Nhóm Hồi giáo IS-K đánh bom đẫm máu ở sân bay Kabul (Afghanistan) là ai?
Sau khi chính quyền Afghanistan thân Mỹ sụp đổ, tổ chức Hồi giáo Taliban nắm quyền gần như trên toàn quốc. Nhưng nhóm khủng bố IS-K cũng bắt đầu trỗi dậy và đã tiến hành đánh bom đẫm máu ở khu vực sân bay Kabul mới đây. Vậy IS-K là ai, có gốc gác như thế nào, và mang những đặc điểm gì?
Vụ tấn công bằng bom và súng vào đám đông tụ tập ngay bên ngoài sân bay quốc tế Kabul (Afghanistan) vào ngày 26/8/2021 đã khiến khoảng 200 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ, số còn lại là người Afghanistan.
Nhóm Hồi giáo mang tên IS-K đã nhận trách nhiệm về việc thực hiện cuộc tấn công tàn bạo này - cuộc tấn công xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo về khả năng IS-K sắp sửa tấn công sân bay, quân Mỹ và đồng minh, cùng những dân thường vô tội.
IS-K là một chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi IS hoạt động chủ yếu ở Iraq và Syria thì IS-K hoạt động tại địa bàn Afghanistan.
Amira Jadoon - một chuyên gia về khủng bố tại Học viện Quân sự West Point của Mỹ và Andrew Mines - nghiên cứu viên tại Chương trình về chủ nghĩa Cực đoan tại Đại học George Washington cũng của Mỹ, đã theo dõi IS-K trong nhiều năm và cung cấp cho chúng ta một số thông tin cơ bản về nhóm khủng bố này và mối đe dọa mà chúng tạo ra ở Afghanistan.
IS-K là ai?
IS-K là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Islamic State Khorasan Province, có nghĩa là tổ chức "Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan". (Còn có các tên viết tắt khác như ISKP, ISIS-K). Tổ chức này chủ yếu hoạt động ở Afghanistan và nhận được sự công nhận của ban lãnh đạo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria.
IS-K chính thức được thành lập vào tháng 1/2015. Chỉ trong thời gian ngắn, nó đã củng cố được sự kiểm soát lãnh thổ ở vài khu vực nông thôn thuộc miền bắc và đông bắc Afghanistan, đồng thời thực hiện chiến dịch tấn công chết người trên khắp lãnh thổ Afghanistan và Pakistan.
Trong vòng 3 năm đầu tiên, IS-K đã mở các cuộc tấn công chống lại các nhóm thiểu số, các nơi công cộng và các thể chế công, cùng với các mục tiêu thuộc chính phủ ở các thành phố lớn của hai quốc gia Nam Á này.
Vào năm 2018, IS-K trở thành một trong 4 tổ chức khủng bố chết chóc nhất thế giới, theo chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình có trụ sở chính ở Australia.
Tuy nhiên tổ chức này đã hứng chịu các tổn thất lớn về lãnh thổ, lãnh đạo, và thành viên cấp cơ sở trước sự tấn công của liên minh do Mỹ đứng đầu cũng như chính quyền Afghanistan thân Mỹ. Vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, hơn 1.400 thành viên của IS-K cùng gia đình họ đã đầu hàng chính phủ Afghanistan. Do vậy, có một số người coi tổ chức này như đã bị đánh bại.
Gốc gác của IS-K
Tổ chức này được thành lập bởi các cựu thành viên của lực lượng Taliban tại Pakistan, lực lượng Taliban tại Afghanistan, và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan. Theo thời gian, IS-K đã tuyển mộ thêm người từ nhiều tổ chức chiến binh khác.
Một trong những sức mạnh lớn nhất của IS-K là khả năng tận dụng kinh nghiệm chuyên môn tại chỗ của các chiến binh và chỉ huy. IS-K đầu tiên củng cố lãnh thổ ở khu vực phía nam của tỉnh Nangarhar, nằm trên biên giới đông bắc của Afghanistan với Pakistan - đây cũng từng là thành trì trước đây của nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda ở khu vực Toro Bora.
IS-K sử dụng vị trí của mình ở biên giới nhằm thu thập hàng hóa và tân binh từ các khu vực bộ lạc của Pakistan, cũng như tận dụng kiến thức sâu của các nhóm địa phương mà IS-K đã thiết lập quan hệ đồng minh với chúng.
Có những bằng chứng cụ thể cho thấy tổ chức chi nhánh này đã nhận tiền bạc, các tư vấn, và huấn luyện từ tổ chức gốc IS ở Iraq và Syria. Một số chuyên gia ước tính số tiền này vượt quá 100 triệu USD.
Mục đích và chiến thuật
Ý đồ của IS-K là thiết lập một đầu cầu cho phong trào "Nhà nước Hồi giáo tự xưng" mở rộng đế chế Hồi giáo (caliphate) ra vùng Trung Á và Nam Á.
IS-K muốn củng cố bản thân như tổ chức thánh chiến hàng đầu trong khu vực. Điều này thể hiện ở việc IS-K giành lấy di sản của một số tổ chức thánh chiến có từ trước đó, và gửi thông điệp kêu gọi cả các chiến binh thành chiến kỳ cựu lẫn các đối tượng trẻ hơn ở khu vực đô thị.
Tương tự tổ chức lõi của IS ở Iraq và Syria, IS-K tận dụng tri thức của các thành viên nhóm này cũng như các liên minh với nhóm này để tiến hành các cuộc tấn công phá hoạt lớn. Chúng nhắm vào các mục tiêu như cộng đồng người tộc Hazara và người theo đạo Sikh, cũng như các nhà báo, nhân viên viện trợ, nhân viên an ninh và cơ sở hạ tầng của chính phủ cũ.
IS-K hướng tới việc tạo ra bất ổn và sự bất định nhằm đẩy các chiến binh vỡ mộng ra khỏi nhóm khác và tham gia vào hàng ngũ của chúng. IS-K cũng muốn người dân nghi ngờ năng lực của bất cứ chính phủ nào ở Afghanistan trong việc bảo đảm an ninh cho họ.
Mối quan hệ giữa IS-K và Taliban?
IS-K xem Taliban tại Afghanistan là đối thủ chiến lược của mình. Chúng gọi Taliban Afghanistan là "những kẻ dân tộc chủ nghĩa nhơ nhớp" với tham vọng hình thành một chính phủ nằm trong khuôn khổ biên giới Afghanistan - điều này mâu thuẫn với mục tiêu của IS là thiết lập một đế chế Hồi giáo (caliphate) toàn cầu.
Kể từ khi ra đời, IS-K đã cố gắng tuyển các thành viên Taliban Afghanistan trong khi đồng thời tấn công các vị trí của Taliban trên khắp đất nước.
Các nỗ lực của IS-K đạt một số thành công nhưng Taliban đã cố gắng ngăn chặn các thách thức này bằng việc đeo đuổi tấn công cả người lẫn cơ sở của IS-K.
Các đụng độ trên xảy ra đồng thời với các chiến dịch trên không và trên bộ của quân đội Mỹ và quân đội Afghanistan chống lại IS-K.
Đa số các thiệt mạng về nhân sự và thủ lĩnh của của IS-K là do các hoạt động tác chiến của Mỹ và Afghanistan, trong đó không kích đóng vai trò đặc biệt.
Mức độ nguy hiểm của IS-K đối với Afghanistan và cộng đồng thế giới?
IS-K hiện là một tổ chức đã bị làm cho tương đối suy yếu. Do vậy mục tiêu trước mắt của IS-K là bổ sung hàng ngũ và gửi đi thông điệp về quyết tâm của chúng thông qua các cuộc tấn công gây "tiếng vang". IS-K phải làm vậy để vẫn phù hợp với bối cảnh Afghanistan-Pakistan hiện nay.
IS-K muốn tấn công Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở nước ngoài nhưng cộng đồng quân sự và tình báo Mỹ bị chia rẽ trong cách đánh giá về quy mô mà tổ chức này có thể truyền cảm hứng hoặc trực tiếp chỉ đạo tấn công phương Tây.
Tuy nhiên, riêng tại Afghanistan, IS-K đã chứng tỏ là mối đe dọa đáng sợ hơn. Bên cạnh tấn công các nhóm dân tộc thiểu số Afghanistan và các thể chế dân sự, tổ chức này còn nhắm vào các nhân viên viện trợ quốc tế, hoạt động rà phá bom mìn, và thậm chí còn từng nỗ lực ám sát cả Đại sứ Mỹ tại Kabul vào tháng 1/2021.
Còn quá sớm để nói về những lợi thế mà IS-K có được từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, vụ tấn công đẫm máu vào khu vực sân bay Kabul vừa qua cho thấy nhóm này vẫn là một mối nguy thường trực.
Về ngắn hạn, IS-K sẽ tiếp tục nỗ lực gieo rắc tâm lý hoảng sợ và tình trạng hỗn loạn, đồng thời phá rối quá trình rút quân của Mỹ và cố gắng chứng minh rằng Taliban Afghanistan không có khả năng đem lại an ninh cho người dân.
Nếu như IS-K có khả năng thu lại một số lãnh thổ và tuyển thêm được chiến binh thì nhiều khả năng tổ chức này sẽ thực sự trở lại và tạo ra được các mối đe dọa cả ở cấp quốc gia, khu vực, và quốc tế./.