Nhóm M6 và dự án lưu giữ truyền thống bằng âm thanh
Một cái Tết rộn ràng trong âm nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến, một cái Tết thâm trầm, sâu lắng của Giáng Son hay một cái tết thấm đẫm truyền thống của Lê Tâm... Mỗi người một góc nhìn, một xúc cảm về ngày Tết, nhóm M6 đã cùng nhau sáng tác những ca khúc 'Chúc mừng năm mới' để lưu giữ những vẻ đẹp của Tết Việt trong tâm hồn mỗi người.
Đó là một dự án âm nhạc độc đáo nhưng cũng đầy thách thức của nhóm M6, mỗi thành viên viết một bài hát nhan đề "Chúc mừng năm mới". Chung một chủ đề nhưng mỗi bài là một câu chuyện được kể bằng phong cách riêng, trong không gian âm nhạc riêng và mang tải thông điệp mang dấu ấn của từng nhạc sĩ. Họ là Lê Tâm, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngô Tự Lập, Trần Đức Minh, Nguyễn Thắng và Giáng Son.
“Chúng tôi muốn ra một album mang tên “Chúc mừng năm mới” với 6 ca khúc cùng tên. Nhóm chúng tôi thích làm việc với kiểu “ra đề” và cắm đầu giải. Đó là một cuộc chơi nghiêm túc với nghề, thách thức sự sáng tạo của mỗi cá nhân khi viết về cùng một đề tài”, nhạc sĩ Lê Tâm chia sẻ.
Dự án khởi động từ năm 2019 và một số ca khúc “Chúc mừng năm mới” của nhạc sĩ Lê Tâm, Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Thắng đã vang lên đâu đó, mỗi dịp Tết đến xuân về. Mới đây, trong những ngày chuẩn bị đón năm mới 2024, hai ca khúc “Chúc mừng năm mới” của nhạc sĩ Trần Đức Minh và Giáng Son ra đời, hoàn thiện những mảnh ghép cuối cùng của một dự án âm nhạc đầy ngẫu hứng nhưng không kém phần thú vị. Một cuộc trình diễn ra mắt 6 ca khúc “Chúc mừng năm mới” mang tên “Tiếng thời gian” đã tổ chức và được đông đảo khán giả đón nhận, bởi nó gợi lên không gian tâm tưởng trong tâm hồn mỗi người Việt.
Đó là cách nhóm nghệ sĩ M6 muốn lưu giữ lại khoảng khắc đẹp trong tâm hồn mỗi người, khoảnh khắc Tết. Khoảnh khắc của “Gió mới sẽ về trên tay/ Én mới sẽ về trên phố/ Sau đêm sẽ chói chang mặt trời/ Đàn sẽ lại lên dây/ Bài hát sẽ có lời ca mới/ Khi em trong tay anh không gian sẽ giao thừa/ Và đầy trời mùa xuân sẽ đến mênh mang/ Những âm thanh như câu chào thương mến” (Ngô Tự Lập) hay “Mưa xuân rất quen/ Sâu trong tháng năm/ Sâu trong trái tim/ Bao ngọt bùi cay đắng” (Nguyễn Vĩnh Tiến). Hay, một cái tết truyền thống với hoa đào, hoa mai và không gian đầy hoài niệm của Lê Tâm “Mẹ làm cơm tất niên/ Đồ xôi và cuốn nem/ Bánh chưng, mứt tết/ Hân hoan tiệc đoàn viên”...
Nhạc sĩ Lê Tâm chia sẻ: “Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam đã có một số bài hát về Tết như “Đón Tết” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, “Anh cho em mùa xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, hay “Xuân đã về” của nhạc sĩ Minh Kỳ, “Điệp khúc mùa xuân” của nhạc sĩ Quốc Dũng. Nhưng, hầu hết những bài hát đều có giai điệu vui tươi, hớn hở đón chào một năm mới. Còn “Chúc mừng năm mới” của nhóm M6 sẽ có sự ưu tư, những khoảng lặng khi bước qua thời khắc giao thời của năm cũ và năm mới, ngổn ngang những vui, buồn”.
Đó là một Lê Tâm với giấc mơ về tết đoàn viên, về những phong tục, tập quán đang dần mai một theo thời gian. Anh tái hiện lại cái Tết cổ, Tết của đoàn tụ, yêu thương với những hình ảnh thân quen như đến nhà nhau chúc Tết, với bánh chưng, câu đối Tết.
“Bài hát nói về một nếp truyền thống cần giữ, nó là căn cội của cộng đồng, nếu không còn những phong tục ấy, bánh chưng, hoa đào, không còn những lời chúc ấy, Tết sẽ trở nên nhạt nhòa”, nhạc sĩ Lê Tâm nhấn mạnh.
Ngày 22/12/2023, Đại Hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên hợp quốc. Điều đó giúp giải tỏa tranh cãi nên bỏ Tết ta, chỉ giữ Tết Tây để hòa nhập thế giới. Nhưng, thực tế, việc tôn trọng các giá trị và sự khác biệt về văn hóa mới giúp mỗi quốc gia phát triển bền vững.
“Chúc mừng năm mới” của Lê Tâm là một bài hát mang nội dung hết sức thuần Việt, nhưng được viết theo tiết tấu valse, rất cổ điển phương Tây. Dù lối tiến hành của “Chúc mừng năm mới” hơi Tây nhưng hồn cốt vẫn là Việt. Các hình ảnh trong ca khúc rất gần gụi với người Việt như hoa đào, ga tàu, tục cúng tổ tiên, xuất hành, xông nhà, chúc Tết và mừng tuổi nên mọi người hát sẽ cảm nhận như chuyện nhà mình. Đó cũng là cách nhóm M6 viết “Chúc mừng năm mới”. Hay nói cách khác, Tết được dẫn dắt bởi những câu chuyện, hình ảnh, dẫn lối cho cảm xúc. “Gặp lại tháng Giêng/ Cành đào sáng nay/ Mà sao tháng Giêng/ Mắt ta cay cay”. Tháng Giêng, cành đào còn đó, chỉ là mình không còn như cũ nữa. Vì thế, cái Tết cũng trở nên rưng rưng, gợi nhớ.
Nhạc sĩ Giáng Son tung bài “Chúc mừng năm mới” vào những ngày cận kề Tết. Với chị, Tết không phải là một khúc hoan ca, mà đó là những ưu tư, trầm ngâm khi thời gian trôi, những người thân không còn nhiều thời gian ở bên mình nữa. “Tết vẫn là cành đào hoa/ Và bánh chưng xôi giò chả nem/ Thật lo lắng khi cha mẹ già thêm/ Và tôi vẫn thích ngày bình thường hơn”. Nhưng, Tết vẫn mang đến niềm hy vọng, niềm tin yêu vào ngày mới... Một năm mới đánh thức trái tim yêu thương và sẻ chia.
Còn Tết của nhạc sĩ, nhà văn Ngô Tự Lập rất tha thiết, ngọt ngào. Đó là khúc ca của tình yêu hạnh phúc. “Rượu cuộc đời buồn vui ta nhấp trên môi/ Trao mùa xuân/ Ánh mắt sẽ là bình yên/ Mái tóc sẽ là hơi ấm/ Mỗi sớm sẽ đến như một đời/ Bài hát dành cho nhau”. Mùa xuân vốn là một trạng thái khách quan nhưng qua chủ quan lại trở thành món quà. Xuân chỉ có một nhưng khi trở thành món quà trên trái đất sẽ là hàng tỷ mùa xuân được trao và nhận. Năm mới đến song hành cùng nếp nhăn mới. Giao thừa bao giờ cũng vui xen lẫn buồn. Nhưng, ngày hôm qua khép lại thì ngày mới đến lại khởi tạo một cuộc đời mới đầy háo hức. Bởi, “Và cuộc đời từng giây từng phút đơm hoa/ Lúc con tim reo vui tình yêu mới/ Rượu cuộc đời buồn vui ta nhấp trên môi/ Trao cho nhau mùa xuân”. “Chúc mừng năm mới” của Ngô Tự Lập là một ca khúc trữ tình da diết, là lời chúc mừng năm mới và những khao khát về tình yêu, niềm tin và niềm hy vọng đầu xuân. Bài hát đã được ca sĩ Thanh Lam, Đào Tố Hoa thể hiện rất thành công.
Nếu Lê Tâm đắm chìm trong không gian hoài niệm thì Nguyễn Vĩnh Tiến lại tình tứ, bay bổng trong “Chúc mừng năm mới” với lời thơ do chính anh tự viết. Vẫn cái chất phiêu bồng, dân gian đương đại, rất Nguyễn Vĩnh Tiến đã đưa khán giả đến một không gian mang đầy chất thơ. Tết của anh là thế. “Tôi đang khẽ bay trên những lá cây/ Trên con phố xưa/ Trên hoa nở mùa xuân tới/ Mưa xuân rất quen/ Mưa qua mắt em/ Anh nghe thấy không/ Sâu trong tháng năm”...
Còn Nguyễn Thắng viết “Chúc mừng năm mới” với một cảm thức dài rộng hơn, trong khoảng khắc linh thiêng của đất trời. Bài hát của anh đã dành Giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. “Nhớ cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/ Thịt mỡ với dưa hành câu đối đỏ/ Vẫn bên tôi, ngày Tết ấy xa rồi”. Đó chính là mùi Tết trong tâm hồn Nguyễn Thắng, hay trong tâm hồn mỗi người Việt.
6 bài hát mang cùng một cái tên “Chúc mừng năm mới” nhưng mỗi bài mang một cung bậc tình cảm khác nhau, cùng góp thêm vào những giai điệu đẹp của mùa xuân, của Tết. Những cái Tết thuần Việt, mang tâm hồn Việt. “Chúc mừng năm mới”, hơn cả một dự án, một cuộc chơi, đó là cách để lưu giữ truyền thống bằng âm thanh...
M6 là một nhóm nghệ sĩ độc lập ở Hà Nội. Trong đó, Ngô Tự Lập là thủ lĩnh. Bài hát đầu tiên anh công bố là "Hà Nội hiphop" (Bài hát Việt - 2007) với âm hưởng và cái nhìn mới mẻ về Hà Nội. Một "nhân vật" được biết đến nhiều của nhóm là nữ ca sĩ Giáng Son, thành viên nữ duy nhất của M6, cũng là một trong những nữ nhạc sĩ xuất sắc nhất của Việt Nam hiện nay. Giáng Son từng đoạt giải “Nhạc sĩ ấn tượng” của Bài hát Việt - 2005. Album mới nhất của chị, "Bóng tối Jazz" đoạt Giải Cống hiến - 2016. Nguyễn Vĩnh Tiến với những bài hát dân gian đương đại nổi tiếng như “Bà tôi”...
Các thành viên khác của nhóm cũng là những tên tuổi mà người trong giới và người yêu nhạc đều biết đến: Nguyễn Lê Tâm là thành viên và sáng tác chính của ban nhạc “Đồng hồ báo thức” cuối thập kỷ 1990; một nhạc sĩ sáng tác có biên độ rộng từ đề tài, phong cách và độ tuổi, với các ca khúc như "Nhắn tuổi hai mươi", "Cảm ơn thời gian", "Chiếc đồng hồ đáng ghét", "Tiếng Việt".
Trần Đức Minh là nhạc sĩ sáng tác khí nhạc và nhạc phim, đồng thời là nhà phối khí có uy tín. Nguyễn Thắng, người chơi thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ, chuyên về biểu diễn và sáng tác nhạc không lời. Mỗi người một ngành nghề, một màu sắc sáng tạo, tự ví nghệ thuật của mình như “một khối rubic đầy biến hóa”, nhưng một đặc điểm chung trong âm nhạc của M6 là mang đến một không gian mới lạ, độc đáo, nhưng không kén người nghe, bởi luôn mang đậm hơi thở cuộc sống. Bên cạnh những tìm tòi về giai điệu, hòa âm, ca khúc của M6 còn có một ưu điểm nổi bật khác, đó là ca từ trau chuốt, tinh tế và sâu sắc, dù chủ đề là tình yêu, những suy tư nhân tình thế thái hay những vấn đề đầy tính thời sự như chiến tranh và hòa bình.