Nhóm đối tượng nào được tặng Kỷ niệm chương 'Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô'?

Theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội Quy định về xét tặng Kỷ niệm chương 'Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô', Kỷ niệm chương 'Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô' là hình thức khen thưởng của UBND TP để tặng cho cá nhân có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định về xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”. Theo đó, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” là hình thức khen thưởng của UBND TP để tặng cho cá nhân có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô gồm: cá nhân đã hoặc đang sinh sống, công tác, hoạt động cách mạng tại Hà Nội; cá nhân đã hoặc đang đảm nhiệm một trong các chức vụ theo quy định tại nghị quyết này.

Trước hết đối tượng được trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô" phải chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có đóng góp vào quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội gồm:

Cá nhân đã hoặc đang sinh sống, công tác, hoạt động cách mạng tại Hà Nội thuộc một trong các đối tượng sau: tham gia hoạt động cách mạng ở Hà Nội trước ngày 19/8/1945; tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tại Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hoặc cá nhân là công dân cư trú tại Hà Nội trong thời gian đó tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tại các địa phương ngoài Hà Nội và được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khen thưởng các cá nhân “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2023

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khen thưởng các cá nhân “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2023

Cá nhân được tặng thưởng Huy chương “Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với thành tích đạt được trong thời gian công tác, làm việc tại Hà Nội hoặc cá nhân là công dân cư trú tại Hà Nội trong thời gian đó tham gia Thanh niên xung phong tại các địa phương ngoài Hà Nội; Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” có thân nhân tham gia hoạt động, chiến đấu và hi sinh tại địa bàn Hà Nội.

Nhóm đối tượng tiếp theo là cá nhân đã hoặc đang đảm nhiệm một trong các chức vụ sau: Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND, UBND TP Hà Nội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND, UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội.

Trưởng ban đảng, cơ quan trực thuộc Thành ủy Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội; Giám đốc sở, trưởng cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội và tương đương của TP; Bí thư quận, huyện, thị xã, đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội có thời gian giữ chức vụ từ 5 năm trở lên.

Phó trưởng ban đảng, cơ quan trực thuộc Thành ủy Hà Nội; Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Thư ký các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo TP Hà Nội, Phó giám đốc sở, phó trưởng các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và tương đương thuộc TP; Phó bí thư quận, huyện, thị xã, đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; Ủy viên ủy ban kiểm tra Thành ủy; Trưởng các hội cấp TP được giao biên chế có thời gian giữ chức vụ từ 8 năm trở lên.

Cá nhân là đại biểu HĐND TP tham gia đủ 2 nhiệm kỳ (từ 10 năm) trở lên; chức danh tương đương huyện ủy viên trước ngày 30/4/1975 gồm: Trưởng ban, ngành cấp huyện; Huyện đội phó; Phó Bí thư, Phó chủ tịch các đoàn thể cấp tỉnh; Ủy viên ban của tỉnh, Ủy viên tỉnh đội, Ủy viên an ninh của tỉnh.

Cá nhân công tác tại các Bộ, ban, ngành ở Trung ương được phân công theo dõi Hà Nội từ 5 năm trở lên. Cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP, các đơn vị hiệp quản thuộc TP từ 30 năm trở lên đối với nam, từ 25 năm trở lên đối với nữ...

Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” phải bảo đảm chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Mỗi cá nhân chỉ được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” một lần, không áp dụng hình thức truy tặng. Việc xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” được tiến hành thường xuyên.

Nghị quyết cũng quyết nghị chưa xét tặng đối với các trường hợp sau: cá nhân đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc có liên quan đến các vụ án hình sự mà chưa có kết luận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; cá nhân đang trong thời gian thi hành một trong các hình thức kỷ luật. Thời gian chịu hình thức kỷ luật không được tính vào thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương.

Cá nhân đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vấn đề tham nhũng, tiêu cực đang được xác minh làm rõ; không xét tặng đối với cá nhân đã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội có thẩm quyền tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” cho các đối tượng đủ điều kiện.

Cá nhân được tặng Bằng Kỷ niệm chương, khung Bằng, Kỷ niệm chương, hộp đựng Kỷ niệm chương và tiền thưởng bằng mức tối đa theo quy định tại Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng là 0,6 lần mức lương cơ sở. Tiền thưởng cho cá nhân được trích từ Quỹ Thi đua, Khen thưởng của TP theo quy định hiện hành.

Đáng chú ý, Nghị quyết cũng nêu rõ, với cá nhân đã được tặng thưởng Kỷ niệm chương nhưng phát hiện kê khai thành tích không đúng thì sẽ bị hủy bỏ quyết định tặng thưởng, thu hồi hiện vật và tiền thưởng theo quy định. Các địa phương, cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan trong việc xác nhận thành tích, đề xuất trình khen tùy theo mức độ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vân Hà - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhom-doi-tuong-nao-duoc-tang-ky-niem-chuong-vi-su-nghiep-xay-dung-thu-do.html