Nhóm làm sữa giả vừa bị bắt, luật sư nhận định có thể đối mặt án chung thân
Liên quan đến vụ án sản xuất sữa giả với số lượng cực lớn vừa bị Cơ quan điều tra, Bộ Công an phát hiện, bắt giữ, luật sư Nguyễn Thị Phương Loan, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, với hành vi nghiêm trọng, có thể những người cầm đầu trong vụ án sẽ phải chịu mức án tù chung thân.
Cụ thể, luật sư Nguyễn Thị Phương Loan cho hay, theo quy định tại Nghị định số 98 ban hành năm 2020, "sản xuất" được hiểu là việc thực hiện một hoặc nhiều công đoạn để tạo ra hàng hóa, bao gồm các hoạt động như chế tạo, in ấn, gia công, sơ chế, chế biến, đóng gói và các hoạt động khác có tính chất tương tự.
Luật An toàn thực phẩm năm 2010 định nghĩa thực phẩm là sản phẩm con người sử dụng để ăn hoặc uống, ở dạng tươi sống hoặc đã qua chế biến. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất dùng như dược phẩm.

Luật sư Nguyễn Thị Phương Loan. Ảnh: NVCC
Cũng theo Nghị định số 98, hàng giả là những hàng hóa không đúng với bản chất, tên gọi, giá trị sử dụng hoặc có công dụng thấp hơn so với công bố. Cụ thể, đó là những sản phẩm không có hoặc có công dụng không đúng so với công bố, hoặc có ít nhất một chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản chỉ đạt dưới 70% so với mức tối thiểu theo tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã được đăng ký, công bố hoặc ghi trên bao bì sản phẩm.
Về trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 193: Người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì có thể bị phạt tù từ 2 đến 5 năm.
Nếu hành vi phạm tội có tính chất nghiêm trọng, như hàng giả tương đương với hàng thật có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, hoặc gây thiệt hại về tài sản trong khoảng tương tự, hình phạt có thể từ 10 năm đến 15 năm tù.
Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nếu người phạm tội thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản từ mức đó trở lên, có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Số sữa bị thu giữ. Ảnh: Báo CAND.
Đối với pháp nhân thương mại, nếu vi phạm các quy định trên có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc bị cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định.
Như vậy, cá nhân có hành vi sản xuất hoặc buôn bán thực phẩm giả, tùy vào mức độ và hậu quả gây ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức án cao nhất là tù chung thân. Còn pháp nhân vi phạm có thể bị xử phạt bằng tiền lên tới 18 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động.
Trong vụ việc sản xuất sữa giả đang được điều tra, do mức độ tiêu thụ lớn và nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai, các đối tượng liên quan cần được xử lý nghiêm khắc. Việc này không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe, đời sống của người dân và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.