Nhóm kỹ sư Việt chế tạo thành công robot giúp khử khuẩn, đưa cơm, phát thuốc

Trước nguy cơ lây nhiễm ở các bệnh viện trong mùa dịch Covid-19, một nhóm nhà nghiên cứu đã sáng chế ra robot NaRoVid có thể hỗ trợ nhân viên y tế khử khuẩn, đưa cơm, phát thuốc… ở khu vực cách ly, phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Robot NaRoVid đã được thử nghiệm thành công tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) ngày 15-4 vừa qua.

Các thành viên nhóm nghiên cứu phấn khởi khi sáng chế ra robot NaRoVid.

Robot NaRoVid được nhóm cán bộ, kỹ sư thuộc Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chế tạo thành công chỉ trong 15 ngày.

Kỹ sư Mai Anh Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ, nhóm gặp khá nhiều khó khăn khi trong thời gian ngắn phải đáp ứng nhu cầu chỉnh lý các tính năng của robot dựa trên lời khuyên của bác sĩ, trong khi việc tiếp cận bệnh viện không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trở ngại nữa là việc nhập khẩu một số linh kiện kéo dài, trong khi áp lực để đưa ra sản phẩm tính bằng ngày. Vì thế, hơn 10 cán bộ, kỹ sư đã liên tục bám trụ ở cơ quan, không kể ngày đêm, để sáng chế ra robot NaRoVid.

Ông Nguyễn Huy Công, Giám đốc Trung tâm Công nghệ vi điện tử và tin học (Viện Ứng dụng công nghệ) cho biết, NaRoVid sử dụng thuật toán di chuyển thông minh, cảm biến laser, cảm biến siêu âm và la bàn để định hướng, lập bản đồ và chu trình di chuyển.

Với kích thước 50cm x 60cm x 30cm, robot có thể di chuyển vào những không gian hẹp. Khả năng chứa dung dịch đến 10 lít giúp việc tiếp thêm dung dịch khử khuẩn cho robot được giãn cách. NaRoVid cũng có tính năng di chuyển linh hoạt theo chu trình do người vận hành thiết lập, tự động về vị trí sạc sau khi kết thúc chu trình.

Đánh giá về robot NaRoVid, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ Giang Mạnh Khôi cho biết, NaRoVid được thiết kế nhỏ gọn, bảo đảm tối đa diện tích sàn có thể lau. Theo yêu cầu trong phòng cách ly, cứ 30 phút phải lau và khử khuẩn sàn nhà một lần, rất tốn thời gian và công sức của nhân viên y tế. Với NaRoVid, robot này có thể phun dung dịch khử khuẩn và lau sàn trong vòng hai giờ liên tục, bảo đảm thay thế công việc thường xuyên của nhân viên y tế.

Ngoài việc giảm nguy cơ lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân tốt hơn.

Nhóm nghiên cứu cho biết, sẽ tiếp tục cải tiến thêm các tính năng, tăng độ chính xác của robot, đồng thời tích hợp thêm nhiều công dụng khác cho robot này để khi được sử dụng, robot phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch.

Dương Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/965494/nhom-ky-su-viet-che-tao-thanh-cong-robot-giup-khu-khuan-dua-com-phat-thuoc