự kiểm soát từ nước này. Điều đó cho phép Mỹ kiểm soát bất kỳ mặt hàng nào được vận chuyển đến Trung Quốc từ nước ngoài nếu chứa bất kỳ con chip nào của Mỹ.

Các quy tắc mới được ban hành sau các cuộc thảo luận kéo dài giữa Mỹ với Nhật Bản và Hà Lan. Hiện hai nước này cùng Mỹ thống trị việc cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Một quy định khác trong gói biện pháp này từ Mỹ sẽ hạn chế bộ nhớ được sử dụng trong chip AI tương ứng công nghệ HBM 2 và cao hơn, được sản xuất bởi Samsung và SK Hynix (hai hãng chip nhớ hàng đầu thế giới ở Hàn Quốc) cùng Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ).

Các quy định mới nhất là gói hạn chế xuất khẩu chip lớn thứ ba với Trung Quốc được thực hiện dưới thời chính quyền Biden. Vào tháng 10.2022, Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát sâu rộng nhằm hạn chế việc bán và sản xuất một số loại chip cao cấp. Động thái này được coi là sự thay đổi lớn nhất trong chính sách công nghệ của Mỹ với Trung Quốc kể từ những năm 1990.

Phạm vi của lệnh cấm đó đã được mở rộng hồi tháng 10.2023 và một lần nữa vào tháng 9.2024 để bao gồm cả các chất bán dẫn bổ sung, như chip chơi game hiệu suất cao và chip trung tâm dữ liệu cấp thấp hơn.

Sức mạnh tính toán và AI, được thúc đẩy bởi các chip tiên tiến, đã trở thành chiến trường cạnh tranh quan trọng giữa hai siêu cường, khi cả hai đều nỗ lực thống trị sản xuất các loại chip có kích thước dưới 10 nanomet.

Trung Quốc đã trả đũa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn từ chính quyền Biden bằng cách cấm vận chuyển các vật liệu quan trọng đến Mỹ, đẩy căng thẳng trong cuộc chiến chip toàn cầu lên cao trước nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.

Hôm 2.12.2024, bà Gina Raimondo - Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã nói với các phóng viên Reuters, The New York Times và nhiều tờ báo khác rằng các hạn chế mới nhất của chính quyền Biden là "biện pháp kiểm soát mạnh mẽ nhất mà Mỹ từng ban hành nhằm làm suy yếu khả năng sản xuất chip tiên tiến nhất mà Trung Quốc đang sử dụng trong quá trình hiện đại hóa quân đội".

Hôm 3.12.2024, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ dừng xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng liên quan đến khoáng sản, kim loại có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Các vật liệu được gọi là lưỡng dụng này gồm gallium, germanium và antimony, cùng một số kim loại siêu cứng. Thông báo trên cũng bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn với mặt hàng liên quan đến graphite, "vật liệu kỳ diệu" có độ dẫn điện cao.

Các vật liệu này được sử dụng để chế tạo chất bán dẫn, pin, thiết bị điện tử tiên tiến và tấm pin mặt trời.

Trung Quốc và Mỹ đã bị cuốn vào cuộc đua công nghệ để dẫn đầu trong lĩnh vực AI và công nghệ quân sự. Việc chặn vận chuyển các vật liệu thiết yếu cho những ngành này là chiến thuật mới được triển khai.

Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc để nhập khẩu gallium và antimony. Dù Mỹ sản xuất một số germanium, Trung Quốc tạo ra 98% nguồn cung kim loại này của thế giới, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (thuộc cơ quan chính phủ).

Vào tháng 11.2024, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ đã công bố nghiên cứu cho biết việc mất quyền tiếp cận nguồn nhập khẩu germanium và gallium có thể gây ra "tổn thất hàng tỉ USD" cho nền kinh tế Mỹ, với hậu quả tập trung nhiều nhất vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Hôm 3.12.2024, Bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố: "Mỹ đã mở rộng khái niệm về an ninh quốc gia, chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ, đồng thời lạm dụng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu". Bộ này cho biết thêm rằng các biện pháp đáp trả có hiệu lực ngay lập tức và đang được thực hiện để "bảo vệ an ninh quốc gia".

Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ tiếp tục gây sức ép lên ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc. Ở nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế lên tới 25% với hàng hóa Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, Trump cho biết ông sẽ tăng con số đó lên tới 60% nếu cần thiết.

Tại cuộc phỏng vấn vào tháng 6 với nhân vật truyền thông xã hội Logan Paul, Trump đã gọi Trung Quốc là "mối đe dọa chính" với ngành AI của Mỹ.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhom-cong-nghe-thuc-giuc-chinh-quyen-biden-dung-quy-dinh-phut-chot-ve-chip-ai-vi-anh-huong-vi-the-dan-dau-cua-my-228029.html