Nhóm nghị sĩ Hàn Quốc tới quần đảo tranh chấp với Nhật Bản
Ngày 31/8, một nhóm các nhà lập pháp Hàn Quốc đã tới quần đảo Dokdo mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima. Các nghị sĩ này đã lên tiếng hối thúc Nhật Bản nhanh chóng chấm dứt các biện pháp hạn chế thương mại đối với Hàn Quốc.
Theo hãng tin Yonhap, nhóm nghị sĩ trên gồm 3 nghị sĩ của đảng Dân chủ cầm quyền và 3 nghị sĩ độc lập. Các nghị sĩ này cho rằng Tokyo cần có những nỗ lực chân thành để giải quyết những mâu thuẫn lịch sử bắt nguồn từ thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945. Các nghị sĩ cũng chỉ trích việc Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Hàn Quốc.
Hàn Quốc kiểm soát quần đảo Dokdo/Takeshima từ năm 1945, khi kết thúc thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản cũng nhận chủ quyền đối với quần đảo này và cáo buộc Hàn Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo này lâu nay luôn gây căng thẳng giữa hai nước.
Chính phủ Nhật Bản đã phản đối chuyến thăm của các nghị sĩ Hàn Quốc tới quần đảo tranh chấp. Ông Kenji Kanasugi, Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gọi điện thoại cho ông Kim Kyung Han, quan chức cấp cao thuộc Đại sứ quán Hàn Quốc tại Nhật Bản, bày tỏ quần đảo trên là "vùng lãnh thổ vốn có của Nhật Bản căn cứ thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế", do đó chuyến thăm của các nghị sĩ Hàn Quốc tới quần đảo này là "không thể chấp nhận được".
Chuyến thăm của các nghị sĩ Hàn Quốc tới quần đảo Dokdo/Takeshima diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước láng giềng đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, sau khi các tòa án Hàn Quốc cuối năm 2018 phán quyết các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên.
Căng thẳng leo thang khi Nhật Bản ngày 4/7 siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất chip điện tử và màn hình sang thị trường Hàn Quốc. Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul đối với các mặt hàng nhạy cảm lỏng lẻo.
Phía Hàn Quốc đã phản đối mạnh các động thái trên của Nhật Bản, cho rằng đó là hành động trả đũa các phán quyết trên của tòa án Hàn Quốc và có thể phá hỏng các nguyên tắc thương mại tự do cũng như ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.